Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, phía bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía tây giáp tỉnh Sơn La, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Vượt qua những khó khăn trên, trong lĩnh vực giáo dục mầm non, nhiều trường đã có sự khởi sắc, chuyển biến mạnh mẽ, ví như Trường Mầm non Đồng Ruộng (đạt chuẩn quốc gia năm 2020-2021), Trường Mầm non Đồng Nghê vừa được công nhận trường chuẩn quốc gia.
Để đạt được kết quả đó, không thể không nhắc đến cô Bùi Thị Bình (viên chức Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc), người đã mạnh dạn lựa chọn những trường mầm non khó khăn nhất của Đà Bắc, để tham mưu cho lãnh đạo và tham gia cùng nhà trường trong việc nâng chuẩn.
Cô Bùi Thị Bình trong những chuyến khảo sát các điểm trường để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh: NVCC) |
Cô Bùi Thị Bình chia sẻ, năm học 2021-2022, bản thân cô tham mưu cho lãnh đạo trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Trường Mầm non Đồng Nghê, nơi đây có 7 điểm trường, đi lại khó khăn, có điểm trường cách xa trường trung tâm 20 cây số.
Khi được tham mưu về ý định xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Đồng Nghê, lãnh đạo hỏi cô: "Khó khăn vậy, chị có làm được không?". Đáp lại, người phụ nữ nhỏ nhắn với ý chí mạnh mẽ đã khẳng định bản thân chị có thể làm được.
Video: Để đến được với các điểm trường mầm non ở Đà Bắc, cô Bình phải vượt qua rất nhiều quãng đường khó khăn. |
Nữ viên chức Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc cho hay, để công tác tự đánh giá được đúng chuẩn, cô phải căn cứ vào Thông tư 19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đây, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chọn Trường mầm non Đồng Nghê để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cô Bình đã tham mưu cho lãnh đạo bằng việc rà soát các tiêu chí cần đạt, tiêu chí nào thiếu phải xây dựng, bổ sung... các tiêu chí này được lãnh đạo Phòng ủng hộ.
"Lãnh đạo cũng đồng ý với quan điểm: thúc đẩy phát triển các trường vùng khó khăn để những trường ở vùng thuận lợi hơn có động lực cố gắng. Trường Mầm non Đồng Nghê - ở vùng khó khăn, nhưng nếu phấn đấu xây dựng để đạt được chuẩn, thì các trường khác cũng sẽ làm được", cô Bình chia sẻ.
Qua khảo sát thực tế tại các điểm trường, trước nhiều khó khăn, cô Bình chia sẻ với lãnh đạo nhà trường là cần có sự vào cuộc của đoàn thể xã, cùng bà con địa phương giúp đỡ.
Với sự hỗ trợ của người dân và chính quyền địa phương, các điểm trường của Trường Mầm non Đồng Nghê đã nhanh chóng đạt được các tiêu chí trường chuẩn quốc gia. (Ảnh: NVCC) |
"Ngay sau đó, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền và người dân địa phương trong việc hỗ trợ Trường Mầm non Đồng Nghê đạt chuẩn các tiêu chí.
Ví như điểm trường ở xóm nào sẽ giao cho chi bộ thôn xóm đó trong việc giúp đỡ nhà trường cải tạo khuôn viên trường. Về phía chính quyền xã, cũng rất năng nổ kêu gọi hỗ trợ cơ sở vật chất cho các điểm trường.
Sau khi làm xong những công việc trên, lãnh đạo nhà trường cùng lãnh đạo chính quyền địa phương đã đi nghiệm thu. Đây là điểm mới trong công tác xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn của Trường Mầm non Đồng Nghê khi có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương", cô Bình chia sẻ. Đồng thời, cô Bình cho hay, vừa qua, Trường Mầm non Đồng Nghê đã nhận được quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia.
Cải tạo những khuôn viên vui chơi của điểm trường mầm non trên địa bàn huyện Đà Bắc. (Ảnh: NVCC) |
Công tác trong ngành giáo dục gần 30 năm, cô Bùi Thị Bình từng trải qua nhiều vị trí quản lý cấp cơ sở như: Phó hiệu phó, Hiệu trưởng tại những trường mầm non vùng cao của Đà Bắc trước khi về làm công tác chuyên môn tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.
Cô Bùi Thị Bình chia sẻ, ở mỗi vị trí công tác đều có những khó khăn riêng, công tác lãnh đạo ở trường mang tính quy mô nhỏ hơn và được gần gũi giáo viên nhiều hơn. Khi về Phòng Giáo dục và Đào tạo, bản thân phải có khả năng bao quát lớn hơn và vất vả hơn, nhất là trong công tác tham mưu.
"Có những chuyến công tác, để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng các trường, tôi phải trăn trở và tìm ra hướng để tháo gỡ với toàn huyện", cô Bình chia sẻ.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, cô Bình cho hay, bản thân đang dự định triển khai giáo dục STEM ở một số cụm trường tại huyện Đà Bắc, tiến tới mở rộng mô hình này hơn trong ngành giáo dục huyện. Để làm quen với phương pháp dạy và học mới, cô cũng đề xuất lãnh đạo các bên liên quan tổ chức cho các giáo viên tham quan, khảo sát, dự giờ ở những trường giáp ranh với Đà Bắc, đã triển khai chương trình này.
"Trong năm 2023-2024, tôi dự kiến chọn một số trường làm điểm thực hiện giáo dục STEM", cô Bình chia sẻ.
Ngoài lĩnh vực chuyên môn, cô Bình còn nhiệt tình tham gia phong trào thiện nguyện của các nhà trường hoặc những dự án hỗ trợ vùng cao, để cải thiện chất lượng giáo dục mầm non tại đây. Cô cũng tham gia các đoàn tình nguyện để đến với học sinh vùng khó, vận động hỗ trợ cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn khi gặp thiên tai mưa lũ…
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc - thầy Quản Văn Giang cho hay, cô Bình có nhiều đóng góp cho bậc mầm non của huyện trong việc giúp các trường đạt các tiêu chí chuẩn quốc gia, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trên địa bàn.
"Bậc học mầm non của huyện Đà Bắc thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành nói chung, của cô Bình nói riêng, giáo dục mầm non của huyện đã khởi sắc, đứng trong tốp đầu của tỉnh.
Cô Bùi Thị Bình hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành và của huyện, vừa qua cô đã được Sở Giáo dục và Đào tạo trao tặng giấy khen cán bộ, giáo viên tiêu biểu của năm", thầy Quản Văn Giang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc cho biết.