Ý chí của nữ GV mầm non dân tộc Giẻ Triêng được nhận bằng khen của Bộ trưởng

11/12/2022 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, nữ giáo viên mầm non Y Nhung (Đắk Glei, Kon Tum) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đạt được nhiều thành tích. 

Tháng 11 vừa qua, 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng bằng khen nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Là một trong số những giáo viên được nhận bằng khen của Bộ trưởng, đồng thời cũng là một trong 40 gương mặt tiêu biểu được gặp Thủ tướng Chính phủ, cô Y Nhung (dân tộc Giẻ Triêng, giáo viên Trường mầm non Đắk Kroong, Đắk Glei, Kon Tum) vẫn chưa quên được cảm giác hạnh phúc lâng lâng trong chuyến ra Thủ đô vừa qua.

Để có được sự ghi nhận của lãnh đạo bộ ngành, nữ giáo viên 9X đã có quãng thời gian mười năm cống hiến bằng sự nhiệt huyết tuổi trẻ không ngừng nghỉ. Cô Y Nhung từng nhiều lần tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...

Hiệu trưởng Trường mầm non Đắk Kroong đã dành lời khen ngợi cho nghị lực của nữ giáo viên này: "Từ khi Nhung về công tác tại trường, bất kì có cuộc thi nào đều có sự tham gia của em ấy. Có lần, trong đợt bồi dưỡng giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi, tôi hướng dẫn cho Nhung nhưng em không làm được, vậy là bị tôi trách. Em đã khóc nức nở nhưng sau đó lại quyết tâm làm lại cho bằng được...".

Nữ giáo viên Y Nhung. (Ảnh: NVCC)

Nữ giáo viên Y Nhung. (Ảnh: NVCC)

Gian nan thử sức

Tốt nghiệp ra trường, Y Nhung được phân công về mầm non xã Đắk Môn cách nhà hơn mười cây số, cô nghĩ về việc sẽ được giảng dạy tại nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, nhưng nó hoàn toàn ngược lại.

Lớp học, nơi của cô Y Nhung đứng lớp là một căn nhà cấp bốn lợp mái tôn, được mượn của nhà dân trong thôn. Nơi đây, không có nước sạch, nhà vệ sinh... Những ngày đầu, bên cạnh sự bỡ ngỡ, nữ giáo viên còn phải tự bản thân dọn dẹp, khuân bàn ghế ra vào lớp học. Sau đó, khi đã quen với người dân địa phương, cô được họ giúp đỡ.

"Những ngày đầu đứng lớp, tôi còn nhiều lóng ngóng trong việc chăm sóc, vệ sinh cho các bé. Bên cạnh đó, các bé khóc nhiều do phải xa rời vòng tay bố mẹ, lúc về nhà, đầu tôi vẫn văng vẳng tiếng khóc của các em", cô Nhung nhớ lại.

Nữ giáo viên vẫn khó quên hình ảnh buổi trưa các bé về nhà ăn cơm, còn mình ở lại lớp lấy cơm nấu ở nhà ra ăn, nhiều lúc muốn ngả lưng ngủ nhưng lớp học xập xệ, không có chỗ.

Tình cảm của các bé dành cho nữ giáo viên là điều khiến cô cảm thấy hạnh phúc, động lực gắn bó với nghề. (Ảnh: NVCC)

Tình cảm của các bé dành cho nữ giáo viên là điều khiến cô cảm thấy hạnh phúc, động lực gắn bó với nghề. (Ảnh: NVCC)

Chứng kiến hình ảnh trên, người dân gần đó đã mời cô nhà họ, mang cơm ra ăn rồi nghỉ ngơi, lấy sức giảng dạy buổi chiều. Ban đầu cô Nhung cũng ngại, sau dần thành quen coi đây như ngôi nhà thứ hai.

Quá trình công tác, bản thân cô cũng đã học được những điều từ các bé là sự vô tư, lạc quan.

"Có buổi các bé thấy tôi buồn, chúng chưa nói được nên chỉ ngồi xung quanh cô giáo, điều đó khiến tôi nhận được sự an ủi, động viên. Tụi nhỏ đã dạy tôi được nhiều thứ về sự vô tư, lạc quan để bản thân vượt qua những khó khăn trong cuộc sống", cô Nhung chia sẻ.

Hoạt động năng nổ

Bên cạnh sự nỗ lực vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong quá trình công tác, cô Nhung còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của trường lớp và giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc.

Những ngày còn công tác tại trường mầm non cũ, cô Nhung là một trong số ít giáo viên trẻ của nhà trường, với sự nhanh nhạy về công nghệ thông tin, cô đã hướng dẫn các giáo viên đứng tuổi thành thục các thao tác trong sử dụng máy tính.

Bên cạnh đó, các hoạt động phong trào, cuộc thi của nhà trường thì đều có mặt cô Nhung tham gia. Bản thân nữ giáo viên nhận thấy rằng, mình còn trẻ nên cần phải có sự nhiệt huyết, xông xáo để cống hiến cho trường lớp.

Nữ giáo viên tham gia hoạt động ngoài trời cùng các bé. (Ảnh: NVCC)

Nữ giáo viên tham gia hoạt động ngoài trời cùng các bé. (Ảnh: NVCC)

Để hòa nhập được với môi trường sống còn có nhiều khó khăn, thiếu thốn, cô Nhung đã học được sự kiên nhẫn, cởi mở trong giao tiếp với người dân bản địa. Để rồi sau này, khi chuyển về trường mới, cũng còn nhiều khó khăn nhưng điều đó đã giúp cô nhanh chóng thích nghi với nơi đây.

"Dù đã nhiều năm không còn giảng dạy ở trường cũ nhưng nhiều phụ huynh vẫn gọi điện hỏi thăm, động viên tôi, đó là điều khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng", cô Nhung chia sẻ.

Chia sẻ về cảm xúc khi biết tin được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục, cô Y Nhung cảm thấy rất ngạc nhiên trước thông tin từ hiệu trưởng nhà trường: "Chị đừng có xạo em". Nữ giáo viên chia sẻ sự sự ngỡ ngàng khi nhận được văn bản thông báo.

Ngoài tham gia các hoạt động trong trường lớp, cô Nhung còn tham gia vào công tác hoạt động xã hội, từ thiện khác như tham gia bảo vệ môi trường bằng cách thu gom vỏ các hộp sữa của các bé uống, để thu gom gửi đi tái chế lại... Cô Nhung còn mở một thư viện ở địa phương nơi cô sinh sống, giúp các em mở mang kiến thức, hạn chế với máy tính, điện thoại...

Việc tham gia vào các hoạt động đoàn thể, khiến nhiều người tưởng rằng nữ giáo viên ngoài ba mươi tuổi đã "quên" đi việc lập gia đình, nhưng Y Nhung vẫn luôn lạc quan và cười nói, duyên phận là "không thể nóng vội được".

Hiệu trưởng Tường mầm non Đắk Kroong Đoàn Thị Thu cho hay, cô Nhung về trường công tác đến nay được khoảng 7 năm và từng hai lần được tham gia kì thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều lần là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở....

"Tôi nhận thấy cô có tố chất của giáo viên dạy giỏi, nên tôi đã bồi dưỡng để cô tham gia các cuộc thi và đã giành được nhiều giải thưởng. Từ khi Nhung về công tác tại trường, chưa có cuộc thi nào mà không có sự góp mặt của nữ giáo viên này", cô Đoàn Thị Thu cho hay.

Mạnh Đoàn