Chuyển giao một công nghệ, nhà khoa học và trường ĐH phải vượt qua nhiều rào cản

01/10/2022 06:42
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để chuyển giao công nghệ, nhà khoa học và các đơn vị quản lý phải “vượt qua” hàng loạt các rào cản từ nhiều quy định pháp lý liên quan.

Việc phát triển trường đại học sẽ có nhiều phương pháp để tăng nguồn thu, không chỉ riêng học phí mà là tăng nguồn thu từ hoạt động đào tạo như: phát triển các hoạt động đào tạo liên kết và chất lượng cao; mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo mới theo nhu cầu xã hội; đa dạng hóa dịch vụ dạy - học,…

Bên cạnh nguồn thu từ hoạt động đào tạo, các trường đại học cũng có thể tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ, các hoạt động dịch vụ, tranh thủ nguồn thu từ xã hội,… nhằm đầu tư cho sự phát triển của nhà trường về mọi mặt.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với các trường đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chuyển giao công nghệ tốt là giải pháp thích hợp cho phép các nhà nghiên cứu là giảng viên vừa giữ được tài sản trí tuệ, vừa thu được lợi nhuận từ kinh tế, đồng thời nhà trường cũng được hưởng lợi ích lâu dài.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh:NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh:NVCC

Doanh thu chuyển giao công nghệ trung bình đạt 150 tỷ/năm

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những kết quả đạt được trong hoạt động chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Phương cho biết:

“Nhà trường luôn xem nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là nguồn thu quan trọng bên cạnh học phí. Hoạt động chuyển giao công nghệ tương đối đa dạng từ dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn khoa học công nghệ, lao động sản xuất, đào tạo chuyên sâu và chuyển giao các công nghệ cốt lõi của nhà trường.

Trong 5 năm gần đây, nguồn kinh phí huy động từ dự án và đề tài các cấp tăng hơn 15%/năm, đạt hơn 80 tỷ trong năm 2021. Từ năm 2019 đến nay, các đề tài nghiên cứu khoa học của trường hướng đến ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cộng đồng. Đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, doanh thu hàng năm trung bình đạt 150 tỷ/năm. Trong thời gian dịch Covid-19, doanh thu từ chuyển giao công nghệ có sụt giảm nhưng vẫn đạt trên 120 tỷ”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), ở các nước tiên tiến, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn thu của một đại học. Để đại học có thêm các nguồn thu này, vai trò của nhà nước, nền công nghiệp và đại học là trọng yếu. Cụ thể, nhà nước tạo ra chính sách để khuyến khích, tạo động lực cho thị trường khoa học công nghệ; các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tạo ra từ nội lực của các đại học, sẵn sàng đổi mới công nghệ để tạo giá trị thặng dư cao và liên kết chặt chẽ với đại học; các đại học nỗ lực tạo ra danh tiếng cả về đào tạo lẫn nghiên cứu khoa học.

“Tuy nhiên, tại Việt Nam, vai trò và mối quan hệ giữa các bên chưa thật chặt chẽ và doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng vào tiềm lực khoa học công nghệ của các đại học. Điều này dẫn đến việc hợp tác mới chỉ mang tính chất “thăm dò” và chưa tạo được nguồn lực (theo nghĩa rộng) cho xã hội”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Phương nói.

Còn nhiều rào cản về khung pháp lý

Mặc dù, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) luôn duy trì được nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tương đối tốt nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Phương thừa nhận một thực trạng đã và đang cản trở việc tạo ra nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ hình thành từ nghiên cứu của một đại học công lập là rào cản về pháp lý, trong đó có một số Luật, Nghị định, Thông tư liên quan.

Chẳng hạn, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Viên chức; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Khoa học Công nghệ; Nghị định 70/2018/NĐ-CP (Quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước); Luật Doanh nghiệp,...

“Để chuyển giao một công nghệ là sản phẩm của đề tài được tài trợ từ ngân sách nhà nước một cách thành công, nhà khoa học và các đơn vị quản lý phải “vượt qua” hàng loạt rào cản từ nhiều văn bản pháp luật. Chính vì vậy, cả đại học công lập và doanh nghiệp đều “dè dặt” trong việc hợp tác để thương mại hoá kết quả nghiên cứu.

Nhận thấy được các rào cản đó, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) dự kiến sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ giao triển khai một đề án thí điểm tạo động lực thương mại hoá kết quả nghiên cứu hình thành từ ngân sách nhà nước vào phục vụ sản xuất kinh doanh tại khu vực phía Nam.

Đề án này sẽ góp phần tạo ra những đề xuất về một khung chính sách pháp lý để thương mại hoá kết quả nghiên cứu và kỳ vọng sẽ tạo được nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Phương chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ ở các trường đại học, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu trọng điểm tại một số trường đại học có tiềm năng ở gần các khu công nghệ cao quốc gia, cụ thể như:

Phối hợp xây dựng các chương trình nghiên cứu;

Phối hợp thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ;

Phối hợp đầu tư và vận hành các phòng thí nghiệm trọng điểm;

Phối hợp tài trợ các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ;…

“Trên thực tế, nhiều trường đại học chưa thực sự quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng, hiệu quả của việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong việc tăng cường nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu. Hiện nay, đã có một số quan hệ hợp tác nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.

Do đó, để phát huy được vai trò của trường đại học, cần sự vào cuộc của nhà hoạch định chính sách, mối tương quan giữa các bên nhằm tạo nên một sản phẩm khoa học, công nghệ có giá trị thực tiễn cao và chuyển giao được ra thị trường, phục vụ phát triển nền kinh tế của đất nước”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Phương nhấn mạnh.

Anh Trang