Sự tồn tại của Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết

20/10/2022 06:42
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các địa phương, cơ quan quản lý giáo dục cần thực hiện chỉ đạo, giám sát và xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi chỉ đạo lạm thu, kiên quyết chống lạm thu.

Khi các trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm, câu chuyện lạm thu lại trở thành vấn đề nóng và gây bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt, nhiều vụ việc có sự “tiếp tay” rất nhiệt tình của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải chấn chỉnh lại hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh vì “quá nhiệt tình” với các khoản thu không đúng quy định.

Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định khá cụ thể những khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu. Tuy nhiên lợi dụng chủ trương xã hội hoá, ở nhiều nơi, tổ chức này vẫn đưa ra các khoản thu vô lý, dẫn đến câu chuyện lạm thu vẫn tiếp diễn trong nhiều năm liền.

Giám sát và xử lý nghiêm nếu để xảy ra tình trạng lạm thu

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Phạm Minh)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Phạm Minh)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trong lý luận cũng như thực tiễn giáo dục, mối quan hệ kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội là vô cùng quan trọng.

Do đó, sự tồn tại của Ban đại diện cha mẹ học sinh là rất cần thiết, để gắn kết với nhà trường trong công tác đào tạo, giáo dục học sinh, trao đổi với nhà trường về những điểm mạnh, điểm yếu của con em mình, cùng nhà trường đưa ra giải pháp giáo dục tối ưu, toàn diện.

Tuy nhiên, hiện nay, Ban đại diện cha mẹ học sinh còn được giao nhiệm vụ huy động các khoản thu, nếu là khoản thu đúng quy định và thực hiện đúng quy định thì không phải là vấn đề để chúng ta lo lắng, nhưng nhiều nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã lạm dụng quyền hạn của mình, lợi dụng tinh thần “tự nguyện” để yêu cầu đóng góp những khoản thu vô lý, không phù hợp.

Chính câu chuyện này đã làm nảy sinh vấn đề lạm thu, nguyên nhân một phần vì quy định của chúng ta chưa thực sự rõ ràng và chặt chẽ. Ví dụ những khoản nào phụ huynh cần đầu tư, đóng góp phải có quy định cụ thể.

Điểm a, Khoản 4, Điều 10 của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT nêu: "Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện". Nhưng thực tế nhiều phụ huynh phải buộc lòng nộp các khoản thu dù họ không tự nguyện nhưng cũng không dám lên tiếng phản ánh.

Vừa qua, một số địa phương đã xử lý những cá nhân vi phạm, cụ thể là nguyên hiệu trưởng và thủ quỹ của một trường trung học cơ sở ở Hải Phòng đã bị lĩnh án vì lạm thu. Ba khoản thu sai được điều tra, truy tố gồm tiền thu Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, tiền học nghề và tiền sao in đề thi. [1]

Câu chuyện đó cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các trường học cũng như Ban đại diện cha mẹ học sinh. Phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề này, nhận diện đúng vai trò của tổ chức mình, là liên hệ với nhà trường, giúp đỡ, hỗ trợ trong vấn đề giáo dục con em mình. Nhà trường cũng không được "dựa" vào Ban đại diện này để thu tiền của người học, lợi dụng sự dễ dãi, nể nang của phụ huynh để thu các khoản trái quy định.

“Có nơi huy động phụ huynh mua bàn ghế, cơ sở vật chất, tivi, mua tủ đựng tài liệu cho giáo viên, mua máy tính xách tay cho nhà trường. Tất cả những khoản thu này đều không đúng quy định, bởi vì đây là những phương tiện dạy học thiết yếu mà nhà trường phải có trách nhiệm mua sắm để sử dụng”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết thêm, Điểm b, Khoản 4, điều 10 của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT cũng nêu: “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”. Thế nhưng vẫn nhiều nơi vi phạm.

Chấn chỉnh những việc làm chưa đúng quy định

Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, không thể phủ nhận sự tồn tại của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tổ chức này vẫn rất cần nhưng quan trọng hơn là họ cần làm đúng và thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Thực tế, các khoản vận động xã hội hóa đều phải thông qua địa phương, cơ quan quản lý giáo dục. Chính vì vậy, địa phương và cơ quan quản lý giáo dục các cấp cần nâng cao trách nhiệm của mình, thực hiện việc chỉ đạo, giám sát và xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi chỉ đạo lạm thu. Ngành giáo dục phải kiên quyết chống việc lợi dụng chủ trương xã hội hóa, chống lại nạn lạm thu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, cần chấn chỉnh những cách làm chưa chuẩn mực của Ban đại diện cha mẹ học sinh. (Ảnh: Phạm Minh)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo cho rằng, cần chấn chỉnh những cách làm chưa chuẩn mực của Ban đại diện cha mẹ học sinh. (Ảnh: Phạm Minh)

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết, hiện nay, một số trường học không đứng ra thu mà “nhờ” Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi đóng góp các khoản thu, chính điều này dễ nảy sinh tiêu cực.

Đặc biệt, nhiều người lợi dụng chủ trương xã hội hoá giáo dục để đưa ra những khoản thu không đúng quy định.

Hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện theo nguyên tắc: “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”.

Nghĩa là không được tuỳ tiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc, đúng quy định, nhân văn và đúng trách nhiệm của mình.

Về đề xuất bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng đó là ý kiến mang tính cực đoan. Vì tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc giữ mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình học sinh, để cha mẹ học sinh góp ý với nhà trường về cách thức dạy và cách thức học, đồng thời giúp cho người thầy trở thành những người thầy cao quý, để con em chúng ta được học trong môi trường tốt nhất của những trường học hạnh phúc - thông minh.

"Phải duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng cần chấn chỉnh những việc làm sai và những cách làm chưa đúng mực”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nêu quan điểm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/nu-hieu-truong-linh-an-tu-vi-lam-thu-post1473411.tpo

Kim Ngọc