Sáng ngày 09/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân Thành phố để giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội với Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Ảnh: Thế Đại |
Chương trình có sự tham dự của bà Phạm Thị Thanh Mai – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội của Thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội; cùng các thành viên đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo các Cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo một số sở ngành của Thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Thanh Mai cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: qua các đợt giám sát chuyên đề đang triển khai trên toàn quốc, 63 đoàn Đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố phải đánh giá được thực trạng và những kết quả bước đầu đã thực hiện trong Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết số 51/2017.
Bên cạnh đó, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, những điểm không khả thi liên quan đến hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn triển khai. Từ đó có yêu cầu đề nghị sửa đổi quy định nào, về lộ trình thực hiện như thế đã phù hợp với các điều kiện được đảm bảo và sẽ được đảm bảo.
Bà Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thế Đại |
Trưởng đoàn giám sát mong muốn nhận được những ý kiến trao đổi thẳng thắn, các kiến nghị, đề xuất từ các cơ quan đơn vị cũng như của các nhà trường, thầy cô giáo qua buổi làm việc này.
Nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ
Ông Nguyễn Tuấn Thịnh - Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có báo cáo bước đầu về kết quả giám sát. Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng liên quan đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; việc triển khai chương trình, sách giáo khoa,... Tuy nhiên, đi cùng với những thuận lợi thì còn một số khó khăn nhất định.
Ông Nguyễn Tuấn Thịnh - Đại biểu Quốc hội chuyên trách báo cáo bước đầu về kết quả giám sát. Ảnh: Thế Đại |
Cụ thể, khó khăn về cơ sở vật chất như: điều kiện đảm bảo là học sinh tiểu học không quá 35 học sinh/lớp và học sinh trung học không quá 45 học sinh/lớp. Lớp học cũng phải đảm bảo điều kiện theo quy chuẩn mới của Bộ. Nhiều khu đô thị không có trường học nên nhiều trường chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh; diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Một số trường học, sĩ số học sinh lớp còn cao; một số cơ sở giáo dục tại các huyện ngoại thành nguồn lực tài chính còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học phòng học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay quy định; một số nơi chậm thủ tục đấu thầu mua sắm trang thiết bị dạy học.
Khó khăn, bất cập về đội ngũ: giáo viên dạy riêng thành phân môn sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí vì kiến thức có sự đan cài khá chặt chẽ, nhưng để cho 01 giáo viên dạy cùng lúc cả ba phân môn hiệu quả sẽ không cao.
Hiện còn một số trường tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình thấp, chưa đạt được tỷ lệ giáo viên/lớp đảm bảo để tổ chức thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường thiếu giáo viên các môn chuyên biệt.
Khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy; khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại còn hạn chế ở một số cán bộ quản lý, giáo viên; tình trạng đội ngũ giáo viên sẽ thừa thiếu cục bộ, một số giáo viên đơn môn chắc chắn sẽ thừa, trong khi giáo viên môn nghệ thuật sẽ thiếu trầm trọng. Việc đưa môn Nghệ thuật vào chương trình cấp trung học phổ thông cũng đòi hỏi bổ sung giáo viên.
Khó khăn về công tác xã hội hoá giáo dục: Một số xã, phường, cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể và cha mẹ học sinh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em mình; chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục; một số lực lượng xã hội quan niệm cho rằng nội dung chính của công tác xã hội hoá giáo dục là huy động kinh phí, dẫn đến việc đầu tư cho giáo dục chưa đúng mức...
Cần phân tích ưu thế, khó khăn của Hà Nội - một thành phố đông dân
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã gợi ra một số nội dung chuyên sâu khi giám sát.
Theo Bộ trưởng, hoạt động giám sát của Quốc hội về việc việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là cơ hội để các đại biểu quốc, cử tri cả nước, Nhân dân hiểu sâu thêm về những gì ngành giáo dục đang làm.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn lắng nghe những chia sẻ của Thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Thế Đại |
Giáo dục Thủ đô với đặc thù là một địa phương có số lượng học sinh đông, Đoàn giám sát rất mong muốn lắng nghe những việc mà giáo dục Thủ đô đã thực hiện được cùng với những vướng mắc khó khăn trong thời gian qua, đặc biệt cần đi thẳng vào các nội dung, các vấn đề mà Nghị quyết 88 đã đề cập.
Bên cạnh đó, cần nêu lên những việc đã làm được, đã làm tốt, những điều tâm đắc và cả những vướng mắc cùng các kiến nghị trong thời gian tới.
“Cần phân tích thêm, có đánh giá về tình hình nhận thức, tư tưởng của cán bộ quản lý, giáo viên có liên quan đến việc triển khai chủ trương lớn của Đảng, của Quốc hội về đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về phía thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương nào được thể hiện bằng các Nghị quyết hay đề án riêng để chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Bộ trưởng cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ kỹ về quá trình thực hiện, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố trong việc lựa chọn sách giáo khoa cho các trường học; việc triển khai tập huấn giáo viên. Đồng thời, trao đổi về quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với những điểm nổi bật, tâm đắc, đã làm được trong khi các địa phương khác chưa thể thực hiện.
Về những khó khăn còn tồn tại hay các ưu thế mà Hà Nội có, nên tập trung phân tích với những đặc thù riêng của Thủ đô như tính chất là một đô thị đông dân, chịu sức ép lớn, gặp khó khăn trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức lớp học, những chuẩn theo yêu cầu đặt ra.