Điều chỉnh chương trình bậc đại học cần tính toán phù hợp, không máy móc

28/12/2022 06:54
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều trường đại học đã và đang đưa ra nhiều giải pháp cũng như chủ động xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt giúp người học yêu thích và tiếp thu tốt hơn.

Thay đổi chương trình đào tạo bậc đại học là vấn đề được nhiều trường ủng hộ và đánh giá là cần thiết để giúp sinh viên hứng thú hơn trong quá trình học. Tuy nhiên, các trường điều chỉnh chương trình đến mức độ nào để vẫn đảm bảo chất lượng, khung chương trình đang là điều khiến nhiều người quan tâm.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình chương trình học hiện tại của trường, Tiến sĩ Tô Vĩnh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bạc Liêu cho biết:

"Trước đây, tỉ lệ sinh viên năm nhất nghỉ học của trường ở mức khá cao, vào khoảng hơn 15%. Tỉ lệ này thường xảy ra với khối khoa học tự nhiên, như ngành công nghệ thông tin vốn có kiến thức đại cương tương đối nặng. Những năm trước khi chương trình chưa được điều chỉnh, có ngành sinh viên phải học 4 học phần toán đại cương trong học kỳ một của năm nhất.

Sinh viên Trường Đại học Bạc Liêu tham gia trải nghiệm thực tế tại Công ty Việt - Úc Hòa Bình (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Bạc Liêu tham gia trải nghiệm thực tế tại Công ty Việt - Úc Hòa Bình (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Tuy nhiên, nhìn nhận từ những thách thức, khó khăn trong chương trình học, chúng tôi đã có một số cải tiến trong chương trình đào tạo. Ví dụ, với 4 học phần toán đại cương các em sẽ được học dàn đều ra ở 4 học kỳ. Nhờ những thay đổi tích cực này, đến nay, tỉ lệ sinh viên năm nhất nghỉ học ở một số ngành của trường giảm, còn dưới 10%".

Bên cạnh đó, theo thầy Sơn, để giúp sinh viên cảm thấy bớt áp lực hơn trong quá trình học tập, trường đã mời các chuyên gia đến trao đổi, giảng dạy một số chuyên đề cho các ngành phù hợp và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía sinh viên. Bởi, việc này đã giúp các em được cung cấp thêm nhiều kiến thức phong phú từ thực tiễn ngành nghề.

Cũng theo thầy Sơn cho biết, cứ 2 năm một lần, trường lại thực hiện rà soát, cải tiến chương trình đào tạo, tuân thủ quy định hiện hành về xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Không những vậy, Trường Đại học Bạc Liêu cũng lấy ý kiến phản hồi từ sinh viên, nhà tuyển dụng và các bên liên quan để có những thay đổi cho phù hợp.

Tiến sĩ Tô Vĩnh Sơn cho rằng, năm nhất đối với sinh viên cũng như nhà trường rất quan trọng, nếu giữ được sự ổn định trong năm nhất, các em có thể vững tin để tiếp tục gắn bó với trường.

Do đó, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bạc Liêu cũng đã bàn một số các giải pháp cần thiết với các phòng chức năng, các khoa và giảng viên nhà trường để khắc phục việc sinh viên năm nhất nghỉ học cũng như giúp các em hứng thú trong quá trình học như:

Đối với các phòng chức năng, cần quán triệt công tác quản lý sinh viên, công tác chính trị;

Hệ thống quản lý khoa, cố vấn học tập cần phải thực hiện, công tác một cách nghiêm túc, chặt chẽ;

Đối với các giảng viên, khi giảng dạy ban đầu tại các lớp năm nhất cần phải trao đổi kỹ lưỡng, rõ ràng và hướng dẫn cách học cho các em để làm sao tạo được sự thu hút trong buổi học. Giảng viên cũng cần tạo sự tương tác với người học qua việc tạo các nhóm trao đổi trên các nền tảng mạng xã hội để khi có vấn đề gì các em có thể phản ánh trên đó.

Theo Tiến sĩ Tô Vĩnh Sơn, để có thể làm tốt được việc này, nhà trường cần phải có sự phối hợp nhất quán của phòng đào tạo, phòng quản lý sinh viên, quản lý khoa và giảng viên chứ không riêng bộ phận nào.

Cũng trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hợp, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên cho hay, năm vừa qua, trường cũng có khoảng 100 em sinh viên nghỉ học trong tổng số hơn 1700 em sinh viên vừa đỗ vào trường, tuy nhiên, không có lý do nào là do chương trình học của trường cả.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hợp - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên. (Nguồn: Website nhà trường).

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hợp - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên. (Nguồn: Website nhà trường).

Sinh viên mới vào trường đã nghỉ học thường nằm ở các lý do như: sau khi đỗ vào trường lại xin được học bổng đi học nước ngoài, hoặc lựa chọn đi làm luôn bởi nhiều doanh nghiệp bây giờ đã không còn coi trọng bằng cấp nữa,...

“Trong khoảng 5 năm gần đây, nhờ có những điều chỉnh chương trình học tích cực mà trường gần như không nhận phải bất kỳ phản ánh tiêu cực nào từ phía sinh viên.

Theo đó, cứ kết thúc một năm, Phòng Đảm bảo chất lượng của trường lại thực hiện khảo sát sinh viên, cả những sinh viên đã tốt nghiệp để nhìn nhận được những mặt thuận lợi, khó khăn và từ đó có những cải thiện phù hợp cho chương trình học", thầy Hợp nói.

Không những vậy, thầy Hợp cho biết, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến công tác sinh viên như các hoạt động Đoàn, Hội sinh viên để giúp các em năm nhất mới vào nhận thấy được những mặt lợi ích khi tham gia học ở trường vì ngoài những giờ học lý thuyết, trường còn có nhiều hoạt động ngoại khóa lý thú, hấp dẫn.

Việc tích cực phát triển các hoạt động sinh hoạt trong câu lạc bộ cũng giúp cho các em nhanh chóng làm quen được với môi trường giáo dục đại học và muốn gắn kết với trường hơn.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Hợp, mỗi năm, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên cũng thường tổ chức các "Hội nghị đổi mới phương pháp giảng dạy" cho các cán bộ giảng viên nhà trường nhưng có mời thêm các bạn sinh viên đại diện cho các lớp lên trao đổi ý kiến.

Từ đó, vừa tạo thêm sự cởi mở, động lực học tập cho các em, vừa tạo được tiếng nói chung giữa thầy và trò nhà trường.

Cũng theo thầy Hợp, việc điều chỉnh chương trình học bậc đại học cũng cần phải có tính toán hợp lý, ví dụ đối với những môn khoa học nền tảng như Triết học rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là với các khối ngành khoa học xã hội, khoa học kinh tế,... thì không thể đẩy về sau mà cần học vào học kỳ 1 năm nhất.

Còn các môn học lý luận thì có thể đẩy lùi sang các kỳ sau như vào kỳ 3, kỳ 4 để giảm bớt gánh nặng phải học nhiều môn đại cương cùng trong 1 học kỳ cho các em sinh viên.

Mặt khác, nếu đẩy quá nhiều môn chuyên ngành vào năm nhất thì cũng rất khó để người học tiếp thu được kiến thức, kể cả có qua môn thì hiệu quả cũng không cao.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Hợp cho rằng, nhận thức của sinh viên sẽ tăng theo thời gian, do đó, các trường cũng cần chú trọng việc sắp xếp các môn học một cách hợp lý; đồng thời, cần phải liên tục đổi mới, trau dồi các phương pháp giảng dạy hay, hấp dẫn cho các giảng viên nhà trường để mang lại buổi học hiệu quả, chất lượng nhất cho người học.

Trà My