Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên (trường chuyên). Trong dự thảo có nội dung: không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Theo dự thảo, mục tiêu của trường chuyên là dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện nhằm đào tạo nguồn nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, thầy Ma Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên cho rằng: nên duy trì lớp không chuyên trong trường chuyên. Trường chuyên vốn được xem là hình mẫu về chất lượng giáo dục phổ thông đối với các trường khác trên địa bàn tỉnh.
Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên tại buổi thi thử Ielts (Nguồn: Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh) |
Vậy nên, việc có lớp không chuyên trong trường chuyên cũng chính là đang tạo ra một mô hình lớp thường, chất lượng đào tạo tốt để các trường trung học phổ thông khác tại địa phương học tập theo và phấn đấu tốt hơn.
Cũng theo thầy Sơn chia sẻ, hiện tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh chưa đảm bảo đủ điều kiện mở lớp không chuyên trong trường, nhưng khi có đủ điều kiện, thầy vẫn mong muốn sẽ được mở lớp không chuyên để đào tạo; cũng là tạo điều kiện cho nhiều em học sinh giỏi có điểm thi tuyển sinh vào trường chuyên đã tiệm cận gần đến mức đỗ.
Trái với quan điểm trên, thầy Trần Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi lại bày tỏ quan điểm:
“Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Bởi điều này là đúng đắn với sứ mệnh, nhiệm vụ và chức năng của trường chuyên. Trường chuyên phải là nơi đào tạo nguồn nhân lực mũi nhọn, những tinh hoa tri thức cho tỉnh nói riêng và cho cả nước nói chung.
Tuy nhiên, nếu thực hiện, cần một khoảng thời gian nhất định để Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương tính toán cũng như sắp xếp, điều chuyển giáo viên thế nào cho hợp lý. Vì khi bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến việc sắp xếp, tổ chức cán bộ giáo viên của các nhà trường.
Thầy Trần Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi. (Nguồn: Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết) |
Sẽ phát sinh tình huống, nếu đang tổ chức lớp không chuyên, nhưng thời gian sau không tổ chức nữa thì nhà trường cần tham mưu, tuyển thêm một vài lớp chuyên để đảm bảo hoạt động. Lúc này sẽ xảy ra tình trạng: thiếu giáo viên cục bộ dạy môn chuyên và thừa một số giáo viên vốn đang dạy các môn khác tại lớp không chuyên.
Vậy nên, giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong trường chuyên một cách hợp lý thì việc triển khai quy định bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ không còn gặp khó khăn nào nữa.
Dù số lượng thừa, thiếu giáo viên cục bộ này cũng không quá nhiều - như Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết chỉ có 6 lớp không chuyên- nhưng cũng cần một thời gian nhất định để triển khai và sắp xếp giáo viên nếu áp dụng quy định bỏ những lớp không chuyên này”.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết cũng cho rằng: quan điểm tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên thành hình mẫu cho các trường trung học phổ thông thường khác học tập, xây dựng theo là không cần thiết. Hình mẫu này chưa chắc đã phù hợp, và tại nhiều địa phương hiện nay cũng có những trường trung học phổ thông không chuyên, chất lượng tốt.
Cũng đồng tình với quy định bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên, cô Lê Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai nêu quan điểm:
“Theo tôi, sẽ là một sự thay đổi lớn nếu không có lớp không chuyên trong trường chuyên. Chúng ta cần một thời gian nhất định để làm công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng đến phụ huynh và học sinh về quan điểm, cách thức tuyển sinh của trường chuyên.
Vì việc tổ chức các lớp thường trong trường chuyên đã diễn ra nhiều năm nay tại nhiều trường trung học phổ thông chuyên trên cả nước, nên nếu thay đổi, cần tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh biết.
Hiện tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương có 6 lớp không chuyên cùng 33 lớp chuyên. Việc này đã được thực hiện thành nếp mười mấy năm. Trường không gặp khó khăn gì trong đào tạo với cả lớp chuyên và không chuyên.
Tuy nhiên, nếu quy định bỏ lớp không chuyên được triển khai thì tôi cũng hoàn toàn ủng hộ. Trường chuyên cần tập trung phát triển năng lực mang tính đặc thù để phát hiện và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Khi không còn lớp không chuyên thì trường sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực cho các lớp chuyên”.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương cũng chia sẻ, trong dự thảo mới về thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên có điểm mới rất hay và ý nghĩa.
Đó là trong mỗi năm học, trường và tổ chuyên môn của trường sẽ tổ chức hội thảo về tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục, sinh hoạt chuyên môn với sự tham gia của các trường trung học phổ thông khác trên địa bàn tham dự nhằm tạo sự gắn kết, chia sẻ những giải pháp và kết quả của tổ chuyên môn trong việc nghiên cứu vận dụng phù hợp, hiệu quả chương trình giáo dục và các phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá tiên tiến.
Việc làm này sẽ giúp lan tỏa năng lực chuyên môn, quản lý giáo dục của nhà trường đến các trường trung học phổ thông khác trên địa bàn.