Chỉ có chương trình khung, giáo viên gặp khó trong việc xây dựng nội dung môn chuyên
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hoài Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện nay học sinh trường chuyên về cơ bản học theo chương trình chung đại trà với học sinh cả nước. Ngoài ra, đối với các môn chuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có xây dựng chương trình khung, trên cơ sở đó giáo viên các trường chuyên chủ động phát triển, xây dựng nội dung.
Thầy Nguyễn Hoài Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: Fanpage nhà trường |
Theo thầy Nam, điều này tạo ra sự thiếu đồng bộ trên cả nước vì mỗi trường, mỗi tổ chuyên môn sẽ có cách làm khác nhau. Trong khi đó, với các tỉnh có điều kiện thì việc này tương đối thuận lợi, tuy nhiên với các tỉnh khó khăn hơn về nhân lực, sẽ bất lợi hơn. Từ đây, cơ hội tiếp cận các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế sẽ không đồng đều. Vì chương trình chuyên của tùy từng địa phương có những nội dung kiến thức, độ khó, độ tiệm cận các đề thi quốc tế khác nhau.
Do đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một giáo trình dành riêng cho học sinh chuyên, dùng chung cho các trường chuyên trên toàn quốc để các tổ chuyên môn của các trường căn cứ vào đó giảng dạy. “Nếu chỉ có chương trình khung thì rất khó cho các giáo viên”, thầy Nam nói.
Góp ý về dự thảo Thông tư Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Nam cho rằng có một số điểm trong dự thảo còn chưa rõ ràng.
Thứ nhất, theo Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên, có quy định về “chuyển học sinh ra khỏi lớp chuyên”. Theo đó, sau mỗi học kỳ, học sinh không đủ điều kiện sẽ phải chuyển ra khỏi lớp chuyên, về các lớp không chuyên hoặc về trường trung học phổ thông khác.
Tuy nhiên, trong dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo không đề cập đến nội dung này, do đó thầy Nam đặt vấn đề các trường sẽ xử lý trường hợp học sinh không đủ điều kiện học tiếp lớp chuyên như thế nào. Theo thầy Nam, căn cứ theo dự thảo mới, học sinh nếu đạt học lực trung bình có thể ở lại học tiếp lớp chuyên. Nhưng quá trình theo học tiếp của các em sẽ rất khó khăn, trong khi đó nhà trường lại không có cơ sở để chuyển các em về trường khác.
Thứ hai, thông tư cũ có nội dung công tác quản lý nội trú trong trường chuyên, tuy nhiên dự thảo mới lại không đề cập đến nội dung này. Chia sẻ với phóng viên, thầy Hiệu trưởng cho biết, trong các trường chuyên hầu hết đều có khu vực kí túc xá cho học sinh, do vậy nhà trường cần ban quản lý khu kí túc xá để quản lý học sinh. Tuy nhiên, với dự thảo mới, hiệu trưởng không có cơ sở để bố trí nhân sự cho vị trí này.
Thứ ba, dự thảo quy định không tổ chức lớp chuyên trong trường chuyên. Theo vị Hiệu trưởng, điều này nên căn cứ theo tình hình từng địa phương thay vì áp dụng quy định cứng cho tất cả các tỉnh. Thầy Nam lý giải:
Hiện tại đối với các trường đang tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên, việc xóa bỏ đột ngột các lớp này sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề khác, trong đó có ảnh hưởng tới truyền thống của các học sinh (vì liên quan đến các học sinh không chuyên các khóa trước).
Theo thầy Nam, học sinh các lớp không chuyên chính là lớp nguồn cho trường, và năng lực của các em cũng đều ở mức giỏi, vì vậy việc xóa bỏ nên căn cứ vào tình hình địa phương để tránh gây ra lãng phí nguồn nhân lực.
Định hướng nghề nghiệp ở lớp 10 chỉ mang tính chất tương đối
Dự thảo có nhiều điểm mới khác như quy định giáo viên trường chuyên phải đạt tiêu chuẩn sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ tin học ở mức tốt. Đánh giá về quy định này, thầy Nam cho rằng đây là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Các thầy cô trường Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn đang học tập, nghiên cứu tài liệu để hướng dẫn cho thành viên câu lạc bộ STEM của trường. Ảnh: Fanpage nhà trường |
Một quy chế cần có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Thầy Nam khẳng định quy định mới yêu cầu giáo viên trường chuyên phải có trình độ ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ tin học ở mức tốt là điều cần thiết.
Để đáp ứng yêu cầu dạy học, nhất là đối với việc dạy các em học sinh chuyên, thầy cô giáo phải tự tìm hiểu thêm tài liệu không chỉ trong nước mà còn ở các nước ngoài, do vậy rất cần đến năng lực ngoại ngữ.
Khả năng tin học cũng đặc biệt cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đã phải trải qua thời gian dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, nên năng lực về tin học là cực kỳ quan trọng.
“Hơn nữa, học sinh trường chuyên về cơ bản đều có năng lực tốt cả ngoại ngữ và tin học, do vậy giáo viên dạy học nếu không giỏi ngoại ngữ hay tin học thì cũng hết sức khó khăn khi truyền đạt kiến thức đến các em”, thầy Nam chia sẻ thêm.
Nói về tính khả thi trong việc triển khai quy định mới của dự thảo với đội ngũ thầy cô giáo chuyên hiện nay, thầy Nam cho rằng, trong khoảng 2-3 năm tới, những quy định mới này hoàn toàn có thể thực hiện được.
“Hiện tại, có thể sẽ có số ít thầy cô giáo lớn tuổi, nên việc tiếp cận ngoại ngữ hay tin học sẽ có khó khăn, tuy nhiên hiện nay đội ngũ giáo viên trường chuyên đang trẻ hóa dần, nên yêu cầu này sẽ tiến tới thực hiện được.
Hiện các trường đào tạo sư phạm cũng rất chú trọng hai yêu cầu về năng lực ngoại ngữ, tin học này, do đó theo tôi, dự thảo của Bộ là hợp lý và khả thi”.
Ngoài ra, thầy Nam cũng kiến nghị các cấp, ngành liên quan xem xét việc cấp thiết bị học tập cho các trường chuyên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa:
“Có những trường chuyên, ở những môn đặc thù được đầu tư hoặc được xã hội hóa, họ có trang thiết bị ngang tầm với các phòng nghiên cứu hiện đại. Tuy nhiên số này rất ít, hiện tại các thiết bị dạy học tại trường chuyên nhìn chung vẫn chưa được đáp ứng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, điều này sẽ phần nào hạn chế khả năng học hỏi, phát huy năng lực của các em học sinh chuyên”.
Chia sẻ thêm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn chỉ ra điểm bất cập giữa chương trình giáo dục phổ thông mới với định hướng nghề nghiệp tương lai của học sinh, nhất là đối với học sinh muốn thi ngành sư phạm.
Theo đó, học sinh ngay từ năm lớp 10 sẽ được định hướng nghề nghiệp và lựa chọn môn học thay vì học hết tất cả các môn. Điều này theo thầy Nam sẽ gây khó cho học sinh nếu sau này các em muốn thi vào ngành sư phạm. Cụ thể thầy Nam lý giải:
“Nếu một em bây giờ học các môn Toán, Hóa, Sinh…, mà không học Vật lý, đến hết năm lớp 12, nhận thấy nhu cầu xã hội đang cần, đang thiếu giáo viên môn Vật lý chẳng hạn, cá nhân em đó cũng thích học Sư phạm Vật lý thì sao? Với 3 năm cấp 3 không chọn học Vật lý thì em có thi được không?".
Theo thầy Nam, việc định hướng nghề nghiệp ở lớp 10 chỉ mang tính chất tương đối, do vậy đây là điểm bất cập trong thực hiện chương trình mới hiện nay.