Nếu không tổ chức lớp thường thì trường chuyên sẽ phát triển một cách “cọc cạch”

05/11/2022 06:53
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền, nên thực hiện việc bỏ lớp thường trong trường chuyên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức trường trung học phổ thông chuyên (trường chuyên).

Trong dự thảo này có nội dung: không tổ chức lớp không chuyên (lớp thường) trong trường chuyên. Lớp học trong trường chuyên phải được tổ chức theo các môn học của chương trình giáo dục phổ thông, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, gồm: Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên dự kiến không quá 35 học sinh.

Hiện nay, tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 3 trường trung học phổ thông chuyên, trong đó có 2 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là trường: Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong và Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa.

Hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh, các trường trung học phổ thông chuyên đang có lớp không chuyên (lớp thường) dành cho những em không đủ điểm trúng tuyển khi làm bài tuyển sinh vào lớp 10 hệ chuyên.

Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, 1 trong 3 trường chuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (Ảnh minh họa: báo Sài Gòn Giải Phóng)

Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, 1 trong 3 trường chuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (Ảnh minh họa: báo Sài Gòn Giải Phóng)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất này trong dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Lâm Triều Nghi – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình (từng là người đứng đầu Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa trong vòng 6 năm) cho biết, nên thực hiện việc bỏ lớp thường trong trường chuyên.

Theo thầy Lâm Triều Nghi, trường chuyên thì chỉ nên dành cho việc học các môn chuyên.

Thầy Nghi nói rằng, Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/2/2012 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên có nêu "các lớp không chuyên không quá 20% tổng số học sinh của trường". Có nghĩa là số lớp không chuyên luôn chiếm một số lượng nhỏ so với lớp chuyên trong trường chuyên.

Song song đó, điểm tuyển sinh của mỗi một hệ cũng khác nhau, lớp chuyên điểm chuẩn khác mà lớp không chuyên trong trường chuyên điểm chuẩn cũng khác.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, nếu không tổ chức lớp không chuyên thì có sợ nguồn tuyển sinh cho trường chuyên, lớp chuyên bị hao hụt hay không?

Thầy Lâm Triều Nghi nhấn mạnh: Hoàn toàn không sợ mất nguồn tuyển cho lớp chuyên.

Thầy Nghi giải thích tiếp: hàng năm, hết học kỳ 1, Thành phố Hồ Chí Minh có tuyển bổ sung học sinh vào lớp 10 chuyên của trường chuyên, nguồn tuyển là học sinh cả nước. Các em phải đạt yêu cầu nhất định về điểm rèn luyện, học tập, và phải tham gia thi tuyển.

Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thì việc tuyển bổ sung học sinh lớp chuyên là việc được thực hiện hằng năm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: lớp nào chưa đủ chỉ tiêu sẽ tuyển bổ sung; ngược lại những học sinh đang học lớp chuyên nhưng nếu học lực chỉ đạt loại trung bình thì sẽ chuyển qua học lớp thường, chứ không tiếp tục học lớp chuyên.

Tóm lại, thầy Lâm Triều Nghi đề nghị: “Nên bỏ lớp thường trong trường chuyên, để trường chuyên được phát huy đúng tinh thần của trường chuyên”.

Cũng liên quan đến nội dung này, ở chiều ngược lại, một nhà giáo ưu tú từng là hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông chuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, ông không đồng tình với đề xuất bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên.

Vị này cho biết, duy trì các lớp không chuyên hay còn gọi là lớp cận chuyên, lớp thường trong trường chuyên là rất cần thiết, vì đây có thể sẽ là nguồn tuyển học sinh bổ sung cho các trường chuyên.

Thầy giáo này cho biết, trường chuyên hay trường thường cũng phải phục vụ cho cả hai mục tiêu giáo dục là đại chúng và tinh hoa. Tuy nhiên, nguồn học sinh tinh hoa (học sinh có tài năng, năng lực học tập tốt vượt trội) ở cấp độ phổ thông thì chưa thể nào phát huy hết khả năng được.

Việc không có lớp thường trong trường chuyên, có nghĩa rằng chúng ta đang đặt nặng vào một vế: tập trung vào phát triển tài năng của học sinh quá sớm ở trường chuyên. Có thể dẫn đến việc học lệch, khó toàn diện.

Chính vì vậy, nếu thực hiện việc bỏ lớp thường trong trường chuyên, thì lúc đó các trường trung học phổ thông chuyên sẽ phát triển một cách “cọc cạch”, có nghĩa là chỉ có lớp chuyên ở một môn nào đó, mất đi tính đại chúng của giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, việc bỏ lớp cận chuyên, lớp thường như vậy rất có thể sẽ làm mất đi nguồn tuyển bổ sung học sinh cho các lớp chuyên trong tương lai.

Việt Dũng