Đề xuất thí điểm học theo tín chỉ ở THPT để HS được thực sự lựa chọn môn học

13/09/2022 06:32
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh lựa chọn cùng môn học sẽ được sắp xếp học chung, không theo lớp học, có thể có lớp đông học sinh, cũng có thể có lớp ít học sinh.

Ngày 3/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 09 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 04 môn học trong 09 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Ảnh minh họa - Phạm Linh

Có trường trung học phổ thông nào cho học sinh được lựa chọn môn học?

Tại Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ: “học sinh được lựa chọn 4 môn học từ các môn lựa chọn gồm Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.”.

Nếu học sinh được lựa chọn 4 trong 9 môn bất kỳ sẽ có 126 cách chọn (126 tổ hợp chọn môn).

Theo tìm hiểu của người viết, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên các trường trung học phổ thông trong cả nước đều thực hiện việc tự xây dựng các tổ hợp chọn môn (khoảng 3-6 tổ hợp) và cho học sinh chọn theo các tổ hợp đã được chọn sẵn (Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn 1496 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 có hướng dẫn các trường dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự xây dựng tổ hợp chọn môn).

Tuy nhiên, nếu các trường tự xây dựng các tổ hợp môn cho học sinh học sẽ khiến học sinh gặp vô cùng thiệt thòi như:

Các trường chọn sẵn tổ hợp môn cho học sinh thì giống như "ép" học sinh học các môn mà mình không thích và không đúng định hướng chương trình mới, học sinh không được chọn môn theo sở trường, định hướng nghề nghiệp.

Nếu trường trung học phổ thông có nhiều giáo viên Vật lý, Hóa học,… thì sẽ xây dựng nhiều tổ hợp có các môn trên, thiệt thòi cho học sinh khối khoa học xã hội và ngược lại.

Nếu trường không có giáo viên Sinh học, Âm nhạc,… thì sẽ bỏ các môn trên trong các tổ hợp, có thể nói là dễ cho trường, chỉ có người học là thiệt trăm bề.

Tự tạo ra tổ hợp môn lựa chọn sẽ có rất nhiều em sẽ phải học những môn học mình không thích, gần như không được quyền thay đổi, mất đi ý nghĩa định hướng nghề nghiệp.

Để tự do lựa chọn môn học, học theo tín chỉ là giải pháp tối ưu?

Theo người viết, chương trình giáo dục phổ thông mới cho học sinh được lựa chọn môn là định hướng mới theo xu hướng tiến bộ của thế giới, học sinh thích môn nào sẽ được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất và đặc biệt nhân sự chưa đáp ứng như môn Âm nhạc, Mĩ thuật không có giáo viên giảng dạy, một số môn thiếu giáo viên đáp ứng nhu cầu chọn môn của học sinh, chưa mạnh dạn cho học sinh chọn môn,… nên mục tiêu cho học sinh chọn môn khó có thể thực hiện.

Cuối cùng, các trường phải tự xây dựng các tổ hợp môn, tức là học sinh gần như không được lựa chọn môn học.

Việc được lựa chọn tổ hợp môn cũng không trọn vẹn, ví dụ trường xây dựng tổ hợp A có 3 lớp 10 nhưng lại có nhiều hơn 3 lớp chọn tổ hợp A, học sinh bắt buộc phải chọn tổ hợp khác.

Người viết cho rằng việc cho học sinh được lựa chọn môn học là đúng nhưng lại giao trường được toàn quyền xây dựng tổ hợp môn không theo đam mê, sở thích của học sinh là chưa phù hợp.

Việc này ảnh hưởng đến sự lựa chọn của học sinh và định hướng nghề nghiệp của các em trong tương lai, không phù hợp định hướng chương trình mới.

Tuy nhiên, để học sinh được lựa chọn môn học không phải là chuyện đơn giản, nếu không có quyết tâm của Bộ Giáo dục, lãnh đạo các địa phương và sự đồng lòng của toàn xã hội, bên cạnh đó phải có sự quyết tâm cao nhất của ban giám hiệu trường.

Để học sinh được lựa chọn môn học, đầu tiên cho học sinh được tự do đăng ký 4 trong 9 môn học, các chuyên đề học tập theo đúng đam mê nghề nghiệp, sở thích. Sau khi học sinh đăng ký xong, nhà trường xây dựng thời khóa biểu gồm các môn học bắt buộc, các môn học tự chọn theo cụm, không theo lớp học.

Học sinh lựa chọn cùng môn học sẽ được sắp xếp học chung, không theo lớp học, có thể có lớp đông học sinh, cũng có thể có lớp ít học sinh, tùy theo số học sinh đăng ký môn lựa chọn.

Theo người viết để học sinh được lựa chọn môn học một cách hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cho thí điểm chương trình học theo tín chỉ giống như ở bậc đại học.

Tuy việc học sinh chạy lớp này sang lớp khác ban đầu có thể khá vất vả, tuy nhiên khi đã ổn định 1, 2 tuần đầu, giáo viên và học sinh sẽ quen dần, đi vào ổn định, sẽ đúng ý nghĩa, định hướng chương trình mới, học sinh được chọn môn.

Bên cạnh đó, học theo tín chỉ từ trung học phổ thông sẽ có được những lợi ích như học sinh sẽ được chủ động lựa chọn thời gian học, có thể lựa chọn nơi học, học sinh không đạt môn nào thì chỉ cần học lại môn đó, không nhất thiết phải có tình trạng học sinh phải ở lại lớp khi học yếu một phần, phân môn.

Tất nhiên, khâu nhân sự giáo viên, cơ sở vật chất vẫn là khâu trọng yếu, sáp nhập trường, luân chuyển giáo viên là việc phải thực hiện linh hoạt theo nhu cầu của người học.

Do đó, người viết cho rằng để thực hiện đúng chương trình mới ở trung học phổ thông, học sinh được chọn môn học theo đam mê, định hướng nghề nghiệp thì ngoài sự quyết tâm của các cấp, các ngành còn phải thay đổi hình thức, phương pháp hình thức dạy học, trong đó có việc dạy học theo tín chỉ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên