Năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội tăng lệ phí thi ĐGNL lên 500.000 đồng/thí sinh

02/01/2023 13:40
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội áp dụng mức lệ phí mới cho kỳ thi đánh giá năng lực là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi.

Đến thời điểm hiện tại, một số trường đại học đã công bố chi tiết kế hoạch tổ chức thi, địa điểm thi dự kiến và một số thay đổi của các kỳ thi riêng trong năm 2023.

Không có thay đổi về cấu trúc bài thi

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi đánh giá năng lực (còn gọi tắt là HSA) được thiết kế có tính toàn diện, ổn định, phân loại. Do đó, sẽ không có bất kỳ thay đổi gì về dạng thức, cấu trúc đề thi HSA trong những năm qua và thời gian tới.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội căn cứ theo quy mô của kỳ thi và đưa ra quy định giới hạn thí sinh chỉ đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. Theo ông Thảo:

“Việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tiễn năm 2022 với hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được thi đánh giá năng lực.

Quy chế thi đánh giá năng lực quy định thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy toàn bộ kết quả đăng ký dự thi, kết quả đã thi hoặc hồ sơ đăng ký các ca chưa thi. Ngoài ra, đơn vị tổ chức thi sẽ thông báo cho các bên liên quan biết mức độ vi phạm của thí sinh”.

Theo ông Thảo, năm 2023, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên cả nước và thực hiện nhiệm vụ tổ chức kỳ thi độc lập, Trung tâm Khảo thí đã trình Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt Đề án thi đánh giá năng lực năm 2023 với mức lệ phí là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi theo nguyên tắc chi phí tính đúng, tính đủ lấy thu bù chi. Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ còn hỗ trợ phần nhỏ trong chi phí tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023.

Trước đó, năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao cho Trung tâm Khảo thí xây dựng định mức lệ phí được xác định trên nguyên tắc tính đúng, đủ chi phí tổ chức thi trên quy mô lớn và phải thuê khoán hạ tầng, nhân lực (cán bộ coi thi, thanh tra, giám sát, bảo an, y tế…) tại nhiều trường đại học trong cả nước; bổ sung thêm khoảng 25% câu hỏi mới vào ngân hàng đề thi mỗi năm.

Do đó, mức lệ phí đăng ký dự thi và thi đánh giá năng lực năm 2022 xây dựng trên nguyên tắc tính đủ chi phí dao động từ 586.000 đến 625.000 đồng/thí sinh/lượt thi. Với trách nhiệm xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hỗ trợ 50% lệ phí cho tất cả các thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 dự kiến phục vụ trên 70.000 thí sinh

Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ có thêm hai địa điểm thi mới, nâng tổng số địa điểm thi lên 17 (từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An... ). Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000-20.000 thí sinh/đợt thi. Kỳ thi hướng tới phục vụ trên 70.000 thí sinh năm 2023.

Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực năm 2023, bắt đầu từ ngày 10/3 đến hết 4/6.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Thí sinh đăng ký thi từ ngày 6/2/2023 cho các đợt thi tháng 3-4/2023, đăng ký từ ngày 18/3/2023 cho các đợt thi tháng 5-6/2023. Ca thi chỉ đóng khi hết chỗ đã đăng ký hoặc tối thiểu trước 14 ngày thi chính thức để thực hiện quy trình thi. Các thông tin dự thi, giấy báo dự thi đều được gửi qua email cho thí sinh trước 7 ngày thi hoặc tra cứu tại http://khaothi.vnu.edu.vn.

Các ngày thi chủ yếu rơi vào cuối tuần để thuận tiện cho các thí sinh di chuyển.

Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực không có gì thay đổi về các bước đăng ký dự thi so với năm 2022, tuy nhiên ông Thảo lưu ý thí sinh điền chính xác địa chỉ nhận thư và cân nhắc kỹ trước khi nộp lệ phí thi.

“Năm 2022 vừa qua, bưu điện hoàn trả lại một số Phiếu báo điểm thi của thí sinh khai báo không đúng địa chỉ nhận thư. Bưu tá cũng không thể liên lạc được qua số điện thoại của thí sinh để phát Phiếu báo điểm”, ông Thảo thông tin về một số trường hợp thí sinh ghi sai thông tin địa chỉ trong năm vừa rồi.

Năm 2022 có trên 60 cơ sở đào tạo đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Nhiều trường đại học phản hồi đánh giá cao nguồn tuyển thí sinh dùng bài thi đánh giá năng lực.

Dự kiến, bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội kể từ năm nay sẽ có thêm các trường ở phía Nam dùng làm cơ sở để xét tuyển.

"Chúng tôi đã nghiên cứu công cụ chuyển đổi điểm đánh giá năng lực giữa hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, có thể nhiều trường phía Nam sẽ dùng kết quả đánh giá năng lực để xét tuyển", ông Thảo cho biết.

Vài năm trở lại đây, bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, nhiều đơn vị đã tổ chức thêm bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào như: Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khối các trường Đại học Công an,...

Bắc Sơn