SGK môn Giáo dục thể chất, học sinh mua mà không dùng thì lãng phí lắm!

14/12/2022 06:40
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu sân tập, bãi tập và dụng cụ tập không đảm bảo thì xây dựng sách giáo khoa cho học sinh để làm gì?

Chị Thuý Hoa, một phụ huynh cũ của tôi gọi điện hỏi: “Cô ơi! Năm nay, con em vào lớp 4, em có phải mua cuốn sách giáo dục thể chất cho cháu nữa không? Từ năm lớp 1, lớp 2 và lớp 3 nhà em có mua nhưng không thấy con dở sách học một lần nào cả. Không cần thì nhà trường có bắt buộc phải mua không ạ? Em thấy lãng phí quá!”.

Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất theo chương trình mới (Ảnh tác giả)

Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất theo chương trình mới (Ảnh tác giả)

Giáo viên Giáo dục thể chất khẳng định học sinh không cần mua sách giáo khoa

Đó không phải là câu hỏi duy nhất mà người viết đã được nghe, được hỏi. Đã có không ít giáo viên và phụ huynh thắc mắc như thế. Theo suy nghĩ của cá nhân người viết, sách giáo khoa giáo dục thể chất học sinh không cần phải mua vì có mua cũng rất ít khi được dùng đến.

Không dùng đến sách giáo khoa thì mua để làm gì? Chẳng phải tốn thêm một khoản tiền vô ích hay sao?

Tuy nhiên, để thật sự khách quan, tôi đã có cuộc trò chuyện với cô Bích Luyên, giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất tại một trường tiểu học ở Bình Thuận. Trả lời câu hỏi của tôi: Học sinh có cần thiết phải mua cuốn sách giáo khoa giáo dục thể chất không?

Những bài tập như này giáo viên thể dục đã làm mẫu, hướng dẫn cho học sinh ở trường (Ảnh tác giả)

Những bài tập như này giáo viên thể dục đã làm mẫu, hướng dẫn cho học sinh ở trường (Ảnh tác giả)

Cô giáo Bích Luyên đã khẳng định: “Không cần mua đâu chị, mua làm gì khi ở trường không bao giờ dùng đến? Mua mà để đấy thì lãng phí lắm”.

Nói rồi cô Bích Luyên cho biết thêm, học thể dục, học sinh chủ yếu thực hành ngoài sân tập là chính. Lứa tuổi nhỏ, đặc biệt từ mẫu giáo đến bậc tiểu học, học sinh thường nhìn cô tập mẫu rồi tập lại.

Những bài tập về đội hình, đội ngũ, về các bài tập thể dục cơ bản, những trò chơi vận động…chỉ sau vài động tác mẫu là học sinh sẽ học tập rất nhanh mà chẳng cần gì đến sách giáo khoa hướng dẫn. Bên cạnh đó, các tiết học thể dục chủ yếu học ngoài sân trường nên học sinh không thể mở sách giáo khoa ra như những bộ môn học khác.

Trong thực tế, cũng đã có khá nhiều bộ tranh thể dục minh họa cho các động tác thể dục nhưng giáo viên cũng chẳng cần mang ra làm mẫu bởi: “Làm mẫu bằng người thật sẽ nhanh, hiệu quả hơn rất nhiều”.

Học sinh nhìn thầy cô tập mẫu và tập lại (Ảnh tác giả)

Học sinh nhìn thầy cô tập mẫu và tập lại (Ảnh tác giả)

Các em sẽ quan sát cô làm mẫu rồi tập lại. Suốt buổi học, học sinh cũng được ôn luyện lại nhiều lần. Hết tiết học, thầy cô dặn dò về nhà luyện tập lại lần nữa. Bấy nhiêu là học sinh đã nắm được bài, đã đạt mục tiêu nên cần sách giáo khoa để làm gì nữa.

Sách giáo khoa được bán nguyên bộ, không muốn thì phụ huynh cũng buộc phải mua

Sách giáo khoa môn Giáo dục thể chất không dùng đến, nhiều phụ huynh cũng không muốn mua cuốn sách này. Thế nhưng dù không muốn thì phụ huynh cũng buộc phải mua.

Lý do khá đơn giản, gần như những bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 được nhà trường hoặc các cửa hàng văn phòng phẩm bán nguyên bộ. Phụ huynh khó có thể muốn mua cuốn sách nào thì mua như bộ sách của chương trình cũ.

Một cuốn sách giáo khoa giáo dục thể chất của bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở có giá khoảng 15 ngàn đồng/cuốn.

Riêng bậc trung học phổ thông có 4 cuốn sách Giáo dục thể chất đó là: Giáo dục thể chất bóng đá 13 ngàn đồng; Giáo dục thể chất bóng chuyền: 12 ngàn đồng; Giáo dục thể chất bóng rổ: 11 ngàn đồng; Giáo dục thể chất cầu lông: 13 ngàn đồng.

Tổng số tiền phụ huynh bậc trung học phổ thông phải bỏ ra cho mấy cuốn sách giáo khoa thể chất gần 50 ngàn đồng.

Mỗi gia đình phụ huynh phải bỏ ra khoản tiền vài chục ngàn đồng mua sách để đó. Nếu tính cả nước có khoảng hai chục triệu học sinh thì số tiền này là không hề nhỏ.

Nâng cao chất lượng môn học Giáo dục thể chất cần chú trọng về sân bãi, phòng tập cho học sinh một cách bài bản, chu đáo. Việc phát hành thêm bộ sách giáo khoa chỉ tạo thêm gánh nặng về kinh tế cho phụ huynh và bội chi cho ngân sách.

Nói về chuyện này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cũng cho rằng: “Môn Giáo dục thể chất chỉ nên có sách hướng dẫn cho giáo viên, còn sách giáo khoa cho học sinh thì không cần thiết. Bởi vì, học sinh tham gia giờ thể dục đã có sự hướng dẫn của các thầy cô. Môn học này thiên về vận động nhiều hơn, nên sách giáo khoa là không cần thiết”.

Cần phải tập trung kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, đảm bảo không gian hoạt động thể dục thể thao cho mỗi trường, và tốt hơn, phải coi đó là điều kiện bắt buộc trong trường phổ thông.

Nếu sân tập, bãi tập và dụng cụ tập không đảm bảo thì xây dựng sách giáo khoa cho học sinh để làm gì?”[1]

Tài kiệu tham khảo:

[1] https://www.nguoiduatin.vn/sach-giao-khoa-mon-giao-duc-the-chat-khong-can-thiet-a452887.html

Phan Tuyết