Cần “chốt” phương án tuyển sinh ĐH sớm để thí sinh và nhà trường không bị động

14/12/2022 06:32
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường đại học ủng hộ xét tuyển một đợt với mọi phương thức tuyển sinh, bởi sẽ mang đến sự công bằng giữa các cơ sở đào tạo cũng như giữa các thí sinh.

Xét tuyển đồng loạt sẽ mang lại công bằng cho trường và thí sinh

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ xét tuyển đại học một đợt với mọi phương thức, nhằm rút ngắn thời gian tuyển sinh.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: “Hiện tại, nhà trường đang xây dựng quy chế tuyển sinh, dự thảo làm đề án tuyển sinh năm 2023 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ nhiều năm nay, nhà trường sử dụng một số phương thức xét tuyển sau: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển học bạ (năm học 2022-2023 chỉ chiếm khoảng 20% chỉ tiêu); Tuyển thẳng học sinh giỏi; Chứng chỉ tiếng Anh; Xét tuyển theo kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tuy nhiên, từ nhiều năm làm tuyển sinh, tôi cho rằng, việc xét tuyển sớm đối với một số phương thức cũng không có giá trị nhiều, ví dụ như việc tuyển sinh thông qua xét tuyển học bạ, đây chỉ giống như một kênh dự phòng cho các thí sinh.

Theo thống kê của nhà trường, những năm qua, phần lớn các thí sinh trúng tuyển qua hình thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn thí sinh trúng tuyển qua phương thức xét tuyển học bạ chỉ chiếm phần rất nhỏ”.

Thí sinh làm thủ tục nhập học 2022. Ảnh: hcmuc.edu.vn.

Thí sinh làm thủ tục nhập học 2022. Ảnh: hcmuc.edu.vn.

Từ những phân tích trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát cho rằng: “Nếu bây giờ, chúng ta có thể tổ chức xét tuyển đồng loạt vào cùng một thời điểm, sẽ thuận tiện cho cả nhà trường và thí sinh, dữ liệu thí sinh bị ảo cũng giảm bớt.

Bởi theo tôi, xu thế chất lượng tuyển sinh những năm qua chủ yếu vẫn bám vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều hơn, vì học bạ của các thí sinh hiện nay đa phần là “đẹp”, không phản ánh được nhiều”.

Đồng quan điểm đó, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ: “Nhà trường hiện đang xây dựng quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh năm 2023. Và thực tế, trong năm 2022, nhà trường cũng không thực hiện xét tuyển sớm.

Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xét tuyển nhiều đợt trong năm, như năm 2022, cũng có một số trường cũng xét tuyển sớm, các hình thức xét tuyển đa dạng, “nở rộ”, theo tôi điều đó cũng có mặt tốt, nhưng ở mặt nào đó sẽ thiếu đi sự công bằng giữa các cơ sở đào tạo.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh) phổ biến quy chế thi cho thí sinh năm 2022. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh) phổ biến quy chế thi cho thí sinh năm 2022. Ảnh: NVCC.

Nếu có thể tổ chức xét tuyển cùng một lúc, tôi cho rằng đó là một điểm tích cực. Tuy nhiên, đã làm thì nên làm đồng loạt theo hệ thống, chứ không nên để mạnh trường nào, trường ấy làm, cũng không nên phân biệt trường - công trường tư hay các trường đặc thù... Như vậy sẽ đảm bảo công bằng cho tất cả các cơ sở đào tạo và cho các thí sinh.

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, nhưng cũng cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, nếu không sẽ có thể dễ gây quá tải. Một cơ sở dữ liệu mà có những thời điểm, lượng truy cập quá lớn dẫn đến “nghẽn”, thì cần phải tính toán thật cẩn trọng... Từ năm trước, tôi đã có một thắc mắc: Đối với việc đăng ký xét tuyển theo học bạ, tôi không hình dung có cách nào để chỉ trong “một sớm một chiều” có thể bổ sung hết được cơ sở dữ liệu cần thiết, bởi, thí sinh đã tốt nghiệp từ các năm trước vẫn có thể đăng ký xét tuyển đại học, mà không phải ở bất cứ nơi đâu cũng đã kịp cập nhật toàn bộ học bạ điện tử.

Chính vì vậy, phải tính toán đến nguồn lực và lộ trình, mạnh dạn thì tốt nhưng làm sao để có thể triển khai tốt, bởi lẽ, chỉ một lỗi kỹ thuật nhỏ cũng có thể ảnh hưởng cả hệ thống, giống như trong một dây chuyền sản xuất, chỉ một mắt xích có vấn đề là sẽ ảnh hưởng đến cả bộ máy”.

Cần “chốt” phương án sớm để thí sinh và nhà trường không bị động

Bên cạnh những chia sẻ trên, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng cũng bày tỏ: “Không hẳn là vướng mắc trong công tác tuyển sinh, tuy nhiên, tôi cho rằng, năm 2022, đã có không ít các cơ sở đào tạo cũng như các thí sinh đều gặp phải những lúng túng nhất định.

Trong khi phải đợi quy chế chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến khoảng giữa năm, cả nhà trường lẫn thí sinh đều mang tâm lý hồi hộp, lo lắng.

Về phía Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, do có một ngành phải tổ chức thi năng khiếu, bởi đặc thù nghệ thuật, rồi kết hợp với điểm thi các môn văn hóa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển, nên năm vừa rồi, khi chờ Bộ công bố phương án tuyển sinh, nhà trường cũng “đứng ngồi không yên”.

Từ góc độ của một cơ sở đào tạo, tôi cho rằng, Bộ nên “chốt” phương án và công bố sớm, để các cơ sở đào tạo cũng như thí sinh có thể chủ động hơn, tránh tình trạng để trễ như năm vừa rồi. Mọi thông tin tuyển sinh cần phải được công bố hết sức rõ ràng, chính xác, để từ đó, xã hội ủng hộ, các cơ sở đào tạo cũng dễ dàng thực hiện theo một hướng thống nhất, một cách nghiêm túc, đàng hoàng, chứ không phải mỗi trường có thể làm theo một kiểu dạng “trăm hoa đua nở”...”.

Thí sinh tham dự kỳ thi năng khiếu vào Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.

Thí sinh tham dự kỳ thi năng khiếu vào Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.

“Thứ hai, nếu thí sinh tiếp cận với quá nhiều chiều thông tin, đôi khi sẽ bị “nhiễu” thông tin, dẫn đến hoang mang, lo lắng, nên cần có một luồng thông tin chính thống và nhất quán để các thí sinh tìm hiểu. Vì vậy, làm thế nào cũng phải đảm bảo cho thí sinh có đủ thời gian để tìm hiểu, cân nhắc và lựa chọn các phương thức tốt nhất cho mình, đồng thời, cũng sẽ không ở trong tình trạng vừa áp lực ôn thi, vừa áp lực lựa chọn đăng ký nguyện vọng...” - vị Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng cũng cho biết thêm: “Không chỉ sinh viên, mà một số cơ sở đào tạo cũng rất “sốt ruột”, nhất là với những ngành khó tuyển như văn hóa của chúng tôi.

Chẳng hạn, ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, hoặc ngành Bảo tàng học... là những ngành đào tạo nhằm phục vụ lĩnh vực văn hóa tư tưởng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống... Nhưng xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của các thí sinh hiện nay đang khiến cho những ngành này mặc dù có giá trị xã hội, nhưng người dân lại chưa biết đầy đủ về giá trị và ngày càng khó tuyển sinh hơn.

Trong khi đó, nếu không có thông tin sớm, nhà trường không kịp thời chủ động, dẫn đến khó tuyển được sinh viên, thì khoảng 5-10 năm sau, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành”.

Mộc Trà