Không dự báo được nhu cầu 5-7 năm tới, địa phương khó đặt hàng GV theo NĐ 116

02/02/2023 06:44
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS. Lê Đông Phương nêu cái khó nhất khi thực hiện NĐ116 là địa phương không khẳng định được 5-7 năm tới cần bao nhiêu giáo viên để đặt hàng.

Hiện nay, đào tạo ngành sư phạm thực hiện theo quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chưa đồng bộ, có những địa phương khó khăn về ngân sách nên chưa thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên.

Bên cạnh đó, câu hỏi về việc sinh viên sư phạm đào tạo theo Nghị định 116, tốt nghiệp ra trường, nhưng không về địa phương (đã đặt hàng đào tạo) công tác phải giải quyết ra sao cũng là một bài toán khó.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ Viện khoa học giáo dục Việt Nam) cho hay, câu chuyện khó nhất đối với các địa phương trong việc thực hiện Nghị định 116, là họ không khẳng định được trong 5 năm hay 7 năm tới, họ cần bao nhiêu giáo viên để đặt hàng.

Bởi lẽ, hệ thống giáo dục có khá nhiều sự biến động. Ví như, tỉnh Bình Dương với hơn một nửa dân số là người ngoài địa phương về đây sinh sống, làm việc nên không dự báo được sự thay đổi trong thời gian tới.

Ngay cả với những địa phương có sự ổn định cao về dân số, họ cũng khó khẳng định được kế hoạch 5 - 7 năm tới cần bao nhiêu giáo viên, phân theo môn học lại càng khó tính toán... Bởi vậy, hiện nay có nhiều tỉnh, thành phố đã không đưa ra được đơn đặt hàng về đào tạo giáo viên với các trường đào tạo sư phạm.

Tiến sĩ Lê Đông Phương, cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tiến sĩ Lê Đông Phương, cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra khác là ngân sách giáo dục được cấp hàng năm. Vậy sau 5 - 7 năm, nếu sinh viên sư phạm đào tạo theo Nghị định 116 ra trường không làm trong ngành giáo dục, sẽ phải hoàn trả số tiền đã được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt về đâu? Trong khi đây là khoản hỗ trợ hình thức giống như khoản tín dụng, không phải là khoản chi đầu tư cơ bản, chi thường xuyên.

Chức năng quản lý nhà nước của tỉnh, thành phố không thực hiện vai trò của một tổ chức tín dụng, nên họ sẽ rất khó trong việc quản lý, thu hồi tiền đã hỗ trợ. Đó là điểm vướng mà có thể, khi thiết kế chính sách đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 đã không lường hết.

Trong vòng hai năm qua, khi thực hiện chính sách trên, chúng ta thấy có rất nhiều vướng mắc. Chưa kể còn tình huống có thể phát sinh như: Sinh viên học sư phạm theo Nghị định 116, tốt nghiệp ra trường nhưng địa phương không nhận - có thể do không có chỉ tiêu hoặc ứng viên thi tuyển vị trí công việc trong ngành giáo dục bị... trượt. Vậy thì, lúc ấy bắt họ "trả nợ" tiền hỗ trợ đào tạo và chi phí sinh hoạt là rất khó...

Với nhiệm kỳ 5 năm, có thể lãnh đạo sở, ngành tại địa phương phụ trách vấn đề đặt hàng đào tạo sư phạm này sẽ thay đổi vị trí làm việc nên việc "đòi nợ" cũng là một bài toán không dễ thực hiện.

Đánh giá về nội dung đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho hay, việc đào tạo giáo viên theo địa chỉ là tốt nhưng ở khía cạnh khác, điều ông quan tâm nhất vẫn là chất lượng đào tạo giáo viên.

"Theo đó, chương trình đào tạo, giảng viên phải chuẩn, ngoài ra cần có sự kiểm tra, đánh giá với các trường đào tạo", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

Khi chọn được trường đào tạo sư phạm uy tín, địa phương có thể đặt hàng số lượng giáo viên các bộ môn căn cứ theo nhu cầu thực tế. Nhưng đặt hàng đào tạo xong thì việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên phải thực hiện đúng quy định, khách quan, tuyển được người chất lượng, tránh tình trạng "con ông, cháu cha". Và cũng thông qua tuyển dụng để đánh giá hiệu quả của việc đặt hàng đến đâu, có đáp ứng yêu cầu của địa phương không?

"Trong đánh giá đào tạo giáo viên sẽ bao gồm những khâu như: Đào tạo và bồi dưỡng phải chuẩn, có những nhân lực chất lượng. Sau đó, tuyển chọn và sử dụng đúng mục đích, yêu cầu, cuối cùng là khâu đãi ngộ phù hợp với giáo viên. Chúng ta phải làm đồng bộ cả ba khâu đó mới có được giáo viên giỏi phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo", Tiến sĩ Tùng Lâm cho hay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, việc hỗ trợ học phí cho sinh viên học ngành sư phạm còn nhiều điều chưa hợp lý. Chúng ta không nên dàn trải hỗ trợ mọi đối tượng học ngành sư phạm, chỉ nên tập trung hỗ trợ với những em ở các huyện vùng núi, hoàn cảnh khó khăn.

Mạnh Đoàn