GS Nguyễn Lộc: Dạy học là một trong những nghề căng thẳng, áp lực nhất

06/09/2022 06:47
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lý do giáo viên Việt Nam nghỉ việc cũng tương tự như trên thế giới, gồm 2 vấn đề chính là do đồng lương còn thấp và do mức độ căng thẳng của công việc.

Thiếu giáo viên nhưng khó tuyển dụng, số lượng giáo viên xin nghỉ việc ngày càng nhiều đang là những vấn đề nan giải đặt ra cho ngành giáo dục hiện nay.

Theo số liệu từ Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, trong vòng 6 năm (từ năm 2015 – 2022), số lượng giáo viên giảm 48.100 người, tương đương 5,6% (từ 861.300 người còn 813.200 người).

Bước vào năm học mới, nhiều địa phương cũng báo cáo đang thiếu giáo viên với số lượng lớn.

Bàn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Thưa Giáo sư, qua số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 năm qua, tỷ lệ giáo viên giảm 5,6%. Thầy đánh giá như thế nào về con số này, liệu mức độ hao hụt giáo viên có quá lớn và có đến mức báo động không?

Giáo sư Nguyễn Lộc: Tôi cho rằng 5,6% giáo viên giảm cũng là con số mà chúng ta cần phải suy ngẫm. Tuy nhiên, sự quan tâm lớn của xã hội về tỷ lệ này khá tương tự với sự lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam được cho là cao trong thời gian vừa qua. Nhưng thực ra, khi đối sánh với quốc tế, tỷ lệ cử nhân thất nghiệp của Việt Nam cũng ở mức bình thường, thậm chí được coi là khá phù hợp để duy trì mức độ cạnh tranh trong thị trường nhân lực ở phân khúc này.

Cụ thể hơn, vấn đề giáo viên bỏ nghề trong thời gian gần đây trên thế giới đã đạt tới quy mô rất báo động và người ta đã bắt đầu dùng tới từ như “en masse” – “ồ ạt” hay thậm chí là “exodus” – “di cư”… để mô tả hiện tượng này.

Chỉ riêng ở Mỹ, từ tháng 1 cho đến tháng 11 năm 2020 có tới 800 nghìn giáo viên phổ thông công lập xin thôi việc (theo The Wall Street Journal), trong khi số lượng giáo viên phổ thông cả nước là 3,5 triệu người (theo The National Center for Education Statistics). Khảo sát mới của Liên đoàn Giáo dục Anh Quốc cho thấy một bức tranh ảm đạm khi dự báo 20% giáo viên sẽ bỏ nghề vào 2 năm tới và 44% cho tới năm 2027 (theo Skynews).

Ở khía cạnh khác, mức độ đầy đủ của giáo viên thường được đánh giá qua tỷ lệ học sinh/giáo viên. Theo thống kê năm 2020 của UNESCO dành cho giáo dục bậc tiểu học – bậc học đông đảo nhất, tỷ lệ này của Việt Nam là 20 (năm 2018), xếp hạng thứ 100/191 quốc gia, trong khi đó tỷ lệ trung bình của thế giới là 23 và của các nước thu nhập trung bình là 24. Tỷ lệ học sinh/giáo viên của giáo dục tiểu học Việt Nam năm 2019-2020 là 23.

Với tỷ lệ giáo viên bỏ việc dưới 1%/năm, tỷ lệ này có thể tăng lên 28-29. Tuy nhiên nếu điều này xảy ra thì thực tiễn tuyển dụng giáo viên gần đây cho thấy việc bù đắp sự thiếu hụt là khả quan.

Chẳng hạn, riêng năm 2022 ngành giáo dục nước ta đã thực hiện được gần một nửa chỉ tiêu so với kế hoạch tuyển dụng giáo viên giai đoạn 2022-2026 mà Nhà nước đề ra.

Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng sinh viên sư phạm ra trường hằng năm vẫn lên đến con số vài chục ngàn và cho tới nay vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội được đứng trên bục giảng. Họ sẽ là lực lượng bổ sung đáng kể. Đó là chưa kể đến thực tế ở một số tỉnh thành tỷ lệ chọi để được tuyển làm giáo viên cao.

Cuối cùng, cùng với việc thiếu giáo viên, cũng nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề thừa giáo viên. Phải chăng đây cũng là cơ hội tốt để các trường điều chỉnh lại đội ngũ giáo viên để đáp ứng tốt hơn việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng nhiều giáo viên bỏ nghề là vì đồng lương còn quá thấp, công việc nặng nhọc. Quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Lộc: Lý do khiến giáo viên Việt Nam nghỉ việc cũng tương tự như ở trên thế giới, tựu trung lại gồm hai vấn đề chính, đó là do đồng lương còn thấp và do mức độ căng thẳng của công việc.

Trước hết về lương, dường như ai cũng nhận thấy rõ lương của giáo viên Việt Nam còn thấp và không đủ để trang trải cuộc sống. Giải pháp dễ hiểu và khá “ngây thơ” thường được đưa ra là tăng lương cho giáo viên.

Tại sao một giải pháp có vẻ hợp tình hợp lý như vậy, ai cũng nhìn thấy rõ như vậy, vốn được đề xuất từ hàng chục năm nay mà chưa giải quyết được? Câu trả lời có lẽ sẽ được làm sáng tỏ thông qua đối sánh quốc tế như sau:

Điều thứ nhất là theo số liệu thống kê quốc tế, lương giáo viên của các quốc gia thường được so sánh trong tương quan với thu nhập trung bình đầu người của quốc gia đó (nghĩa là có thu mới chi được). Mức lương được sử dụng so sánh ở đây là mức lương cao nhất của sự nghiệp giáo viên. Thống kê cho thấy rằng mức lương giáo viên ở các quốc gia trên thế giới rất khác nhau, nó có thể thấp hơn thu nhập trung bình đầu người như ở một số nước Cộng hòa Slovak, New Zealand…; xấp xỉ bằng thu nhập trung bình đầu người, ở đa số quốc gia, như Mỹ, Switzerland…; cao hơn thu nhập trung bình đầu người ở một số nước như Đức (khoảng 1,5 lần), Malaysia và Thái Lan (khoảng 1,2 lần)… và cao nhất là gấp đôi so thu nhập trung bình trên đầu người, mặc dù rất hiếm, như ở Hàn Quốc, Nhật Bản (theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD). Ở Việt Nam tỷ lệ này là 1,5.

Mặt khác, thống kê quốc tế cũng cho thấy rằng nghề giáo viên không là nghề có mức lương cao ở các nước, trong khi ở Việt Nam hiện nay lương giáo viên được đánh giá là cao hơn so với nhiều ngành nghề khác.

Riêng ý kiến cho rằng lương của giáo viên Việt Nam không đủ để trang trải cuộc sống thì câu hỏi này có thể đặt ra đối với bất kỳ công chức/viên chức Nhà nước của bất kỳ ngành nghề nào ở Việt Nam và câu trả lời cần tìm ở góc độ khác.

Hơn nữa, vấn đề tăng lương cho giáo viên thường được đặt chung với việc tăng lương đối với công chức/viên chức các ngành khác nên khó có thể được giải quyết nhanh được. Rõ ràng là nếu tiếp tục đề ra giải pháp tăng lương ta có thể rơi vào việc xoa dịu áp lực thực tiễn bằng cách "chuyền quả bóng" đi nơi khác. Điều còn quan trọng hơn là ta cần coi giải pháp tăng lương đã “tới hạn” và “tạm bỏ qua” vấn đề lương để tìm những giải pháp khác khả thi hơn trong thời gian tới.

Phóng viên: Vậy những giải pháp khả thi hơn mà Giáo sư đề cập đến là những giải pháp nào?

Giáo sư Nguyễn Lộc: Từ trước đến nay, ở Việt Nam, vấn đề căng thẳng trong dạy học đều được nhắc tới, song dường như mức độ trầm trọng của nó ít được phân tích.

Trong khi đó, các phân tích quốc tế luôn đề cập đến nghề dạy học như là một trong những nghề căng thẳng nhất, và thường được xếp hạng đầu về mức độ căng thẳng.

Về khía cạnh này, nghề dạy học luôn được liệt kê và xếp cùng hạng bên cạnh những nghề dễ hình dung hơn về mức độ căng thẳng như: cảnh sát, cứu hỏa, quân đội, thợ mỏ, y tế… (theo Getallbusiness). Mức căng thẳng của nghề dạy học thậm chí được đánh giá gấp đôi so với các nghề khác và được coi là nguyên nhân chính gây ra sự bỏ việc của giáo viên (theo Forbes).

Một nghiên cứu của Quỹ Quốc gia Nghiên cứu Giáo dục Anh Quốc chỉ ra những nguyên nhân gây ra áp lực đối với dạy học là: khối lượng công việc quá lớn; trách nhiệm giải trình vô tận; thời gian giải trí ít; luôn phải quản lý hành vi và tương tác với học sinh; thiếu sự rõ ràng về các kỳ vọng; tính quan liêu ngày càng tăng và nhiều trách nhiệm bổ sung đặt lên vai giáo viên…

Trao đổi với nhiều giáo viên Việt Nam cho ta thấy một bức tranh đặc trưng là căng thẳng trong công việc vốn đã nhiều, nay bị tăng thêm bội phần bởi dịch Covid-19 là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng bỏ việc hiện nay.

Rất nhiều ý kiến đồng tình rằng, giáo viên áp lực tứ bề là khủng khiếp nhất chứ không phải là tiền lương. Phân nửa giáo viên được hỏi trong một khảo sát gần đây có ý định bỏ nghề. Do vậy việc giảm áp lực công việc cho giáo viên cần đặt lên hàng đầu trong thời gian sắp tới. Có thể cân nhắc một số giải pháp như sau:

Thứ nhất là sử dụng ngân sách giáo dục hiệu quả hơn để tăng nguồn lực cải thiện môi trường làm việc cho giáo viên. Về tổng thể ngân sách giáo dục Việt Nam chiếm khoảng 20% ngân sách Nhà nước, là tỷ lệ khá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Song nguồn lực này dàn trải cho quá nhiều trường công lập, vốn có quy mô học sinh theo học chiếm tỷ trọng khoảng 96,4%. Quy mô học sinh trong các trường tư thục là quá nhỏ: khoảng 3,6%, trong khi đó tỷ lệ trung bình của Thế giới là 27% và của Châu Á-Thái Bình Dương là 20%. Nếu ta đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục, nâng tỷ trọng quy mô học sinh tư thục lên 12% (như Thái Lan) hoặc 14% (như Trung Quốc) thì sẽ có lượng ngân sách dư dôi đáng kể để chăm lo cho đội ngũ giáo viên công lập.

Thứ hai là chú trọng việc thúc đẩy áp dụng các hình thức tự chủ cho các trường phổ thông công lập. Các trường được tự chủ sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng đội ngũ giáo viên, đạt được mục tiêu thực chất đề ra, giảm thiểu tính hình thức, chủ nghĩa thành tích, giảm thiểu thủ tục hành chính, quan liêu bao cấp.

Các mô hình tự chủ phổ biến trong giáo dục phổ thông trong quốc tế như: Chọn trường (School choice), Trường cạnh tranh (School competition), Hóa đơn trường học (School voucher), Trường được công nhận (Chartered school)… cần được nghiên cứu áp dụng.

Thứ ba là tiến hành phân tích khối lượng và nội dung làm việc của giáo viên, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến về quản lý nhân sự/giáo viên như “Bảng mô tả công việc” (Job description), “Trả lương theo hiệu quả” (Teacher merit pay)…

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Phạm Minh