Yêu cầu GV trường chuyên phải có ngoại ngữ, tin học ở mức tốt: Có nên không?

08/11/2022 06:31
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Yêu cầu khả năng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ tin học ở mức tốt là một trong những điểm mới của Bộ Giáo dục nêu ra tại dự thảo mới.

Trong dự thảo Thông tư Quy chế tổ chức của trường trung học phổ thông chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang công bố lấy ý kiến có quy định giáo viên trường chuyên “Tối thiểu đáp ứng tiêu chuẩn quy định về lựa chọn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, trong đó tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tốt”. Quy định mới này đã thu hút sự chú ý của nhiều thầy cô giáo dạy chuyên.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Hưng - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng quy định mới này sẽ có thể gây khó khăn cho các giáo viên ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa; Tuy nhiên đối với giáo viên ở vùng trung du, đồng bằng thì quy định này hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, theo theo thầy Nguyễn Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) cho rằng quy định mới này không khả thi với đội ngũ giáo viên trường chuyên hiện nay.

Theo thầy Tuấn, khả năng tin học là yêu cầu cần thiết với các giáo viên vì liên quan đến việc dạy học, thầy cô giáo cần biết ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học, truyền tải kiến thức hiệu quả tới học sinh. Với khả năng ngoại ngữ, chỉ nên áp dụng với một số môn học đặc thù, các giáo viên còn lại về cơ bản chỉ nên ở mức tương đối.

Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Bắc Giang nhấn mạnh thêm: “Ngoại ngữ có thể ở mức tương đối do việc sử dụng không nhiều, nhưng các mặt khác yêu cầu phải giỏi. Ví dụ với hiệu trưởng, yêu cầu phải có khả năng quản trị tốt, phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin,...”

“Cào bằng” phụ cấp với giáo viên trường chuyên như hiện nay là hợp lý

Một vấn đề khác cũng là nội dung gây tranh cãi khá nhiều trong nội bộ các trường chuyên, đó là việc có nên cào bằng phụ cấp giữa giáo viên dạy môn chuyên và giáo viên dạy môn không chuyên trong trường chuyên không?

Bên cạnh ý kiến cho rằng cần cơ cấu lại mức phụ cấp cho đội ngũ giáo viên trong trường chuyên, thì cũng có ý kiến cho rằng việc phân chia đều mức phụ cấp 70% như hiện nay là điều hợp lý.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hưng cho biết, việc chia đều phụ cấp cho cả giáo viên dạy không chuyên và giáo viên dạy môn chuyên là điều hoàn toàn hợp lý.

Cụ thể, vị hiệu trưởng cho rằng, mục đích của trường chuyên là giáo dục học sinh toàn diện, những ý kiến cho rằng giáo viên dạy môn chuyên thì nên được hưởng phụ cấp cao hơn là không hợp lý. Khi thầy cô giáo dạy ở trường chuyên, yêu cầu tất cả các thầy cô giáo phải nỗ lực phấn đấu, ngoài dạy kiến thức phải dạy người. Do vậy, việc các thầy cô hưởng mức phụ cấp như vậy hoàn toàn chính đáng,

Theo thầy Hưng, hiện nay trường trung học phổ thông chuyên Bắc Giang đang đi khá đúng định hướng, đó là đặt giáo dục toàn diện lên trên hết, sau đó mới đến giáo dục mũi nhọn.

“Cả hai mục tiêu phải đặt song song, đào tạo học sinh trường chuyên là đào tạo toàn diện. Trong đó, nhà trường quan tâm đặc biệt tới 2 yếu tố là sức khỏe về thể chất và sức khỏe về tinh thần.

Chúng tôi mong muốn học sinh đến trường phải có tinh thần thoải mái và tâm lý tốt. Đồng thời, đảm bảo sức khỏe về thể chất là phải khỏe mạnh.

Chia sẻ quan điểm về giáo dục học sinh trường chuyên, thầy Hưng cho rằng việc giáo dục cho học sinh nhận thức việc chăm sóc sức khỏe của mình cực kì quan trọng. Đây là yếu tố đầu tiên cần quan tâm, sau đó mới đến việc học chữ, những kiến thức hàn lâm khác.

“Chúng ta không thể để một học sinh có trí tuệ tốt mà sống trên một cơ thể yếu ớt được!”, vị hiệu trưởng nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ thêm, theo thầy Hưng, học sinh trường chuyên sau khi tốt nghiệp, đỗ vào các trường đại học là xong, trái lại trong số các em sẽ có rất nhiều em trở thành nhân tài, những nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, nhà quản lý, có người có kiến thức chuyên môn tốt. Do đó, việc giáo dục những kỹ năng về chăm sóc sức khỏe bản thân ngay từ trên ghế nhà trường là điều hết sức quan trọng.

Hoạt động làm đèn đón trung thu của học sinh trường trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên. Ảnh: Fanpage nhà trường

Hoạt động làm đèn đón trung thu của học sinh trường trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên. Ảnh: Fanpage nhà trường

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên cho biết, để khuyến khích, động viên thêm cho các thầy cô giáo và học sinh, mới đây nhà trường đã có tham mưu với tỉnh cấp thêm phụ cấp.

Cụ thể, với giáo viên dạy các lớp chuyên sẽ được hỗ trợ thêm một tháng lương cơ sở là 1.490.000 đồng. Ngoài ra, hỗ trợ thêm học sinh có hộ khẩu ngoài thành phố Thái Nguyên đang học tập tại trường thêm chi phí đi lại, mỗi tháng khoảng 440.000 đồng, bằng 0,3 mức lương cơ bản của các thầy cô.

Liên quan đến dự thảo mới của Bộ, có nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có thêm quy định về đánh giá, sàng lọc học sinh.

Nói về đề nghị này, thầy Hưng cho rằng ngoài Thông tư Quy chế tổ chức của trường trung học phổ thông chuyên, cả học sinh chuyên và học sinh không chuyên còn có chung các hướng dẫn về đánh giá kết quả học lực khác như Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Do vậy, vị hiệu trưởng cho rằng quy định sàng lọc, đánh giá học sinh không cần thiết phải đưa vào Thông tư mới này.

“Khi năng lực của các em đã không đạt chuẩn thì bắt buộc các em buộc đưa ra khỏi trường chuyên. Tất nhiên điều này sẽ gặp khó khăn khi hiện nay chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, với đặc thù có môn bắt buộc và môn lựa chọn; Học sinh sẽ chuyển về đâu để vẫn giúp các em được học những môn hiện tại cũng là bài toán khó với các trường. Đây là khó khăn chung chứ không phải riêng mỗi trường chuyên”, vị hiệu trưởng nói thêm.

Doãn Nhàn