Nếu như 2 năm trước, hầu hết các trường đại học dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thì năm nay nhiều trường giảm sâu chỉ tiêu đối với phương thức này. Đặc biệt có khá nhiều trường đưa ra phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh IELTS và kết quả kì thi đánh giá năng lực của một số trường đại học top đầu.
Cô Nguyễn Nguyệt Ngư – Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) Ảnh: T.D. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Nguyệt Ngư – Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) đã chia sẻ: “Theo quan điểm của tôi thì các trường đại học trong nước hiện nay, nếu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS thì nên chỉ thực hiện với một số bộ môn, hoặc một số khoa nhất định, còn tôi không đồng ý xét IELTS như một “tấm vé” vào trường và tất cả các khoa, như vậy là không thể đánh giá được hết năng lực của một học sinh.
Với một số môn chuyên ngành đào tạo đòi hỏi tiếng Anh thì với chứng chỉ ngoại ngữ đầu vào cao, có thể yêu cầu sinh viên phải có chứng chỉ khung ngoại ngữ 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc chứng chỉ IELTS thì rất tốt. Nhưng với những khoa kỹ thuật đơn thuần, hoặc những chuyên ngành khác không sử dụng tiếng Anh mà lại yêu cầu đầu vào cao như vậy là không phù hợp.
Ví dụ: Một sinh viên thi vào ngành kỹ thuật, nhưng tư duy về chuyên ngành đó lại không có, mà trong tay chỉ có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế thì theo tôi khi vào được trường sinh viên này chưa chắc đã học tốt được chuyên ngành đã chọn. Đó cũng là một sự không công bằng với những em giỏi kỹ thuật nhưng chưa có điều kiện tiếp cận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế”.
Theo cô Ngư: “Chứng chỉ ngoại ngữ Vstep của Việt Nam tôi cũng đã từng thi, nó có sự kết hợp của IELTS và TOEFL, phần nghe nói khá giống với IELTS và phần đọc viết lại giống TOEFL. Chứng chỉ này hiện áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, tổ chức học và thi được thực hiện bởi một số trường đại học trong nước có uy tín, vậy các trường đại học nên đưa thêm chứng chỉ ngoại ngữ Vstep này vào xét tuyển, vừa đa dạng hình thức, vừa tạo sự công bằng cho các thí sinh, hơn nữa lại chủ động trong việc học và thi trong nước, chi phí kinh tế cũng rẻ hơn rất nhiều so với chứng chỉ IELTS”.
Chương trình phổ thông theo khung Vstep
Cô Ngư nói: “Chương trình học ngoại ngữ hiện nay ở các trường phổ thông của Việt Nam cũng đang phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các trình độ của chứng chỉ Vstep, từ A1, A2 đến B1, B2 và C1, C2 tất cả đều theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Mục tiêu đầu ra mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu học sinh từ tiểu học đến hết Trung học phổ thông đúng với chuẩn Vstep, chứ hoàn toàn không dùng IELTS để đối chiếu.
Hơn nữa, tôi thấy các trường đại học hiện nay chỉ dành khoảng 15% xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, còn lại 85% là các phương thức khác trong đó có IELTS, như vậy là bất cập và thiếu công bằng.
Tôi cho rằng, nên dành khoảng 50% cho điểm thi tốt nghiệp và 50% còn lại chia đều cho các phương thức khác, như vậy sẽ công bằng hơn bởi có rất nhiều em học sinh giỏi chuyên môn, giỏi Toán, Lý, Hóa, Sinh,…nhưng chưa thực sự quá giỏi về ngoại ngữ, và cũng chưa có điều kiện kinh tế để đạt được chứng chỉ quốc tế, mà những học sinh như vậy chiếm đa số, nhất là học sinh ở các tỉnh và các vùng còn khó khăn.
Hoặc, các trường đại học nên quy định rõ ràng, những ngành nghề nào được xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ Vstep của Việt Nam, những ngành nào được dùng chứng chỉ IELTS, và những ngành nào sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, hoặc kết quả đánh giá năng lực, kết quả thi tuyển,…Như vậy mới là công bằng, chứ như hiện nay cào bằng tất cả sẽ khó tuyển được nhân tài đúng với ngành nghề đào tạo, và những học sinh giỏi chuyên môn thật sự lại không được vào đại học, mất đi cơ hội được học và cống hiến cho đất nước”.
Cô Ngư lo ngại: “Nếu học sinh và phụ huynh các em có xu hướng ưu tiên tất cả cho chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, phải có được bằng mọi giá bởi coi đấy là tấm vé đầu vào đại học thì chắc chắn các môn học khác sẽ bị “bỏ quên”, dẫn tới tình trạng học lệch kiến thức, chỉ cần điểm 5 để đủ tốt nghiệp. Vậy nếu những học sinh như thế có đỗ vào trường đại học, thì liệu các em có học tốt được những chuyên ngành khác hay không? Khi mà hiện tượng lấy tràn lan IELTS vào tất cả các trường, các khoa đào tạo?.
Ở những vùng sâu vùng xa học sinh không có điều kiện học online, và nếu muốn học trực tiếp lại phải đến các thành phố lớn vì ở đó mới trung tâm ôn luyện và thi IELTS, chưa nói đến mức chi phí rất lớn gây tốn kém xã hội. Hơn nữa, tôi thấy các trường đại học xét tuyển bằng IELTS là tâm lý “sính” hàng ngoại, trong khi ở khía cạnh giáo dục thì chúng ta không thể coi đó là hàng hóa được.
Chỉ cần đơn vị tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ Vstep đảm bảo được tính nghiêm túc, khung đã có quy định của Bộ rồi, còn việc triển khai đảm bảo tính minh bạch, chất lượng là được. Theo tôi không có lý gì mà các trường đại học không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ Vstep của Việt Nam để xét tuyển đại học. Nếu chỉ nghiêng về IELTS thì quá bất công với các thí sinh”.
Cô Ngư lo ngại: “Nếu học sinh và phụ huynh các em có xu hướng ưu tiên tất cả cho chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, phải có được bằng mọi giá bởi coi đấy là tấm vé đầu vào đại học thì chắc chắn các môn học khác sẽ bị “bỏ quên”. Ảnh minh họa: T.D. |
Chuẩn đầu ra đại học theo khung Vstep
Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô N.T.L – Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học quốc gia Hà Nội) đã cho biết: “Tôi thấy nhiều trường đại học hiện nay xét tuyển sinh đầu vào quá thiên về IELTS, mà không thấy xét các chứng chỉ tiếng Anh Vstep trong nước, trong khi để thi đạt chứng chỉ này thí sinh bắt buộc phải qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết như thi IELTS. Nếu kiểm tra tiếng Anh theo chương trình cũ thì chỉ thiên về ngữ pháp, hoặc phần viết sẽ không có sự đánh giá khách quan và đồng đều với học sinh.
Ví dụ: Đại học Quốc gia Hà Nội trong quá trình học, sinh viên có thể được phủ điểm và sử dụng các chứng chỉ tiếng Anh khác như Vstep, có nghĩa sinh viên được chấp nhận chứng chỉ tiếng Anh đa dạng chứ không chỉ có IELTS. Vậy nếu các trường đại học áp dụng chứng chỉ Vstep xét tuyển đầu vào sẽ là điều rất tốt bởi nó đánh giá đầy đủ cả 4 kỹ năng, không khác gì chứng chỉ quốc tế".
Cũng theo giáo viên này, chứng chỉ Vstep hay IELTS đều là đánh giá kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tuy nhiên tôi thấy để đánh giá các vấn đề về Vstep thì hiện nay mới có giáo viên của vài trường trên cả nước đã được đào tạo, đủ bằng cấp để đánh giá chứng chỉ này nếu không nói là đang rất thiếu.
Vậy để có thể áp dụng được chứng chỉ Vstep rộng rãi, cần phải có sự đào tạo giáo viên trên diện rộng. Ví dụ: Học sinh ở các tỉnh muốn luyện thi Vstep thì rất ít trung tâm và giáo viên luyện thi, có thể nói hầu như không có, vậy nên việc học và ôn thi rất khó. Chỉ khi vào đại học, các em mới có môi trường để luyện Vstep thuận lợi hơn.
"Tôi hy vọng trong vài năm tới cần mở rộng các trung tâm luyện Vstep về các tỉnh, có đầy đủ giáo viên dạy theo khung chương trình này, đến lúc đó chứng chỉ Vstep sẽ có thể đứng song song với IELTS khi xét tuyển đầu vào đại học trong nước. Và khi vào đại học đều có hệ quy chiếu điểm song song giữa các chứng chỉ với nhau nên có thể quy đổi được.
Ngay như sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ nơi chúng tôi đào tạo cũng cần phải đạt chuẩn đầu ra là Vstep, nhiệm vụ của giảng viên chúng tôi là hướng dẫn, đào tạo theo hướng Vstep để sinh viên đạt được chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp, nên không có lý gì xét tuyển đầu vào Vstep lại không thay thế được các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế”, cô L. nêu quan điểm.