Thời gian vừa qua, việc giáo viên một số trường trung học phổ thông lấy các bài viết, các bài hát đang “hot” trên mạng xã hội để đưa vào đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn cho học sinh là không ít.
Điều này, về hình thức thì được xem là “làn gió mới”, tạo sự gần gũi hơn trong cách ra đề kiểm tra, tạo hứng thú trong việc phân tích và cảm nhận về văn học, các loại hình nghệ thuật cho học sinh, đặc biệt là học sinh cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, xét về mặt nội dung, thì cần phải thận trọng và cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn và đưa những đề tài này vào trong đề thi, đề kiểm tra.
Câu chuyện gần đây nhất là của Trường Dân tộc nội trú - Trung học phổ thông Miền Tây, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái khi đưa bài viết “Huấn luyện viên Argentina hứa giữ chỗ cho Messi dự World Cup 2026” vào phần đọc hiểu của đề kiểm tra Ngữ văn cuối học kỳ 1 cho học sinh khối lớp 10.
Việc đưa một vấn đề liên quan đến lĩnh vực thể thao (đang rất được quan tâm) vào đề kiểm tra cuối kỳ cho học sinh đã tạo ra những dư luận trái chiều. Đây không phải là lần đầu một trường trung học phổ thông đưa một vấn đề xã hội đang "nóng", đang được quan tâm đặc biệt vào trong một đề kiểm tra Ngữ văn. Và tại sao đề kiểm tra ấy lại tạo ra những dư luận trái chiều như thế? Vấn đề này nghe thì đơn giản nhưng vô cùng phức tạp, cần lý giải ở nhiều góc độ khác nhau.
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Từ việc truyền cảm hứng, gợi mở cho học sinh…
Việc đưa những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, đặc biệt là các sự kiện, hiện tượng đang “hot” vào trong các đề thi, đề kiểm tra có nhiều mục đích: nhằm kiểm tra kiến thức xã hội của học sinh; là một trong nhiều ý tưởng sáng tạo của giáo viên để đổi mới ra đề thi, đề kiểm tra các môn thuộc khối ngành khoa học xã hội, đặc biệt là môn Ngữ văn.
Trước đó, một số trường trung học phổ thông cũng đã đưa những bài hát đang “hot” trên mạng xã hội vào trong các đề thi, đề kiểm tra của học sinh. Chẳng hạn, ngày 18/5/2021, Tổ Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh) đã ra đề thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2020 - 2021 môn Ngữ văn với phần đọc hiểu (chiếm 3.0 điểm) có nội dung liên quan đến bài hát “Đi về nhà” của rapper Đen Vâu. Hay đề kiểm tra môn Ngữ văn cuối học kỳ 1 (năm học 2020 - 2021) dành cho học sinh khối 11 của Trường Trung học phổ thông Trần Văn Ơn (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đã gây xôn xao dư luận vì đưa ra yêu cầu làm 4 câu hỏi nhỏ để xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích, tìm biện pháp tu từ trong một số câu hát cũng như trình bày suy nghĩ về thông điệp ca khúc “Đom Đóm” của ca sĩ Jack (chiếm 4.0 điểm trong tổng số điểm của đề kiểm tra).
Không thể phủ nhận hướng đề “mở” như trên đã nhận được ít nhiều hứng thú từ các em học sinh trung học phổ thông. Nó khiến các em không bị đóng khung bởi các đề tài trong những tác phẩm văn học đã quá quen thuộc trước đó, vốn chỉ có trong sách. Bên cạnh đó, những đề tài này cũng khơi gợi cảm hứng từ những điều các em đang say mê, thích thú hàng ngày như các bài hát yêu thích, các thần tượng âm nhạc mà lứa tuổi các em quan tâm. Đồng thời, kiểu đề này cũng khiến các em cảm thấy môn Ngữ văn (hoặc có thể cả những môn học khác) gần gũi với cuộc sống hơn.
Đến lợi bất cập hại…
Gợi mở và tạo ra cảm hứng học tập cho học sinh trong việc tiếp cận, cảm nhận về các bài hát, các bài viết trong xã hội hiện đại là việc tương đối phù hợp, là phương pháp mang tính sáng tạo của giáo viên các trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, đề kiểm tra, đánh giá cần những yêu cầu rất quy chuẩn về: Mức độ đánh giá; tính chuẩn xác, chính xác của ngữ liệu; có hàm lượng thông tin giáo dục; có thang điểm cụ thể và phải phù hợp với các kỹ năng, chương trình, nội dung các em đã học tập trên lớp.
Ca từ của ca sĩ, những bài viết mang tính chất cá nhân được “ồ ạt” đưa vào các đề kiểm tra, đánh giá của các trường trung học phổ thông dường như đang ngày càng bị lạm dụng, thiếu chọn lọc và không phù hợp. Bởi, mỗi học sinh có thị hiếu và sở thích khác nhau. Nếu lựa chọn những vấn đề không mang tính chất bao quát thì sẽ rất khó đánh giá đại đa số học sinh. Ví dụ, học sinh thích thể thao khi gặp những câu hỏi liên quan đến đề thể thao sẽ có lợi thế hơn. Ngược lại, những học sinh có sở thích về âm nhạc, khi gặp những vấn đề liên quan đến đề tài về âm nhạc thì đó sẽ là lợi thế.
Đành rằng, cách thức ra đề mở, mới mẻ, sáng tạo, bước ra khỏi những quy tắc cũ là một xu hướng tiếp cận đáng ghi nhận trong giáo dục. Tuy nhiên, không thể tùy tiện, điều quan trọng nằm ở cách chọn lọc những nội dung gì để ra đề.
Nhiều câu hát có phần lời sai ngữ pháp, thiếu tính nghệ thuật, cổ súy cho sự ủy mị, ướt át quá mức trong tình yêu nam nữ, những vấn đề quá mới mẻ của đời sống xã hội… có thể ảnh hưởng không tốt đến nhận thức, tư duy và thị hiếu thẩm mỹ của các em về lâu dài, thậm chí gây khó hiểu cho học sinh cả về nhận thức lẫn trình độ tiếp cận và tiếp nhận vấn đề. Bởi ở lứa tuổi từ 16 đến 18, các em học sinh chưa có sự từng trải, thiếu sự va chạm để có thể “thấu cảm” được hết những vấn đề phức tạp từ thực tiễn cuộc sống.
Thay lời kết
Nhà trường và giáo viên đưa những vấn đề “hot” của đời sống xã hội, những bài hát của các ca sĩ vào các đề kiểm tra, các đề thi nhằm: Đổi mới, sáng tạo trong cách kiểm tra, đánh giá, khuyến khích kiến thức xã hội của các em, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay.
Tuy nhiên, việc lựa chọn và kiểm duyệt các ca từ, các trích dẫn khi đưa vào đề thi cần phải hết sức cẩn thận và kỹ lưỡng. Bởi, học sinh trung học phổ thông đang ở độ tuổi nhạy cảm. Bên cạnh đó các em có những điểm rất khác nhau về sở thích và thị yếu thẩm mỹ. Chỉ cần một sự bất cẩn trong việc lựa chọn các đề tài trong đề thi, đề kiểm tra cũng sẽ tạo ra những dư luận trái chiều, những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng xã hội. Những điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của học sinh.
Ngược lại, ở góc độ tích cực, có những đề kiểm tra được đánh giá là hay, phù hợp với lứa tuổi và sự sáng tạo của các em lại đảm bảo yếu tố chuẩn mực, thì cần khuyến khích.
Nếu cẩn thận và lựa chọn những đề tài mới, những đề tài phù hợp lứa tuổi và có “gợi mở” thì sẽ kích thích các em trong việc sáng tạo, suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Từ đó làm cho các em thích thú hơn khi tiếp cận và học tập môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông.