VSTEP chưa được sử dụng rộng rãi
Vừa qua, việc tạm dừng kỳ thi IELTS của một số đơn vị tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh tại Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm của các gia đình, học sinh, sinh viên và cả những người đi làm đang cần thi chứng chỉ này. Mặc dù đến nay, các đơn vị tổ chức thi chứng chỉ, sau khi gửi hồ sơ theo mẫu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép tổ chức thi trở lại thì sự việc trên giống như một "phép đo" - cho thấy cơn sốt IELTS đã và đang diễn ra tại thị trường Việt Nam những năm qua ra sao.
Trong khi đó, VSTEP - kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1,C2 lại không nhận được nhiều sự quan tâm của người học.
Cụ thể, dù có tới 25 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thi và cấp chứng chỉ VSTEP nhưng năm 2022 chỉ có duy nhất Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển đại học.
Thực tế, ngay chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không sử dụng chứng chỉ VSTEP để quy đổi điểm ngoại ngữ cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi Bộ đã thông qua chứng chỉ này. Thay vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo miễn thi và tính điểm 10 môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 (hoặc các chứng chỉ tiếng Anh khác, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Trung theo quy đổi điểm từng loại chứng chỉ) trở lên.
Năm 2023, quy chế tuyển sinh đại học không thay đổi, như vậy chứng chỉ VSTEP trong năm tới vẫn chưa được sử dụng để thay thế IELTS trong quy đổi điểm thi trung học phổ thông.
Việc tuyển sinh, xét tuyển đầu vào các cấp từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông, đại học... cũng đều ưu tiên ứng viên có chứng chỉ IELTS.
Dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận nhưng vì sao chứng chỉ VSTEP vẫn không được sử dụng rộng rãi? Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Rõ ràng chúng ta đã có chứng chỉ của Việt Nam, được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua, vậy với những kì thi, tuyển sinh trong nước, có nhất thiết chỉ lựa chọn hay ưu tiên IELTS ở vị trí hàng đầu? Cơ hội nào cho các chứng chỉ “nội”?
Không chỉ nói riêng về mặt chi phí thi chênh lệch giữa chứng chỉ nội và ngoại (khoảng gần 2 triệu cho VSTEP; khoảng 5 triệu cho IELTS), việc chứng chỉ nội chưa được chú trọng phần nào cũng khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng của chứng chỉ nội.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc trung tâm ngoại ngữ English Right Now chỉ ra một số nguyên nhân khiến chứng chỉ VSTEP hiện chưa được sử dụng rộng rãi.
Theo đó, thầy Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, hiện nay nước ta vẫn chưa xây dựng được một bài thi VSTEP theo chuẩn quốc tế, đề thi chủ yếu vẫn dựa trên hình thức góp nhặt, tổng hợp từ nhiều loại đề thi chứng chỉ khác như IELTS, TOEFL.
Thứ hai, VSTEP là chứng chỉ của Việt Nam và hiện chưa được một tổ chức quốc tế nào công nhận cả, hay nói cách khác là chưa đạt chuẩn quốc tế. Do vậy, phạm vi sử dụng của VSTEP gần như chỉ ở trong nước, trong khi đó, có rất nhiều người có nhu cầu muốn đi ra nước ngoài làm việc, du học,... Điều này, theo thầy Nguyễn Trung Nguyên là một hạn chế rất lớn của VSTEP.
Nguyên nhân thứ ba thầy Nguyên chỉ ra, đó là việc tổ chức thi hiện nay VSTEP vẫn chưa đạt được tính đồng bộ về điều kiện cơ sở vật chất, “có nơi đảm bảo, có nơi chưa”. Thực tế, đã có không ít thí sinh dự bài thi VSTEP phản ánh lại, do trục trặc về mặt kỹ thuật về máy tính nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến phần làm bài thi của mình.
“Em đăng ký thi VSTEP ở trường vào tháng 5 vừa qua. Với phần thi nghe, em gần như không nghe được gì, do lúc nghe được lúc không vì chất lượng âm thanh. Lúc nhận máy thì máy tính cũng không mở lên được. Mặc dù được các thầy cô hỗ trợ, tuy nhiên điều này khiến em bị ảnh hưởng tâm lý thi khá nhiều”, H.N - một sinh viên có trải nghiệm thi chứng chỉ VSTEP tại trường đại học của mình chia sẻ với phóng viên.
Một thực tế nữa, theo thầy Nguyên, chính là sự thiếu đồng bộ giữa các trường trong việc công nhận chứng chỉ VSTEP.
“Có 25 trường được tổ chức và cấp phép thi chứng chỉ VSTEP, tuy nhiên giữa các trường lại chưa có sự thống nhất về việc công nhận. Thực tế, có trường chỉ chấp nhận chứng chỉ VSTEP ở một số nơi nhất định, chứ chưa có sự công nhận đồng bộ cả 25 trường. Việc thiếu thống nhất này giữa các đơn vị cũng là một rào cản khiến thí sinh có tâm lý e ngại thi chứng chỉ này”, thầy Nguyên phân tích.
Tuy nhiên, chứng chỉ VSTEP cũng là một sự lựa chọn hiệu quả và tối ưu đối với những đối tượng chỉ cần chứng chỉ sử dụng trong nước. Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyên đánh giá: "VSTEP là bài thi khá hay khi có nội dung thi toàn diện 4 kỹ năng, đủ đánh giá trình độ học viên từ A2 đến C1, tuy nhiên với trình độ C2 trở lên thì cá nhân tôi chưa đưa ra ý kiến đánh giá".
Ngoài ra, so với các chứng chỉ quốc tế khác, ví dụ như IELTS chi phí thi gần 5 triệu thì với VSTEP, mỗi lần thi thí sinh chỉ mất khoảng 1,5 triệu đồng - 1,8 triệu đồng tùy nơi tổ chức (tiết kiệm hơn khoảng gần 3 lần chi phí). Chưa kể, với kinh nghiệm ôn thi cho các học trò, thầy Nguyên cho rằng người học chỉ mất khoảng 6 tháng ôn tập là có thể đạt tới trình độ B1 - thời gian học nhanh là một ưu điểm rất lớn so với học và thi IELTS.
Đề xuất giải pháp giúp nâng cao độ phủ sóng của chứng chỉ VSTEP
Thầy Nguyễn Trung Nguyên khẳng định, nếu có chính sách phù hợp, chứng chỉ VSTEP hoàn toàn có thể có cơ hội thay thế chứng chỉ IELTS tại Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Với xu hướng hội nhập quốc tế, khả năng ngoại ngữ rất được các đơn vị trường học, địa phương, các đơn vị sử dụng lao động... quan tâm. Những năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ đã được dùng làm phương thức xét tuyển thẳng tại nhiều trường đại học. Theo thầy Nguyên, điều này là phù hợp vì để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ ở cấp bậc cao, người học cần sử dụng rất nhiều kỹ năng quan trọng như phản xạ, tư duy, ghi nhớ, giao tiếp,...
Tuy nhiên, quá “lạm dụng” hay coi trọng chứng chỉ IELTS là điều không nên. Thầy Nguyên cho rằng, chi phí đắt đỏ của việc học và thi IELTS sẽ hạn chế rất lớn đến số lượng người tiếp cận, đặc biệt với học sinh ở khu vực nông thôn, miền núi, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.
Điều này sẽ tạo ra sự phân hóa giữa các em học sinh, sinh viên khi chỉ nhà có điều kiện mới được học IELTS, điều này đồng nghĩa với việc: cơ hội sở hữu tấm bằng đại học của các trường “top” sẽ hẹp hơn với những bạn có điều kiện hoàn cảnh khó khăn hơn.
Do vậy, nâng cao chất lượng, uy tín của chứng chỉ trong nước nhằm phục vụ nhu cầu học tập và sử dụng là điều cần thiết.
Khi được hỏi liệu chứng chỉ VSTEP có thể thay thế được IELTS không, thầy Nguyên khẳng định điều này hoàn toàn có thể trong phạm vi đất nước Việt Nam.
“Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, truyền thông nhiều hơn nữa về chứng chỉ VSTEP, đồng thời có thêm chính sách, lộ trình để đưa chứng chỉ này vào trong những ứng dụng cụ thể như IELTS thì chứng chỉ VSTEP hoàn toàn có thể thay thế được IELTS tại Việt Nam”, thầy Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Theo đó, thầy Nguyên góp ý một số giải pháp giúp nâng cao độ phủ sóng của chứng chỉ nội VSTEP ở thị trường nước ta như sau:
Thứ nhất, cần đồng bộ về điều kiện cơ sở vật chất giữa các đơn vị tổ chức thi.
Thứ hai, nâng cao chất lượng bài thi với việc chuẩn hóa đề thi theo chuẩn quốc tế.
“Chuẩn hóa đề thi theo chuẩn quốc tế, theo tôi điều này không khó. Chúng ta muốn nâng cao chất lượng thì cần có sự đầu tư thỏa đáng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đầu tư chi phí để thuê một bên khác là đơn vị khảo thí quốc tế để giúp chúng ta chuẩn hóa đề thi”.
Đồng thời, thầy Nguyên kiến nghị các đơn vị chức năng liên quan xem xét giảm chi phí thi VSTEP nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thí sinh trên cả nước có thể tham gia thi”.
Ngoài ra, hiện cả nước có 25 trường đại học tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP, thời gian tổ chức thi 1 tháng/lần, so với IELTS, chứng chỉ nội hạn chế cả về địa điểm tổ chức thi và tần suất tổ chức. (Hiện ở Việt Nam, người học có thể thi IELTS tại: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Vũng Tàu, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Trường FPT Hà Nội, Quảng Ninh; có thể lựa chọn hình thức thi IELTS trên máy được tổ chức vào hầu hết các ngày trong tuần, hoặc kỳ thi trên giấy diễn ra từ 3, 4 lần/ tháng).
Do vậy, thầy Nguyên đề xuất nên đưa kỳ thi VSTEP về cho các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương tổ chức thi, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển cho các thí sinh ở xa thành phố lớn.
Vậy có cơ hội nào cho chứng chỉ nội như VSTEP vươn tầm quốc tế không? Theo thầy Nguyên, điều này là có thể, tuy nhiên muốn vậy thì chứng chỉ VSTEP phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế từ nội dung chương trình, kiến thức, đến cơ sở vật chất, tổ chức thi… Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản chính thức để công nhận tính hợp pháp và phạm vi sử dụng của chứng chỉ VSTEP, “còn mập mờ như hiện tại thì rất khó!”.