Thiếu giáo viên không phải là câu chuyện mới. Đã có nhiều giải pháp được đề xuất, triển khai để giải quyết tình trạng này, tuy nhiên thực tế kết quả chúng ta có được hiện nay vẫn chỉ là giải quyết bề nổi.
Điển hình như việc ban hành Nghị định 116 về đặt hàng, đào tạo giáo viên - những tưởng đây sẽ là một cú “hích” đối với ngành giáo dục, giúp giải quyết bài toán thiếu giáo viên về lâu về dài. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai ở 63 tỉnh thành trên cả nước, rất nhiều đơn vị gặp khó, và những kỳ vọng, mong chờ vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.
Ảnh minh họa: Báo Gia Lai |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai - ông Cao Văn Hiếu (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ) cho biết, mặc dù địa phương này đang thiếu rất nhiều giáo viên, tuy nhiên năm 2022, tỉnh Gia Lai vẫn chưa thể triển khai thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116.
Cụ thể, hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai hiện đang thiếu 3.016 giáo viên ở tất cả các cấp học từ mầm non đến phổ thông. Theo ông Hiếu, thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện.
Theo đó, trên cơ sở báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai xác định tổng số nhu cầu đăng ký đào tạo theo chương trình phổ thông mới từ 2022 đến 2025 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh là 4.324 giáo viên.
Như vậy, theo kế hoạch, số lượng nhu cầu đào tạo được tính toán có lộ trình rõ ràng, dự kiến lộ trình 4 năm (tính từ năm học 2022-2023 đến năm học 2028-2029).
“Dự kiến 30% sinh viên sư phạm đào tạo theo nhiệm vụ, đặt hàng do ngân sách địa phương chi trả kinh phí số lượng 1.295 học viên. Với tổng số môn, ngành đào tạo là 23 từ bậc mầm non đến trung học phổ thông”, ông Hiếu cho biết.
Tuy nhiên thực tế triển khai liệu có thuận lợi như kỳ vọng? Chia sẻ với phóng viên, ông Cao Văn Hiếu đặt ra hàng loạt điểm bất cập trong thực tiễn khi triển khai Nghị định 116 tại Gia Lai.
Thiếu cơ chế tuyển dụng đặc thù đối với sinh viên theo chế độ đặt hàng, trong khi nguồn biên chế có hạn là nguyên nhân khiến địa phương "e ngại" trong vấn đề đặt hàng. Ảnh minh họa: Bắc Sơn |
Thứ nhất, số lượng sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội ra trường hàng năm rất nhiều, nhưng số biên chế sự nghiệp giáo dục bị cắt giảm và số biên chế được giao quá thấp so với định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT nên khó xác định về việc cung, cầu đối với giáo viên. Dẫn đến việc không thể xác định nhu cầu tuyển dụng giáo viên sau 04 năm sinh viên học xong rồi tốt nghiệp ra trường.
Bên cạnh đó, khả năng tuyển dụng số sinh viên sau khi tốt nghiệp đã đặt hàng theo kế hoạch tuyển dụng không khả thi (do thời gian đào tạo trình độ đại học từ 3 đến 4 năm). Trong khi đặc thù của ngành là phải tuyển dụng ngay theo từng năm để đáp ứng đủ giáo viên giảng dạy, không thể để tình trạng có trường, có lớp mà không có giáo viên, vì vậy không thể còn biên chế được giao để tuyển dụng số sinh viên đã đặt hàng.
Thứ hai, chưa có cơ chế tuyển dụng đặc thù đối với sinh viên đào tạo theo cơ chế đặt hàng, trong khi số lượng biên chế lại có hạn, nguồn sinh viên ra trường được đào tạo theo nhu cầu xã hội vẫn còn rất nhiều.
Theo đó, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ chưa xây dựng được cơ chế sử dụng số lượng sinh viên theo hình thức đặt hàng khi ra trường tuyển dụng như thế nào để tránh tình trạng khi đào tạo xong lại vướng quy chế tuyển dụng.
Cụ thể, việc tuyển dụng viên chức giáo viên của tỉnh Gia Lai đang thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP, tức là tuyển dụng tất cả sinh viên ngành sư phạm hoặc ngành phù hợp có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm trên phạm vi cả nước nên không thể đánh giá được nhu cầu xã hội để xây dựng kế hoạch đào tạo theo đơn đặt hàng (tránh lãng phí khi đặt hàng đào tạo).
Trong khi đó, Nghị định 116/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn lại chưa đề cập đến nội dung ưu tiên tuyển dụng trước số sinh viên đào tạo theo đặt hàng. Chưa kể đăng ký nhu cầu đào tạo mà sinh viên đào tạo không chất lượng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hút nhân tài công tác tại ngành giáo dục.
“Việc tuyển dụng viên chức giáo viên của tỉnh Gia Lai trong năm 2016, năm 2018 (tuyển dụng theo hình thức thi tuyển): Kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên của toàn tỉnh năm 2016: Chỉ tiêu tuyển dụng là 530 giáo viên, số giáo viên đủ điều kiện dự tuyển 3.744 người, số giáo viên được tuyển dụng 442 người. Kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên của tỉnh năm 2018: Chỉ tiêu tuyển dụng là 973 giáo viên, số giáo viên đủ điều kiện dự tuyển 3.371 người, tuyển được 718 giáo viên.
Điều đó cho thấy số sinh viên ra trường được đào tạo theo nhu cầu xã hội nhiều nhưng không có chỉ tiêu tuyển dụng, đảm bảo có nguồn tuyển, nên khó xây dựng kế hoạch để đặt hàng đào tạo”, ông Hiếu lấy dẫn chứng
Tại kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị thì giai đoạn 2022-2026 cũng xác định cơ bản không tăng biên chế cán bộ, công chức; ngoài ra còn thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Vì vậy, sau khi đào tạo thì không có biên chế để tuyển dụng số sinh viên này, do đó sẽ xảy ra tình trạng đào tạo mà không tuyển dụng được gây lãng phí về kinh phí.
Thứ ba, theo ông Hiếu, nguồn kinh phí để chi trả cho đào tạo giáo viên rất lớn, trong Nghị định chỉ nói chung về kinh phí đào tạo theo đặt hàng do Ngân sách nhà nước chi trả. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể trong việc chi trả ngân sách đối với ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để giảm bớt phần kinh phí cho các địa phương có nguồn thu thấp như tỉnh Gia Lai.
Với những khó khăn trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai chưa thể tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch đặt hàng, để đáp ứng tình hình thiếu giáo viên trong thời gian tới.
Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Tuy nhiên, sau hai năm triển khai, tính đến nay, cũng giống với tỉnh Gia Lai, hiện vẫn còn rất nhiều địa phương do còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện nên đến nay vẫn chưa thể triển khai Nghị định 116.