Bài viết “Nếu tôi là tổ trưởng chuyên môn Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can” của tác giả Minh Anh đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu hút rất nhiều bạn đọc, đặc biệt là giáo viên trên cả nước.
Tác giả Minh Anh trong bài “Nếu tôi là tổ trưởng chuyên môn Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can” đã viết:
“Nếu tôi là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hoặc thư kí hội đồng trong trường hợp này, bằng sự hiểu biết và nhận thức pháp luật của bản thân, tôi sẽ yêu cầu Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can xin lỗi và hủy quyết định miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó và thư ký hội đồng.
Cũng có thể tôi sẽ khởi kiện ông Nguyễn Tấn Sĩ ra tòa án dân sự để lấy lại danh dự cho bản thân…”.[1]
Sau khi đọc bài “Nếu tôi là tổ trưởng chuyên môn Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can”, thầy giáo Nguyễn Khắc Cường chia sẻ:
“Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được hiệu trưởng bổ nhiệm, theo khoản 1 Điều 14 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường trung học phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã nêu rất rõ ràng, dễ hiểu, chắc chắn không ai trong số 9 người bị hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can miễn nhiệm mà không đưa ra lý do chính đáng, lại không biết quy định của pháp luật liên quan đến việc bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó.
Thế tại sao họ không có động thái phản đối, tự bảo vệ danh dự cho mình, phải phản ánh đến báo chí và chờ cơ quan chức năng vào cuộc?
Câu chuyện tại Trường trung học phổ thông Lương Văn Can, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên cả nước. Ảnh minh họa: P.L |
Theo tôi, có hai lý do khiến những người bị miễn nhiệm chức vụ không đúng quy trình, nhưng không kiện tụng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Thứ nhất, chính bản thân 9 người bị miễn nhiệm chức vụ tổ trưởng, tổ phó, thư kí hội đồng, cũng không tha thiết với chức vụ của họ đang làm, nhiều khi “được” miễn nhiệm lại trúng ý muốn của họ.
Thứ hai, 9 người bị miễn nhiệm chức vụ tổ trưởng, tổ phó đó có cùng có điểm chung: rất ngại với chuyện kiện tụng, dù biết mình đúng”.
Tại sao giáo viên rất ngại với chuyện kiện tụng, tố cáo
Vậy tại sao giáo viên rất ngại với chuyện kiện tụng, tố cáo tiêu cực, có phải do giáo viên thiếu hiểu biết về pháp luật?
Thầy giáo Nguyễn Đình Hải chia sẻ: “Mình đi dạy sắp về hưu rồi, đã chứng kiến những vụ giáo viên viết đơn thư tố cáo sai phạm của hiệu trưởng, trong đó vừa chống tiêu cực vừa có nội dung bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình;
Thật đúng với câu “chưa được vạ má đã sưng”, trong số đó, có giáo viên tố cáo đúng, nhưng cả vợ chồng đều phải xin nghỉ việc sau khi kiện tụng, tố cáo.
Khi giáo viên viết đơn kiện tụng, tố cáo, dù họ đúng, nhưng thường phải chuyển trường, vì để … bảo vệ “đoàn kết nội bộ”.
Những giáo viên đã từng viết đơn kiện tụng, tố cáo, khi chuyển đến trường mới, thường bị lãnh đạo trường mới răn đe, chủ động “cô lập”, rất ít giáo viên dám nói chuyện thân mật với họ.
Những giáo viên thân mật với người đã từng viết đơn kiện tụng khi chuyển đến trường mới, thường bị lãnh đạo xếp vào đối tượng “chống đối”, bị xét nét, để ý từng ly từng tý.
Chính những “tấm gương” đó đã gieo rắc cho giáo viên tâm lý “một sự nhịn chín sự lành”, vì thế, giáo viên thường rất ít khi kiện tụng, tố cáo tiêu cực, cho dù quyền lợi mình bị xâm hại, danh dự mình bị hiệu trưởng bôi nhọ.
Những giáo viên dám viết đơn gửi lên cấp trên để tố cáo hiệu trưởng, hay bảo vệ quyền lợi của mình rất ít, thường đã bị dồn vào góc tường, không lối thoát. Vì thế, hiệu trưởng thường lấn tới, thích là làm, coi trời không bằng cái vung.
Giáo viên nghỉ việc trong thời gian qua, ngoài lương không đủ sống, không ít giáo viên nghỉ việc do sự chuyên quyền, độc đoán của hiệu trưởng, môi trường làm việc thiếu dân chủ.
Khi đã viết đơn gửi lên cấp trên để bảo vệ quyền lợi của mình, thường giáo viên đã trong tâm thế sẵn sàng nghỉ việc, chuyển việc.
Ai chưa dám nghỉ việc, bỏ việc, chuyển việc, chuyển trường, thường phải cúi đầu khuất phục, công nhận hiệu trưởng luôn luôn đúng”.
Số phận của giáo viên “kiện tụng”, chống tiêu cực, được dư luận phản ánh như thế nào
Có thể nói, số phận của giáo viên “kiện tụng”, tố cáo, chống tiêu cực, được dư luận phản ánh thường là những câu chuyện buồn.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là địa chỉ tin cậy của giáo viên, đã phản ánh không ít “bức tranh” chống tiêu cực của giáo viên.
Những bài viết “Giáo viên chống tiêu cực thường cô độc”, “Thầy Nguyễn Nguyên hỏi câu rất buồn, sao giáo viên chống tiêu cực cô đơn thế?”;
“Người tố cáo ở Trường Phạm Hồng Thái mòn mỏi chờ công lý”, “Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực” … đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của thầy cô giáo.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí khác phản ánh không ít kết cục buồn của thầy cô giáo đã dũng cảm đứng lên, tố cáo, chống tiêu cực.
Vì thế, giáo viên thường “mũ ni che tai”, không thấy, không nghe, không biết, những tiêu cực, những hành vi sai trái của hiệu trưởng nói riêng, lãnh đạo nói chung.
Tâm lý “an phận”, “nhịn cho nó lành”, “thổi lửa cháy mồm”, “ai sao mình vậy” … đã triệt tiêu hoàn toàn đấu tranh, phản biện, trong trường học đã và đang phát triển là điều dễ hiểu.
Đôi điều kiến nghị
Báo thanhtra.com.vn viết “Ai bảo vệ cô giáo đấu tranh chống tiêu cực?” [2] là câu hỏi không của riêng ai.
Quay lại vụ việc Trường Trung học phổ thông Lương Văn Can (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh), lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị nhà trường thu hồi lại quyết định bổ nhiệm 9 nhân sự mới ký hôm 10/1/2023 [3], chứ không có nội dung hình thức kỉ luật với hiệu trưởng ra quyết định sai trái.
Tại sao hiệu trưởng ra quyết định sai trái nhưng không phải chịu hình thức xử lý kỉ luật nào?
Để nhà trường thực sự dân chủ, kỉ cương, tình thương, trách nhiệm, người viết đề nghị phải xử lý thật nghiêm minh những hiệu trưởng vi phạm pháp luật.
Còn xử lý kiểu “mát mặt” với người bị kỉ luật, “rát mặt” với người tố cáo, thì giáo viên sẽ không thấy, không biết tiêu cực trong trường học, dân chủ trong trường học chỉ nằm trên giấy.
Trường học có hạnh phúc hay không phải bắt đầu từ hiệu trưởng, hiệu trưởng như “vua con”, hạnh phúc chỉ nằm trên giấy.
Trường học không hạnh phúc, lớp học không hạnh phúc, thầy cô không hạnh phúc, học sinh sao có hạnh phúc khi đến trường?
Vì thế, để xây dựng trường học hạnh phúc, phải kỉ luật nghiêm minh hiệu trưởng vi phạm pháp luật, bảo vệ, khen thưởng giáo viên dũng cảm chống tiêu cực.
Hàng năm, bỏ phiếu kín lấy phiếu tín nhiệm khả năng xây dựng trường học hạnh phúc của hiệu trưởng. Sau khi bỏ phiếu tín nhiệm khả năng xây dựng trường học hạnh phúc của hiệu trưởng cần kiểm phiếu công khai, minh bạch kết quả.
Nếu số phiếu tín nhiệm dưới 75%, không tái bổ nhiệm. Làm được như thế, chắc chắn những “ông vua con” nơi trường học sẽ biến mất, trường học mới thực sự dân chủ, hạnh phúc.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/neu-toi-la-to-truong-chuyen-mon-truong-trung-hoc-pho-thong-luong-van-can-post232703.gd
[2] https://thanhtra.com.vn/khieu-nai-to-cao/ai-bao-ve-co-giao-dau-tranh-chong-tieu-cuc-192739.html
[3] https://giaoduc.net.vn/hieu-truong-thpt-luong-van-can-len-tieng-xin-loi-giao-vien-lien-quan-noi-gi-post232808.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.