Nội dung giáo dục địa phương bắt buộc nhưng đến giờ nhiều nơi chưa xong tài liệu

20/09/2022 06:32
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do chưa có tài liệu chính thức nên nhiều trường trung học phổ thông chưa triển khai dạy Nội dung giáo dục địa phương.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ năm học 2022-2023, Nội dung giáo dục địa phương sẽ là học phần bắt buộc đối với học sinh lớp 10. Tuy nhiên, do chưa có tài liệu chính thức nên nhiều trường trung học phổ thông chưa triển khai dạy và học nội dung này.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện, nhà trường chưa nhận được tài liệu (bản in) của Nội dung giáo dục địa phương để phục vụ giảng dạy. Vì vậy, trường chưa triển khai dạy nội dung này.

"Theo tôi tìm hiểu, rất nhiều trường trung học phổ thông chưa nhận được tài liệu Giáo dục địa phương bởi cuốn tài liệu này sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, hoàn chỉnh về mặt nội dung còn phải gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để thẩm định, phê duyệt. Nếu chất lượng đảm bảo theo yêu cầu mới có thể in ấn và phát hành, cũng mất khá nhiều thời gian.

Thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: NVCC)

Thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: NVCC)

Riêng Nội dung giáo dục địa phương, nhà trường sẽ triển khai dạy khi giáo viên và học sinh có đủ sách. Còn các môn học, hoạt động khác vẫn được thực hiện theo đúng kế hoạch của năm học, ngoại trừ 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhà trường không tổ chức dạy vì chưa có giáo viên", vị Hiệu trưởng này cho hay.

Tương tự, tại Trường Trung học phổ thông Yên Châu (tỉnh Sơn La), giáo viên và học sinh đều chưa nhận được tài liệu (bản in) của Nội dung giáo dục địa phương.

Chia sẻ thêm về kế hoạch giảng dạy nội dung này, thầy Phạm Minh Thế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Số tiết được biên chế cho Nội dung giáo dục địa phương là 35 tiết nhưng các trường chỉ có thể bố trí dạy 31 tiết vì còn 4 tiết dành cho kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ của học kỳ I và học kỳ II.

Ngoài ra, Nội dung giáo dục địa phương còn liên quan đến một số phân môn khác như Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý. Vì vậy, học sinh học đến chuyên đề có nội dung về lịch sử địa phương thì giáo viên lịch sử sẽ dạy hoặc đến chuyên đề địa lý địa phương thì nhà trường sẽ phân công giáo viên địa lý đứng lớp nội dung đó".

Cũng trao đổi về vấn đề này, cô Huỳnh Ánh Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thiện nội dung của cuốn tài liệu Giáo dục địa phương, đang chờ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo thì tài liệu này sẽ được phê duyệt vào khoảng tháng 12 và các trường sẽ tiến triển khai dạy Nội dung giáo dục địa phương vào học kỳ II năm học 2022-2023. Theo đó, nhà trường dự kiến sẽ sắp xếp lại thời khóa biểu, tăng số tiết/tuần của nội dung này để đảm bảo tiến độ chương trình dạy và học".

Tại tỉnh Đắk Lắk, Nội dung giáo dục địa phương lớp 10 sẽ được triển khai dạy vào học kỳ II năm học 2022-2023. (Ảnh: NTCC)

Tại tỉnh Đắk Lắk, Nội dung giáo dục địa phương lớp 10 sẽ được triển khai dạy vào học kỳ II năm học 2022-2023. (Ảnh: NTCC)

Là năm đầu triển khai dạy Nội dung giáo dục địa phương đối với học sinh khối lớp 10, cô Hồng cũng rất băn khoăn trong việc phân công giáo viên giảng dạy, đánh giá, kiểm tra, vào điểm, nhận xét sẽ được thực hiện như thế nào?

"Trong quá trình triển khai, nhà trường sẽ khảo sát, thu thập phản hồi của những giáo viên được phân công dạy nội dung này. Nếu có khó khăn, chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích giáo viên tự tìm tòi, sáng tạo để có định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của học sinh trong chương trình mới", Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Buôn Ma Thuột nói.

Lý giải về nguyên nhân tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Đắk Lắk lớp 10 chậm ban hành, chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk thông tin: "Lần đầu biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương giảng dạy đối với khối lớp 10 và cuốn tài liệu này cũng được coi như sách giáo khoa của địa phương nên các tác giả, ban biên soạn phải rất cẩn trọng, chỉn chu trong từng nội dung.

Hiện tại, cuốn tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Đắk Lắk lớp 10 đang trong quá trình chỉnh sửa và thẩm định lần thứ 2. Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định, tài liệu sẽ được gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo đúng quy trình.

Do vậy, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh sẽ dạy nội dung này vào học kỳ II năm học 2022-2023. Vấn đề này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến tiến độ chung bởi các trường được phép linh hoạt về mặt thời gian khi triển khai dạy các nội dung, hoạt động mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018".

Thông tin thêm về nội dung tài liệu Giáo dục địa phương của tỉnh, ông Hiệp cho hay: "Tài liệu này được xây dựng, biên soạn dựa trên tiêu chí thể hiện rõ nét bản sắc của địa phương. Vì vậy, một số lễ hội, nét văn hóa đặc trưng đã được đưa vào tài liệu như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội cà phê, lễ hội đua voi...

Nội dung giáo dục địa phương là một điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, là “mảnh đất màu mỡ” để giáo viên tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm. Điều này sẽ khiến cho Nội dung giáo dục địa phương trở nên gần gũi, hấp dẫn với học sinh".

Hoài Ân