Đổi mới cách ra đề Ngữ văn thế nào để tránh đoán đề, học tủ và văn mẫu?

18/07/2022 07:00
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ chừng ấy cách hỏi, và chừng ấy tác phẩm văn học thì không phải là vấn đề quá khó để người dạy, người học, người quan tâm đến giáo dục… đoán đề, tủ đề.

Hàng chục năm nay, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (trước đây) và kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (hiện nay), cũng như đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 không có nhiều đổi mới nên khiến cho những người trong cuộc cảm thấy mệt mỏi.

Bởi, số tiết học, khối lượng kiến thức môn Ngữ văn trong 2 kỳ thi này quá nhiều, ngay cả giáo viên Ngữ văn khi ôn thi cũng cảm thấy áp lực vì chỉ riêng phần làm văn thì giáo viên phải dạy, học sinh phải học đến vài chục tác phẩm văn học.

Tất nhiên, thơ phải thuộc, truyện phải nhớ được nội dung, tình huống truyện và những câu văn hay, đặc sắc để làm dẫn chứng trong quá trình làm bài. Vì thế, trước kỳ thi năm nào cũng dẫn đến tình trạng đoán đề, tủ đề và cả tin đồn lộ đề nên gần như năm nào Bộ cũng phải vào cuộc mà thực tế nhiều học sinh vẫn không làm được bài thi Ngữ văn.

Nên chăng, đã đến lúc ngành giáo dục cần có những thay đổi trong định hướng dạy và học Ngữ văn, cũng như cách thức ra đề thi trong các kỳ thi và trong kiểm tra định kỳ ở các trường phổ thông hiện nay.

Nên đổi mới cách ra đề thi môn Ngữ văn (Ảnh minh họa: Dương Hà)

Nên đổi mới cách ra đề thi môn Ngữ văn (Ảnh minh họa: Dương Hà)

Kiến thức môn Ngữ văn hiện nay đang quá nặng đối với các thí sinh

Trải qua nhiều lần giảm tải nội dung kiến thức môn học, đặc biệt là trong năm học 2021-2022 thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến việc dạy và học ở tất cả nhà trường nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH nhằm hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học 2021-2022.

Theo hướng dẫn của Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH, riêng môn Ngữ văn ở lớp 9 đã giảm tải rất nhiều tác phẩm văn học học chính khóa trước đây để chuyển sang tự học, tự đọc, tự học có hướng dẫn và phần giảm tải này tương ứng với 46 tiết dạy.

Vậy nhưng, chỉ riêng phần Văn học Việt Nam - phần trọng tâm ôn thi, học sinh lớp 9 phải học, phải ôn 18 tác phẩm, đoạn trích được kéo dài từ văn học trung đại (thế kỷ XVI) đến năm 1980.

Ngoài ra, còn một số tác phẩm nhật dụng, văn học nước ngoài cũng nằm trong chương trình học chính khóa và thi tuyển sinh 10. Đối với phần Tiếng Việt được trải dài trong 4 lớp, từ lớp 6 đến lớp 9 với rất nhiều đơn vị kiến thức khác nhau với rất nhiều khái niệm mà học sinh phải nhớ, phải thuộc thì mới làm bài tập ứng dụng được.

Đối với học sinh lớp 12 có khoảng 15 tác phẩm, đoạn trích là kiến thức trọng tâm ôn thi và tất nhiên cũng có rất nhiều những kiến thức Tiếng Việt đi kèm.

Điều này cũng đồng nghĩa, những năm trước đây - khi chưa giảm tải thì mỗi năm học sinh phải học thêm rất nhiều tác phẩm văn học và các đơn vị kiến thức Tiếng Việt và Tập làm văn khác nữa.

Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 hay thi tốt nghiệp trung học phổ thông cơ bản có 2 phần. Phần đọc hiểu (3-4 điểm) và phần làm văn (6-7 điểm). Trong đó, ngữ liệu của phần đọc hiểu thường được lấy ở ngoài sách giáo khoa, phần làm văn thường là cảm nhận, suy nghĩ, phân tích những tác phẩm, đoạn trích văn học trong chương trình chính khóa của sách giáo khoa Ngữ văn.

Đề thi luôn có phần điểm sáng tạo nhưng không nhiều, chỉ dao động từ 0,5 đến 1,0 điểm trong thang điểm 10 của bài văn (đáp án môn Văn năm nay mà Bộ công bố có 0,75 điểm sáng tạo).

Vì thế, về cơ bản khi chấm thi thì giám khảo phải chấm theo đáp án của người ra đề.

Nhiều khi, trong phần đọc hiểu và phần làm văn thì mệnh đề yêu cầu: “theo em; trình bày suy nghĩ của em (anh, chị)…” nhưng người chấm vẫn bám vào đáp án của người ra đề. Trong khi, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có tới trên 1 triệu thí sinh thi môn Ngữ văn thì cũng chừng ấy suy nghĩ khác nhau nhưng vẫn phải hướng vào đáp án mới có thể được điểm cao.

Chính vì thế, phần lớn giáo viên khi ôn thi vào có định hướng, phải luyện học sinh theo những lối mòn nhàm chán và tất nhiên văn mẫu vẫn phát huy tối đa. Tình trạng đoán đề, tủ đề cũng là phương án lựa chọn của nhiều thí sinh.

Bởi, chừng ấy tác phẩm văn học, chừng ấy kiến thức môn Ngữ văn thì những học sinh lớp 12 có mấy học sinh có khả năng nhớ, hiểu sâu sắc hết được vì bên cạnh môn Ngữ văn còn có môn Toán, môn Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học tự nhiên, hoặc Khoa học xã hội. Học sinh lớp 9 cũng còn môn Toán, môn Tiếng Anh, có tỉnh còn thi môn tổ hợp.

Chính vì thế, văn mẫu bây giờ tràn lan, những bài văn của học trò thường thiếu đi tính sáng tạo và không nhiều cảm xúc trong cảm thụ những cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học như trước đây.

Nên đổi mới việc ra đề thi môn Ngữ văn được không?

Việc trang Facebook Kaito Kid đoán trúng tác phẩm trong đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và 2 năm trước đó (năm 2021, 2020) khiến cho cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ đã nhận được kết quả xác minh nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 từ Bộ Công an. Theo đó, kết quả xác minh cho thấy hoàn toàn không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn.

Việc dự đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi chính thức của nhóm 3 sinh viên thuộc một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh - quản trị mạng trang Kaito Kid dựa trên sự phân tích của các cá nhân trong nhóm và kết quả bình chọn của cộng đồng mạng.

Song, từ sự việc này cũng đã đặt ra câu hỏi vì sao mà lại xảy ra tình trạng đoán đề và đoán trúng đến 3 năm liên tục? Bởi, với cách ra đề hiện nay thì những giáo viên, những người quan tâm đến các kỳ thi của Bộ, của Sở tổ chức đều có thể làm các phép tính toán, suy luận để loại trừ những tác phẩm đã ra, tác phẩm ít ra và tác phẩm nằm trong nhóm “có khả năng cao”.

Vì chỉ chừng ấy cách hỏi, và chừng ấy tác phẩm văn học thì không phải là vấn đề quá khó để người dạy, người học, người quan tâm đến giáo dục…đoán đề, tủ đề.

Muốn thay đổi cách dạy và học môn Ngữ văn hiện nay, cũng như cách ra đề thi trong kỳ thi tuyển sinh 10 hay thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước tiên phải giảm tải nội dung kiến thức của môn học này. Lớp 9 hiện nay quá nặng, mỗi tuần các em học sinh đang học 5 tiết Văn. Vì thế, những kiến thức không cần thiết thì giảm tải cho học trò.

Việc ra đề thi không nhất thiết cứ phải là tất cả các tác phẩm đã học ở lớp 9 và lớp 12 mà có thể là một tác phẩm văn học tương đương khác ngoài sách giáo khoa để tránh tình trạng văn mẫu và học tủ lâu nay. Bởi, mục tiêu của Bộ hiện nay là phát huy phẩm chất, năng lực của học trò nhưng đề thi chủ yếu là tái hiện kiến thức mà thôi.

Hoặc, có thể học thì chừng ấy tác phẩm nhưng cận kỳ thi nên giới hạn khoảng chừng 5 tác phẩm văn học là vừa. Việc giới hạn kiến thức sẽ giảm áp lực cho người học, người dạy và cũng là cách nâng cao chất lượng làm bài của học sinh.

Nếu vẫn học, vẫn thi, vẫn chấm Văn như hiện nay sẽ rất khó để đổi mới môn Ngữ văn trong các trường phổ thông.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN