GV nêu một số điểm chưa hợp lý trong SGK môn Ngữ văn 10 - Chân trời sáng tạo

24/12/2022 06:38
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài viết nêu một số khó khăn của giáo viên, học sinh khi dạy và học môn Ngữ văn 10, bộ Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Liên quan đến việc dạy và học chương trình môn Ngữ văn 10 (bộ Chân trời sáng tạo), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng phản ánh qua các bài viết: "Học sinh thắc mắc sách Ngữ văn 10 viết hoa tên các vị thần mỗi cuốn một kiểu"; "Giáo viên góp ý về sách Ngữ văn 10 - bộ Chân trời sáng tạo".

Bài viết dưới đây nêu một số khó khăn của giáo viên, học sinh trong quá trình dạy và học môn Ngữ văn 10 (tập 1), bộ Chân trời sáng tạo, Nguyễn Thành Thi - Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, những mong được các tác giả sách quan tâm tháo gỡ.

Sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Hương Ly)

Sách giáo khoa Ngữ văn 10 - Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Hương Ly)

Ngữ liệu minh họa có hợp lí?

Bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể (trang 23-26) được minh họa bằng ngữ liệu tham khảo: "Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện ngụ ngôn Chó sói và chiên con (La Phông-ten)".

Nhiều giáo viên thắc mắc, trước bài học này là bài thần thoại, vì sao tác giả sách lại minh họa bằng một bài viết khác thể loại (ngụ ngôn)?

Vậy nên, phần Thực hành viết theo quy trình (trang 26) yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể (thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích) thì đa số các em lựa chọn truyện ngụ ngôn vì nếu chọn các thể loại khác thì không có tài liệu tham khảo.

Chưa kể, học sinh chưa được học qua các thể loại như truyền thuyết, truyện cười, truyện cổ tích... thì làm sao các em có thể viết được bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện theo yêu cầu?

Bởi, về nội dung và nghệ thuật, các thể loại thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích đều có những đặc điểm khác nhau. Ví dụ nhân vật trong thần thoại thường là thần, có sức mạnh phi thường để thực hiện công việc sáng tạo thế giới và sáng tạo văn hóa.

Còn nhân vật trong truyện cổ tích thường gặp là: nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, có tính cách như con người).

Thiết kế nội dung bài học thiếu thống nhất

Bài 1 chia nói và nghe thành 2 bài khác nhau, cụ thể: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể (trang 29-32); Nghe và nhận xét, đánh giá nội dung, hình thức bài nói giới thiệu một truyện kể (trang 32-33).

Nhưng đến Bài 2 thì gộp phần nói và nghe vào chung một bài Thuyết trình một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ (trang 59-61)

Tương tự, Bài 3 cũng gộp phần nói và nghe vào chung một bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ (trang 78-79).

Tiếp theo, Bài 4 lại chia nói và nghe thành 2 bài khác nhau: Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu (trang 103-104); Nghe và nắm bắt nội dung trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu (trang 105-106).

Bài 5 gộp phần nói và nghe vào chung một bài Thảo luận nhóm về một vấn đề có ý kiến khác nhau (trang 146-148).

Bài tập tiếng Việt đặt ra yêu cầu như đánh đố

Bài tập 4 - Thực hành tiếng Việt (trang 50) gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh khi đặt ra yêu cầu như đánh đố.

Một số bài tập tiếng Việt trong sách giáo khoa gây khó khăn cho học sinh. (Ảnh: Hương Ly)

Một số bài tập tiếng Việt trong sách giáo khoa gây khó khăn cho học sinh. (Ảnh: Hương Ly)

Bài tập hỏi: Biện pháp so sánh được sử dụng trong các trường hợp sau có điểm gì khác nhau?

a. Cũng như người đi câu ngồi trên mỏm đá cao, từ đầu cần câu dài tung xuống biển cái sừng bò hoang đựng mồi cho cá nhỏ rồi quăng lên bờ những con cá câu được, còn giãy đành đạch; các bạn đồng hành của tôi bị lôi vào đá cũng giãy lên như vậy, và Xi-la ăn thịt họ ở cửa hang, trong khi họ đang kêu gào, hoảng hốt giơ tay về phía tôi cầu cứu. Đó chính là cảnh thương tâm nhất mà mắt tôi thấy được trong thời gian lênh đênh trên mặt biển tìm đường. (Trích Gặp Ka-ríp và Xi-la, sử thi Ô-đi-xê)

b. Nhà dài như một hơi chiêng, sàn hiên rộng như một hơi ngựa chạy. (Trích sử thi Đăm Săn)

c. Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước. (Trích sử thi Đăm Săn)

Sách giáo viên hướng dẫn trả lời như sau:

- So sánh trong đoạn (a) là lối "so sánh dài", được sử dụng nhiều trong sử thi của Ô-me-rơ. Trong cấu trúc của lối so sánh này, mỗi vế - hình ảnh dùng đề so sánh (người đi câu ngồi trên mỏm đá cao, từ đầu cần câu dài tung xuống biển cái sừng bò hoang đựng mồi cho cá nhỏ rồi quăng lên bờ những con cá câu được, còn giãy đành đạch) và cái được so sánh (các bạn đồng hành của tôi bị lôi vào đá cũng giãy lên như vậy, và Xi-la ăn thịt họ ở cửa hang, trong khi họ đang kêu gào, hoảng hốt giơ tay về phía tôi cầu cứu) - ý tưởng ở hai vế đều được phát triển dài ra để nói cho rõ ý người viết; các từ so sánh "như", "giống như"... phải phải bắt buộc đặt giữa hai vế.

- So sánh trong đoạn (b), (c) là "so sánh chuỗi",sử dụng từ 2 vế hình ảnh dùng để so sánh trở lên, kèm theo từ so sánh "như", rất hay gặp trong sử thi Tây Nguyên.

Đặc biệt, sự độc đáo của so sánh trong đoạn (b) là giữa cái được so sánh và cái dùng để so sánh khác loại rất xa: một bên là vật thể, trực quan được; một bên là âm thanh, cái vô hình, phi vật thể.

Trong công thức của phép so sánh A như B (như: từ so sánh; A: cái được so sánh, ví dụ "nhà"; t: thuộc tính so sánh, ví dụ "dài"; B cái dùng để so sánh, ví dụ "một hơi chiêng"). A và B càng khác loại thì càng mang lại bất ngờ thẩm mĩ. Nhà dài như một hơi chiêng là cách so sánh mà A và B khác xa nhau về "loại". (Trang 90)

Trong khi đó sách tham khảo hướng dẫn:

a. Câu sử dụng biện pháp so sánh: “Cũng như người đi câu ngồi trên mỏm đá cao, từ đầu cần câu dài tung xuống biển cái sừng bò hoang đựng mồi cho cá nhỏ rồi quăng lên bờ những con cá câu được, còn giãy đành đạch; các bạn đồng hành của tôi bị lôi vào đá cũng giãy lên như vậy”.

- Trong câu a, từ ngữ so sánh “như vậy” được đặt xuống cuối câu. So sánh cách những người bạn đồng hành của Ô-đi-xê bị quái thú lôi vào hang cũng giống như cách những con cá bị giật từ nước lên trên bờ. Từ đó, người đọc dễ dàng hình dung ra cảnh tượng thảm thương của họ.

b. Cả hai vế đều sử dụng biện pháp so sánh. Từ so sánh “như” được đặt giữa hai vế (vế so sánh và vế được so sánh) nhằm mô tả độ rộng về kích thước nhà và sàn hiên của ngôi nhà dài người Ể-đê.

c. Vế được so sánh xuất hiện nhiều hơn vế so sánh. Từ ngữ so sánh “như” xuất hiện ba lần nhằm nhấn mạnh kết quả mà Đăm Săn nhận được khi chiến thắng tù trưởng Mtao Mxây.

Có thể nhận thấy, cùng một dạng bài tập nhưng sách giáo viên, sách tham khảo đưa ra cách giải khác nhau làm cho học sinh rất khó hiểu.

Thực ra, sách giáo khoa đưa ra các câu hỏi như thế này chỉ làm phức tạp hóa vấn đề. Có thể thiết kế kiểu câu hỏi nhẹ nhàng, giúp học sinh dễ hiểu bài như: chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong các câu...

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của giáo viên được tác giả Hương Ly ghi lại. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Hương Ly