Đến giai đoạn này đã trải qua năm thứ hai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng các trường trung học cơ sở tiếp tục gặp khó với các môn gọi là “tích hợp” như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Đến năm 2024-2025, việc phân công như thế nào đối với những giáo viên chưa có chứng chỉ tích hợp hoặc giáo viên sau khi bồi dưỡng không có đủ kiến thức để dạy được nhiều phân môn là vấn đề các trường học phải tính toán kỹ lưỡng.
Ảnh minh họa - A.N |
Có những môn học, hoạt động giáo dục có đến 6 phân môn nhưng có thể do 1 giáo viên giảng dạy
Hiện nay, môn Khoa học tự nhiên có 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý có 2 phân môn Lịch sử, Địa lý; môn Nghệ thuật gồm 2 phân môn rạch ròi Âm nhạc, Mĩ thuật; Nội dung giáo dục địa phương có đến 6 phân môn gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gần như tích hợp tất cả các môn.
Hiện nay, việc thực hiện các môn, hoạt động trên đang thực hiện tại các trường trung học cơ sở cả nước vô cùng rối rắm, phức tạp, mỗi nơi một kiểu.
Phần Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp hiện nay đã thực hiện 2 năm nhưng vẫn chưa có kế hoạch bồi dưỡng để cấp chứng chỉ dù không có giáo viên nào đủ chuyên môn giảng dạy.
Môn Nghệ thuật gồm 2 phân môn tách bạch là Âm nhạc, Mĩ thuật nhưng chưa giải thích được lý do chính đáng để ghép 2 môn Âm nhạc, Mĩ thuật thành môn Nghệ thuật chung một cột điểm, nhận xét.
Riêng 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về học bồi dưỡng để hướng đến 1 giáo viên giảng dạy được cả 2, 3 phân môn.
Không phải giáo viên nào cũng giỏi đều các môn học ở bậc phổ thông
Những giáo viên đang dạy tại các trường trung học cơ sở hiện nay bắt buộc phải trải qua quá trình học phổ thông từ lớp 1-12, sau đó đa số tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành sư phạm hoặc có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Khi giáo viên học ở cấp trung học phổ thông, họ chỉ tập trung một vài môn học theo đam mê, sở thích, định hướng nghề nghiệp. Số giáo viên giỏi toàn diện tất cả các môn chỉ là một con số rất ít.
Từ khi học cao đẳng sư phạm, đại học chỉ học chuyên ngành 1 môn, tối đa 2 môn, sau khi ra trường chỉ chuyên dạy 1 môn.
Vì thế, với Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, cho dù có tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng như thế nào cũng khó có giáo viên đáp ứng được kiến thức của 6 hoặc hơn 6 phân môn.
Với 2 môn học đánh giá bằng điểm số kết hợp nhận xét và ảnh hưởng lớn đến định hướng nghề nghiệp của học sinh là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý dự kiến sẽ do 1 giáo viên giảng dạy liệu có khả thi?
Giả sử, môn giáo viên Sinh học muốn bồi dưỡng thêm 2 môn Vật lý, Hóa học để có chứng chỉ tích hợp là điều kiện tối thiểu để dạy được môn tích hợp thì điều kiện đầu tiên là phải có hiểu biết và còn nhớ về kiến thức của 2 môn đó.
Giả sử một giáo viên Sinh học thời phổ thông học giỏi môn Sinh học, học khá môn Vật lý, Hóa học nhưng khi học đại học, chương trình môn Sinh học hầu như không có liên quan gì môn Vật lý, Hóa học và khi ra trường dạy nhiều năm không có tìm hiểu gì kiến thức Vật lý, Hóa học thì khó có thể học và có chứng chỉ Hóa học, Vật lý để dạy được môn tích hợp.
Nếu giáo viên Sinh học thời phổ thông học trung bình môn Vật lý, Hóa học thì sẽ càng khó khăn hơn rất nhiều.
Người viết bài hiện là giáo viên, tổ trưởng tổ Vật lý, trước đây thời học phổ thông tôi chỉ học giỏi và đam mê Vật lý từ đó đăng ký thi sư phạm ngành Vật lý.
Kiến thức phổ thông môn Hóa học, Sinh học của tôi chỉ ở mức trung bình, hiện nay đi dạy 20 năm, kiến thức phổ thông của môn Hóa học, Sinh học chỉ còn lại một, hai trên mười.
Tôi không biết sẽ học bồi dưỡng như thế nào với 2 môn học xếp loại trung bình cách đây 25 năm để có chứng chỉ dạy tích hợp. Bản thân tôi cảm thấy thiếu tự tin để nhận là mình đủ kiến thức để dạy được 3 phân môn rất khó.
Thầy không đủ kiến thức, không đủ chuyên môn thì khó có thể giảng dạy học sinh tốt được, thậm chí là dạy học sinh kém đi.
Hiện nay, công nghệ thông tin hiện tại, học sinh nhiều em tiếp nhận nhiều kiến thức hơn, nếu giáo viên đứng lớp dạy không đủ kiến thức có thể làm mất niềm tin nơi học sinh, tác hại khôn lường.
Ngay cả với học sinh, có em thích Lịch sử không thích Địa lý và ngược lại, cũng có em thích học phân môn Sinh học không thích Vật lý, Hóa học.
Các em thích một phân môn nhưng phải học 2, 3 phân môn trong 1 môn, cùng chung đánh giá, nhận xét sẽ khiến các em không biết mình đam mê phân môn nào để có thể học nâng cao, phân hóa lên cấp trung học phổ thông để định hướng nghề nghiệp.
Những giáo viên nào có thể không có chứng chỉ tích hợp trong các năm tiếp theo?
Dự kiến, đến năm 2024-2025 khi toàn bộ cấp học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ở cấp trung học cơ sở, nếu không có gì thay đổi khi đó sẽ chính thức không còn môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử,…mà là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Khi đó, gần như dự kiến sẽ do 1 giáo viên giảng dạy, giáo viên giảng dạy là giáo viên được bồi dưỡng, có chứng chỉ tích hợp và có thể có 1 số ít các em sinh viên sư phạm ngành khoa học tự nhiên đảm nhận.
Tức là khi đó, những giáo viên chưa có chứng chỉ tích hợp có thể “mất việc” tạm thời, do khó được phân công giảng dạy.
Theo tôi, từ đây đến năm 2024-2025, những lực lượng giáo viên sau đây sẽ khó có chứng chỉ tích hợp do những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, đó là:
Giáo viên nữ đang mang thai hoặc mới sinh em bé, những giáo viên này sắp sinh hoặc có con nhỏ thì khó sắp xếp thời gian để học 20-26 tín chỉ với thời gian dài, xa nhà.
Giáo viên trên 45-50 tuổi, tôi cho rằng những giáo viên này đã dạy 25-30 năm, việc học thêm kiến thức 1, 2 phân môn nữa là khó khả thi, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên rất khó.
Giáo viên đang tham gia các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý, trung cấp chính trị,… do quy hoạch cán bộ quản lý, được cơ quan có thẩm quyền cử đi bồi dưỡng;
Giáo viên có hoàn cảnh gia đình neo đơn, có con nhỏ, có cha mẹ già hoặc bản thân mắc nhiều bệnh tật,…;
Giáo viên bị tai nạn đột xuất trong quá trình đi học bồi dưỡng hoặc công tác;
Cuối cùng là những giáo viên không còn nhớ kiến thức các môn còn lại, kiểm tra không đạt các học phần theo các Quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực tế, môn Lịch sử và Địa lý gọi là 1 môn nhưng chia 2 phần riêng biệt, phần I Lịch sử , phần II Địa lý nên các trường vẫn phân công giáo viên dạy song song Lịch sử, Địa lý riêng do 2 giáo viên dạy, chỉ rắc rối cho điểm, chấm điểm, vào phần mềm,… còn đối với môn Khoa học tự nhiên hiện nay vô cùng rối rắm, phức tạp,… cả người dạy và người học đều vô cùng khổ sở, vất vả.
Người viết cho rằng dù có tập huấn, bồi dưỡng như thế nào thì để có được giáo viên nắm vững kiến thức chuyên sâu 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học để dạy được môn Khoa học tự nhiên cả khối 6-9 là con số vô cùng hiếm, khó khả thi.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy nghiên cứu cẩn trọng và có những buổi hội thảo, tham khảo các ý kiến các chuyên gia, nhà giáo để có những định hướng, điều chỉnh ở lớp 8, 9 ở những năm tiếp theo cho phù hợp hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.