Làm gì để giáo dục đại học Việt Nam cất cánh nhanh và hội nhập quốc tế?

16/11/2022 11:18
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự phát triển bền vững của một quốc gia luôn gắn liền với sự thành công của hệ thống giáo dục đại học, trong đó có giao quyền tự chủ đại học.

Vào tháng 7 năm 2020, Hội đồng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chính thức thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động của 3 trường đại học thành viên gồm: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Trường Đại học Kinh tế - Luật.

Trước đó, từ năm 2007, Trường Đại học Quốc tế, thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng thành công cơ chế tự chủ tài chính. Đầu năm 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng chính thức chuyển đổi cơ chế hoạt động sang loại hình tự chủ.

Vào tháng 5/2022, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên công bố được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt hình thức tự chủ tài chính, đảm bảo chi thường xuyên.

Sự phát triển bền vững của một quốc gia luôn gắn liền với sự thành công của hệ thống giáo dục đại học. Ảnh minh họa

Sự phát triển bền vững của một quốc gia luôn gắn liền với sự thành công của hệ thống giáo dục đại học. Ảnh minh họa

Như vậy, cho đến nay, chỉ trừ Trường Đại học An Giang thì đã có 6/7 thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Để tìm hiểu về quá trình tự chủ đại học tại các trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, mối tương quan giữa tự chủ đại học và vị trí ở các bảng xếp hạng cũng như việc chuyển giao công nghệ, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Phó Giáo sư Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật và Phó Giáo sư Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa.

Tự chủ đại học là việc xác định lại mối quan hệ giữa nhà nước và nhà trường

Phóng viên: Thầy đánh giá như thế nào về tự chủ đại học? Đâu là yếu tố tích cực, đâu là thách thức của việc tự chủ đại học?

Phó Giáo sư Hoàng Công Gia Khánh: Từ thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy, sự phát triển bền vững của một quốc gia luôn gắn liền với sự thành công của hệ thống giáo dục đại học, trong đó có giao quyền tự chủ đại học.

Tuy nhiên, mức độ tự chủ đại học gắn liền với mô hình tự chủ, luôn được thay đổi cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của từng quốc gia.

Hiểu một cách đơn giản, tự chủ đại học là việc xác định lại mối quan hệ giữa nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học, gồm cả 4 nội dung: Tự chủ về tổ chức, tự chủ về nhân sự, tự chủ về tài chính và quan trọng nhất là tự chủ về học thuật.

Nếu được giao quyền tự chủ đầy đủ, các trường đại học sẽ có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy và hiệu quả hoạt động, gia tăng quyền lợi và đem đến sự trải nghiệm tốt hơn cho sinh viên.

Tiến trình này sẽ giúp thúc đẩy tốt hơn đổi mới và sáng tạo tri thức. Để tránh các tác động tiêu cực, tự chủ đại học phải gắn liền với trách nhiệm giải trình, minh bạch với tất cả các bên có liên quan.

Đồng thời, cũng cần chú ý đến trách nhiệm hỗ trợ tài chính để không lấy đi cơ hội học tập và nghiên cứu của các đối tượng chính sách.

Ở Việt Nam, theo đúng quy định, các trường đại học ngay sau khi chuyển đổi sang cơ chế hoạt động mới, sẽ không còn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí thường xuyên. Trường phải tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, nên buộc phải điều chỉnh học phí theo lộ trình.

Có vẻ như vẫn còn có những suy nghĩ đơn giản rằng, tự chủ đại học chỉ là tự chủ về tài chính. Tôi cho rằng, đây là những thách thức rất lớn mà các trường phải đối mặt trong giai đoạn đầu của tự chủ.

Phó Giáo sư Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Phó Giáo sư Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Phóng viên: Tự chủ đại học sẽ có tác động như thế nào đối với việc cải thiện vị trí xếp hạng quốc tế, có phải đại học ở vị trí cao trên các bảng xếp hạng quốc tế sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn? Từ thực tiễn của Trường Đại học Kinh tế - Luật, thầy nghĩ sao về điều này?

Phó Giáo sư Hoàng Công Gia Khánh: Tự chủ đại học sẽ giúp cho các trường đại học có điều kiện tốt hơn, khi thực hiện sứ mạng của mình ở cả 3 chức năng: Nghiên cứu, đào tạo và phục vụ cộng đồng, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy mạnh hơn đổi mới, sáng tạo tri thức, gia tăng vị trí xếp hạng (nếu có) chỉ nên là mục tiêu trung gian.

Hơn nữa, bản thân các bảng xếp hạng vẫn luôn có những hạn chế nhất định, nên nếu tập trung vào quá nhiều hay duy nhất vào mục tiêu xếp hạng, thì rất có thể dẫn đến một số sai lệch nhất định trong phân bố nguồn lực.

Theo tôi, quyền tự chủ nên được giao dựa trên hệ thống các tiêu chí liên quan đến năng lực quản trị, các cam kết về kết quả mục tiêu cùng với hệ thống giám sát, trách nhiệm giải trình thay vì chỉ dựa trên kết quả xếp hạng.

Rất khó để chỉ ra một điểm nghẽn chí cốt của giáo dục đại học Việt Nam

Phóng viên: Được biết, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị dẫn đầu về chuyển giao công nghệ. Nhà trường đã triển khai ra sao để đạt được thành quả đó. Cách thức đó có thể áp dụng cho các trường đại học tại Việt Nam hay không?

Phó Giáo sư Mai Thanh Phong: Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) được biết đến là trường đại học kỹ thuật hàng đầu khu vực phía Nam, cả nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Mặc dù điều kiện để phát triển, chuyển giao công nghệ còn nhiều khó khăn, nhưng qua các thời kỳ, nhà trường đều có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển và chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, từ những năm đầu đổi mới, nhà trường đã là đơn vị tiên phong trong việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và triển khai sản xuất. Qua đó, nhiều kiến thức, kỹ thuật, công nghệ trong nhà trường đã được ứng dụng thành công trong thực tiễn sản xuất.

Việc làm này một mặt đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội lúc bấy giờ, một mặt tạo điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đội ngũ nhà khoa học của nhà trường.

Phó Giáo sư Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Phó Giáo sư Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Những năm tiếp theo đó, nhà trường đã phát triển thêm các trung tâm về lĩnh vực chuyên sâu đặc thù của trường. Có tổng cộng 9 trung tâm với doanh số những năm gần đây đạt 150 đến 170 tỷ đồng/năm.

Nhận thấy một số hạn chế của mô hình trung tâm trong điều kiện mới, nhà trường cũng đã thí điểm chuyển đổi một trung tâm của trường sang mô hình công ty cổ phần, nhằm huy động các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển lên một tầng nấc mới.

Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, với đòi hỏi cao hơn của nền sản xuất, nhà trường nhận thức được rằng cần chú trọng nghiên cứu và phát triển công nghệ. Gần đây, nhà trường luôn đưa “Xuất sắc trong khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển giao tri thức” là một chiến lược quan trọng của nhà trường.

Theo đó, nhà trường đã xây dựng những chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đặc biệt chú trọng các nghiên cứu ứng dụng hợp tác với khối doanh nghiệp, hoặc các nghiên cứu phục vụ giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương. Cụ thể, xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học ưu tiên, các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành, chính sách và đội ngũ hỗ trợ liên kết doanh nghiệp và địa phương…

Đặc biệt, hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua các hình thức chuyển giao, tư vấn và khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo. Cách đây 12 năm, với tinh thần tiên phong, nhà trường cũng là một trong những trường đại học đầu tiên của Việt Nam xây dựng và phát triển mô hình trung tâm Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo, nhằm hỗ trợ sinh viên và giảng viên của trường biến những kết quả nghiên cứu, ý tưởng kinh doanh sáng tạo triển khai ra thực tiễn, thông qua mô hình công ty khởi nghiệp.

Cho đến nay, đã có hàng chục công ty khởi nghiệp của sinh viên, cựu sinh viên và giảng viên của nhà trường được hình thành, phát triển thông qua hình thức này.

Thật ra, những gì trường đã và đang làm được chưa có gì là đột phá, bởi vì còn một số giới hạn nhất định về chính sách, điều kiện thực tiễn. Mỗi trường đại học đều có những thế mạnh và đặc thù riêng, tôi tin với sự quyết tâm của mình, các trường đều có thể tìm được lối đi riêng cho mình.

Phóng viên: Người học đã, đang và sẽ được hưởng lợi gì khi cơ sở giáo dục đại học triển khai hiệu quả chuyển giao công nghệ, thưa Phó Giáo sư?

Phó Giáo sư Mai Thanh Phong: Nhiệm vụ chính của một cơ sở giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với một trường đại học về kỹ thuật, công nghệ như Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Chỉ cần yếu một trong hai nhiệm vụ đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực do trường đào tạo ra. Chuyển giao công nghệ là một công đoạn trong chuỗi hoạt động khoa học và công nghệ của một cơ sở giáo dục đại học. Mắt xích này yếu hay mạnh, rõ ràng là sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến người học.

Một người học tại cơ sở giáo dục đại học, tùy theo bậc học mà liên quan nhiều hay ít đến hoạt động khoa học và công nghệ, nhưng tựu trung lại, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của cơ sở giáo dục đại học càng mạnh, thì người học sẽ càng được hưởng lợi.

Đó là tính thực tiễn và phong phú của bài học càng được nâng cao, đó là người học càng có thêm cơ hội cọ xát với thực tiễn, đó là các luận án ngày càng gần hơn với thực tiễn… tạo cơ hội cho người học sẵn sàng hơn với công việc thực tiễn ngay sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Phóng viên: Cuối cùng, xin thầy cho biết, nếu chỉ ra một điểm nghẽn khiến đại học Việt Nam khó cất cánh nhanh và hội nhập quốc tế thì theo thầy đó là vấn đề gì? Thầy có kiến nghị gì để giải quyết vướng mắc đó?

Phó Giáo sư Mai Thanh Phong: Rất khó để có thể chỉ ra một điểm nghẽn chí cốt khiến đại học Việt Nam có thể cất cánh nhanh, hội nhập quốc tế. Nhưng tôi tin rất nhiều người sẽ đồng tình với tôi rằng, nguồn nhân lực và khoa học – công nghệ là nền tảng của một quốc gia phát triển.

Để có nguồn nhân lực, nền khoa học – công nghệ tốt thì hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng phải tốt. Để có một hệ thống giáo dục đại học tốt, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, nhất định phải có sự đầu tư đúng mực, mang tính chiến lược dài hạn của nhà nước, cả về chính sách và tài chính.

Trân trọng cảm ơn 2 Phó Giáo sư.

Việt Dũng