LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy giáo Trần Đăng Anh, một giáo viên tiểu học.
Trong bài viết, tác giả mạnh dạn chỉ ra những “điểm mờ” của một bộ phận thầy cô khi chưa tự ý thức rèn luyện bản thân để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Hình ảnh minh họa về vấn đề đạo đức trong giáo dục. (Ảnh: baophunuvietnam.com) |
Chưa có ý thức trong việc tự nâng cao kiến thức và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ
Hiện nay, còn một bộ phận thầy cô ngại học hỏi, đổi mới để nâng cao kiến thức, ỷ lại vào những gì đã được từ trước hoặc chỉ dựa vào những kiến thức sẵn có trong sách giáo khoa.
Tủ sách ở nhà đơn giản chỉ có vài quyển sách giáo khoa cơ bản, vài quyển còn do đi mượn được của nhà trường mà không thấy sự xuất hiện của một cuốn sách tham khảo nào.
Hiện nay, nhiều địa phương tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các cấp có thêm phần thi kiến thức, vì thế những giáo viên yếu kém về năng lực sẽ không được nhà trường cử đi thi vì sợ kéo tụt thành tích chung của nhà trường.
Về phương pháp dạy học, có không ít thầy cô ngại học hỏi, áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học mới, mà vẫn dạy theo cách truyền thống “thầy giảng - trò chép”!
Việc soạn giáo án và làm hồ sơ sổ sách đối với các thầy cô ưa “làm biếng” này thì cũng không có gì khá hơn.
Giáo án thì lấy trên mạng hoặc xin của người khác sửa ngày tháng rồi in ra, thậm chí có người còn nhờ người khác soạn hộ, in hộ.
Làm hồ sơ sổ sách thì cứ chờ người khác làm xong rồi mượn chép theo kiểu “sao y bản chính” nên có những tình huống dở khóc, dở cười như: vào cuộc họp rồi mới cặm cụi chép kế hoạch, chép bản đánh giá,... nội dung thì “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Hàng năm, một số địa phương (cấp Sở, cấp Phòng) thường tổ chức kiểm tra kiến thức chuyên môn của giáo viên.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra này cũng chỉ để nắm bắt thực trạng và mang tính tham khảo nên một số thầy cô dù có kết quả thấp cũng vẫn “bình chân như vại”.
Đối với những thầy cô này, tấm gương tự học của họ đối với học sinh rất mờ nhạt, chất lượng giáo dục mà họ mang lại chúng ta ai cũng có thể đoán được.
Do vậy, tôi rất tâm đắc với ý kiến “Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt yêu cầu” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 09/6/2017.
Một bộ phận giáo viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong nghề nghiệp
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Hiện nay, đa số các thầy cô giáo đều có tác phong mô phạm, sống lành mạnh, có nề nếp, tự trọng, thực hiện tốt các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.
Tình trạng vi phạm đạo đức nghề giáo, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh” |
Tuy nhiên, cũng còn một số thầy cô chưa có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, giữ gìn phong cách, hình ảnh đẹp của người thầy.
Có những thầy cô chưa có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỉ luật: hội họp 10 lần thì có tới 8-9 lần đi muộn; lên lớp còn làm việc riêng, đồng nghiệp nhắc nhở thì tỏ vẻ khó chịu; nộp báo cáo thì chậm muộn còn nhiều sai sót.
Trong giảng dạy chưa thực sự tôn trọng học sinh: còn nghe điện thoại, nhắn tin, vào mạng xã hội một cách tự do; có phản ứng không bằng lòng với những ý kiến phản biện của học sinh...
Ngoài ra, còn bộ phận thầy cô giáo có những hình ảnh không đẹp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp như: hút thuốc trong nhà trường, sử dụng chất có cồn trước giờ lên lớp; mặc những trang phục phản cảm; xúc phạm danh dự, thân thể học sinh; thậm chí, có những thầy cô cãi chửi nhau ngay tại trường.
Những biểu hiện trên của một số thầy cô giáo vô hình dung trở thành những tấm gương tối cho học sinh bắt chước và làm theo.
Thầy cô giáo là những người làm giáo dục, mà có những hành vi thiếu giáo dục, thiếu nhân văn thì thực sự là một điều đáng buồn.
Hơn ai hết, chính các thầy cô cần phải hiểu rõ hai câu danh ngôn nổi tiếng về giáo dục của Các Mác: “Người làm giáo dục trước hết phải là người được giáo dục” và “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”.
Xuất hiện những hành vi có biểu hiện trục lợi, vi phạm pháp luật
Có một số thầy cô vì quá coi trọng lợi ích vật chất mà có những hành vi trục lợi vi phạm đến đạo đức nhà giáo, thậm chí vi phạm pháp luật như: ép học sinh học thêm để thu tiền; nâng điểm, tặng danh hiệu không đúng cho học sinh; gợi ý học sinh và phụ huynh tặng quà trong các dịp lễ tết...
Việc ép học sinh phải đi học thêm để thu tiền hàng tháng đã được các báo đài phản ánh và đề cập rất nhiều.
Việc dạy bài tủ, luyện đề kiểm tra trước cho học sinh hoặc cộng thêm điểm là những mánh khóe quen thuộc của những giáo viên có ý trục lợi này.
Vừa vi phạm dạy thêm, vừa thiếu trung thực thì giáo viên còn dạy được ai? |
Chính bản thân tôi đã từng bị một cô giáo dạy tiểu học đánh tiếng trách “tiếc tiền nên không cho con đi học thêm” tại nhà cô.
Có cô giáo dạy môn tiếng Anh cấp trung học cơ sở lại tổ chức dạy thêm vào khung thời gian rất vô lý (từ 17 – 19 giờ) ngay sau khi các em vừa tan học ở trường.
Một số thầy cô bán sách giáo khoa và đồ dùng học tập thì ép học sinh mình dạy phải mua hàng của mình.
Có những thầy cô vì chút hoa hồng với người bán sách đã lôi kéo thật nhiều học sinh lớp mình mua những cuốn sách vô bổ với cái giá cao vút.
Tôi đã từng chứng kiến 2 cô giáo tính nhầm tiền khi bán sách giáo khoa cho đứa con đang học tiểu học của mình.
Có cô còn ép cháu mua những quyển sách mà cháu không đăng ký, gia đình có ý kiến thì cô bảo là “ghê gớm quá”.
Một số thầy cô có những dấu hiệu vi phạm pháp luật như: cho vay nặng lãi; lừa đảo vay nợ; lôi kéo đồng nghiệp bạn bè, người thân tham gia kinh doanh đa cấp bất hợp pháp; môi giới chạy biên biên chế, thuyên chuyển công tác; buôn lậu; nghiện ma túy...
Vụ việc của công ty bán hàng đa cấp Liên Kết Việt hay công ty Thiên Ngọc Minh Uy có không ít thầy cô giáo tham gia, thậm chí có người đã đã vỡ nợ, tan nát gia đình.
Bản thân vợ chồng tôi (đều là giáo viên tiểu học) cũng nhiều lần được một chị đồng nghiệp mời chào đi dự hội thảo, nghe tư vấn sức khỏe của một công ty đa cấp nhưng chúng tôi từ chối.
Còn ở huyện nơi tôi công tác, mấy năm gần đây đã buộc thôi việc đến 3 thầy cô giáo vì liên quan đến lừa đảo vay nợ và ma túy, thậm chí có người còn bị kết án và ngồi tù.
Mới đây, báo chí đưa tin một thầy giáo dạy tiếng Anh tại Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa nghỉ hè đã đi buôn ma túy.
Để thực sự xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, bản thân mỗi thầy cô giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện để tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ và mẫu mực về đạo đức nhân cách.
Đối với các cơ quan quản lý giáo dục ở các cấp cũng cần rà soát và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt yêu cầu cả về chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức.
Bài viết là nhận thức, quan điểm của riêng tác giả.