Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức trường trung học phổ thông chuyên (trường chuyên). Tại Điều 3 của dự thảo có nêu: "Hệ thống trường chuyên bao gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học; Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 (một) trường chuyên".
Số lượng trường chuyên mỗi địa phương phụ thuộc vào mục tiêu bồi dưỡng nhân tài
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trường chuyên, thầy giáo Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) nêu quan điểm:
“Theo tôi, việc có cần thiết mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ít nhất 1 trường chuyên hay không còn phụ thuộc vào mục tiêu phát triển và đào tạo, quan điểm về nhân tài và bồi dưỡng nhân tài của mỗi quốc gia.
Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam) |
Nếu yêu cầu về bồi dưỡng nhân tài phải là tuyển chọn những người có năng lực thiên bẩm, trí tuệ siêu phàm, xuất chúng, đạt chỉ số thông minh (IQ) cao, có năng lực vượt trội trên một lĩnh vực cụ thể thì mỗi tỉnh không thể có nhiều, chỉ khoảng 5 đến 10 người đáp ứng yêu cầu. Như vậy, không cần thiết mỗi địa phương đều phải có trường chuyên mà cả nước chỉ cần vài trường chuyên trên mỗi khu vực.
Mặt khác, nếu yêu cầu về bồi dưỡng nhân tài là để tuyển chọn, đào tạo những học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, có thành tích học tập tốt và dựa trên cơ sở đó để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương nói riêng, cho quốc gia nói chung thì tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào cũng có thể có ít nhất 1 trường chuyên".
Bên cạnh đó, chia sẻ về mục tiêu, định hướng phát triển của trường chuyên, thầy Vinh cho rằng:
“Các trường chuyên có mục tiêu đã được quy định chung trong Luật Giáo dục năm 2019 và các văn bản dưới Luật liên quan. Tuy nhiên, căn cứ thực tiễn từng nơi, các trường chuyên tại mỗi tỉnh cũng có thể có những mục tiêu riêng phù hợp với Luật. Như Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn có mục tiêu là phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài để các em phát triển được tối đa năng lực của mình; đào tạo định hướng phát triển giáo dục chất lượng cao. Học sinh có thể trở thành công dân toàn cầu để sinh sống, làm việc, phát triển được khả năng, năng lực dù ở bất cứ quốc gia, khu vực nào.
Hầu hết học sinh được đào tạo bởi Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đều có đầu ra rất tốt, đỗ vào những trường đại học danh giá cả ở Việt Nam và nước ngoài. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trường luôn có tỷ lệ gần 80% số thí sinh dự thi đạt giải”.
Cần thêm các công cụ và chỉ số để đánh giá đúng học sinh chuyên
Cũng theo thầy Vinh chia sẻ, trong công tác tuyển sinh đầu vào hiện nay của trường thì mục tiêu đã đúng với chức năng của trường chuyên. Tuy nhiên, không có một phương pháp hay nội dung nào có thể đánh giá được hết khả năng của người học mà chỉ thông qua một bài kiểm tra. Để đánh giá đúng nghĩa một nhân tài thì cần cả quá trình, đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, phương diện khác nhau.
Học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. (Ảnh: Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) |
Vậy nên, thầy Vinh cho rằng cần phải có một tổ chức soạn ra bộ câu hỏi và công cụ khoa học để kiểm tra, đánh giá được chính xác năng lực và khả năng của các em học sinh trường chuyên. Ví dụ như kiểm tra năng lực tiếng Anh phải thông qua hệ thống kiểm tra, đánh giá lớn như Ielts, Toefl chẳng hạn.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản văn bản hợp nhất số 20/VBHN-BGDĐT ngày 30/05/2014 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động trường trung học phổ thông chuyên, trong đó, có nội dung: Việc sơ tuyển để chọn học sinh tham gia thi tuyển vòng 2 được căn cứ vào các tiêu chí sau: Kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của địa phương, toàn quốc, khu vực và quốc tế; Kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực 4 năm cấp trung học cơ sở; Kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở; Kết quả đánh giá các chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) và các chỉ số đánh giá trí tuệ khác (nếu có tổ chức đánh giá)…
Tôi được biết, hiện vẫn chưa có trường nào có thể thực hiện tuyển sinh học chuyên căn cứ kết quả đánh giá các chỉ số IQ, EQ, AQ… vì không có tổ chức uy tín đưa ra các bộ câu hỏi cũng như bộ công cụ kiểm tra, đánh giá.
Trên thế giới, hiện tại cũng có nhiều tổ chức đánh giá, phân loại khả năng của người học theo nhiều chỉ số khác nhau mà chúng ta có thể tìm hiểu và đưa vào.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì bộ công cụ đánh giá năng lực nhân tài này phải khoa học và nên đánh giá được ít nhất 3 tiêu chí: kiến thức, kỹ năng và chỉ số thông minh. Ngoài ra có thể bổ sung thêm đánh giá về tính sáng tạo”, thầy Vinh nói thêm.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), hiện tại, đối với các bài kiểm tra môn chuyên để đánh giá học sinh của nhà trường sẽ do chính các thầy, cô trong trường thực hiện.
Nhà trường thành lập ban ra đề, phản biện để nghiên cứu và dựa trên hệ thống ngân hàng đề của trường để đưa ra những đề kiểm tra, đánh giá khác nhau.
"Đánh giá các chỉ số trí tuệ của một học sinh trường chuyên chỉ qua một bài kiểm tra thì không thể đảm bảo đó là kết quả tuyệt đối được. Vậy nên, nếu có tổ chức uy tín để đưa ra bộ công cụ đánh giá thì sẽ đảm bảo tính chính xác, công tâm và từ đó giúp các thầy cô giáo, nhà trường lên kế hoạch bồi dưỡng cho học sinh sát với năng lực thế mạnh của các em hơn, đưa ra nguồn nhân tài chất lượng cao hơn cho đất nước", thầy Lê Vinh nói.