Bài viết “Đổi mới phương pháp dạy Văn, giáo viên không cần dạy hết các văn bản trong SGK” được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của giáo viên nói chung và giáo viên dạy Ngữ văn nói riêng.
Đặc biệt, sau khi bài viết đăng tải, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã quan tâm đến các ý kiến của cô Đỗ Thị Thúy Dương chia sẻ trong bài viết này.
Được biết, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã liên lạc và trực tiếp động viên cũng như trao đổi với cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chia sẻ với người viết sau khi ý kiến của mình đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn quan tâm, trực tiếp trao đổi, cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương cho biết:
“Tôi là bạn đọc thân thiết của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, rất vui khi ý kiến của mình được Tạp chí chia sẻ với giáo viên cả nước.
Càng bất ngờ hơn khi ý kiến của mình được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn quan tâm, trao đổi trực tiếp.
Thật lòng mà nói, tôi không nghĩ ý kiến của mình nói riêng, ý kiến của giáo viên nói chung, đến được Bộ trưởng và được Bộ trưởng quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, động viên nhanh chóng như thế. Bài viết được đăng trên Tạp chí sáng 21/10 thì ngay trưa ngày hôm đó, tôi đã nhận được liên lạc của Bộ trưởng.
Tôi biết là người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bận rất nhiều công việc. Đặc biệt, thời điểm này Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, dù vậy nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vẫn quan tâm đến ý kiến của các giáo viên, những người trực tiếp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có ý kiến của tôi. Tôi rất bất ngờ và vô cùng cảm động.
Được Bộ trưởng trực tiếp trao đổi, chia sẻ, là nguồn động lực và thêm niềm tin để bản thân tôi cống hiến vì học sinh thân yêu.
Khi trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tôi nhận thấy Bộ trưởng rất sâu sắc, cầu thị, hòa đồng, vì sự tiến bộ của môn Ngữ văn nói riêng và ngành giáo dục nói chung.
Qua trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gợi ý cho tôi góp ý từ thực tế bản thân trong triển khai đổi mới dạy và học môn Ngữ văn, giáo viên cần làm gì, gặp khó khăn gì và nên hỗ trợ, thống nhất trong cả nước ra sao. Từ thực tế của tôi và đồng nghiệp, tôi sẽ gửi góp ý tới Bộ trưởng với mong muốn thêm tiếng nói từ cơ sở.
Mong Bộ trưởng nhiều sức khỏe để vững vàng đưa giáo dục Việt Nam đạt được kết quả tốt đẹp trong thời gian tới.
Tôi mong quý thầy cô giáo trên cả nước, mạnh dạn lên tiếng, góp ý xây dựng ngành giáo dục qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Những ý kiến, kinh nghiệm dạy học của quý thầy cô sẽ được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gieo mầm, đơm hoa kết trái, góp phần xây dựng vị thế ngành giáo dục trong xã hội”.
Cô giáo Đỗ Thị Thúy Dương (áo màu cam), giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: NVCC |
Sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học phải bắt đầu từ cán bộ lãnh đạo cơ sở giáo dục. Lãnh đạo cơ sở giáo dục phải là cánh tay nối dài của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hành chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cô Dương chia sẻ, cô và các đồng nghiệp ở Trường chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn được lãnh đạo nhà trường động viên, khích lệ, tất cả hướng tới mục tiêu vì học sinh thân yêu.
Cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ:
“Đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học là phong trào thường xuyên của nhà trường, của mỗi giáo viên trong trường.
Những mô hình hay, giải pháp tốt, đều được thầy cô giáo chia sẻ, tổ chuyên môn tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng.
Chính vì thế, nhà trường có những mô hình giáo dục rất mới, bám sát được cuộc sống và sự phát triển của công nghệ.
Nhà trường có những câu lạc bộ, diễn đàn, hoạt động ngoại khóa … tạo hứng thú học tập, giáo dục kĩ năng mềm, gieo mầm sự tử tế cho học sinh.
Sự sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học theo chỉ đạo của Bộ, kinh nghiệm của giáo viên đều được lãnh đạo nhà trường ủng hộ, là bạn đồng hành của thầy cô”.
Cô Lữ Thị Trà Giang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: NVCC |
Sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học ở Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đem lại những mùa bội thu về Học sinh giỏi Quốc gia … nhưng quan trọng nhất là những thế hệ học sinh giỏi văn hóa, năng động trong cuộc sống, đã trưởng thành từ ngôi trường thân yêu này.