Lồng ghép giáo dục STEM vào môn học giúp HS ở Hải Phòng phát triển nhiều kỹ năng

20/02/2023 06:41
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiếp cận STEM - Robotics sớm giúp HS tiểu học phát triển năng lực, kỹ năng đồng thời tạo nền tảng cực kỳ quan trọng cho tương lai.

Gắn khoa học và công nghệ với giáo dục

Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, theo dự báo từ chuyên gia đến năm 2030, robot sẽ thay thế 1/3 công việc của con người. (1)

Ngày nay robot và trí tuệ nhân tạo AI đã hiện diện và trở nên gần gũi với tất cả chúng ta như cụm từ ChatGPT được nhắc đến rất nhiều trong vài tháng qua. Robot đã và đang thay thế rất nhiều công việc mà trước đây chỉ có con người mới có thể làm được với năng suất và hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Mô hình giáo dục STEM - Robotics được đưa vào trường tiểu học. (Ảnh: Phạm Linh)

Mô hình giáo dục STEM - Robotics được đưa vào trường tiểu học. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh chế tạo tạo thuyền nan bằng vật dụng đất nặn, tăm, giấy màu trong giờ học. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh chế tạo tạo thuyền nan bằng vật dụng đất nặn, tăm, giấy màu trong giờ học. (Ảnh: Phạm Linh)

Theo thầy Phạm Việt Dũng – chuyên gia lập trình và lắp ráp robot – huấn luyện viên Lego Education, giảng viên Trường Đại học Hàng Hải minh chứng cho sự ảnh hưởng của robot đối với xã hội, Google đã thử nghiệm tuyển dụng vị trí lập trình viên cấp độ 3 với mức lương 183 nghìn USD/năm với chatGPT và nhận thấy nó hoàn toàn có thể đáp ứng được.

“Trong tương lai, con em chúng ta sẽ sống và làm việc chung với robot, vì vậy việc hiểu biết về Robotics là rất quan trọng.

Hoa Kỳ đã có một chương trình quốc gia về STEM - Robotics mà cựu tổng thống Barack Obama là người cổ vũ nhiệt thành cho chương trình này.

Khi học về STEM - Robotics ngoài những kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học, học sinh sẽ được tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của robot, từ đó hiểu được cách giao tiếp và làm việc với robot thông qua việc lập trình (giống như học tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài).

Học sinh cũng biết cách giải quyết vấn đề sáng tạo và thông minh, dạy, điều khiển robot hoạt động tự động bằng các mô hình thuật toán do mình sáng tạo ra thay vì phải trực tiếp làm việc dù có sự hỗ trợ của robot. Ví dụ như sáng tạo mô hình ngôn ngữ dựa trên dữ liệu lớn để chatGPT hoạt động.

Sự thành công của thời đại công nghệ hiện nay có một phần lí do là bởi các chương trình STEM đã được đưa vào giáo dục đại trà ở các nước phương tây từ rất sớm.

Năm 1998 Lego đã tạo ra phiên bản Mindstorm robot kit đầu tiên và đưa chương trình giáo dục STEM vào nhà trường.

Học sinh Việt Nam tuy tiếp cận muộn hơn nhưng có lợi thế là được tiếp cận bộ công cụ phiên bản mới nhất với đầy đủ giáo trình học liệu xuyên suốt từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông.

Như vậy, việc học sinh ở cấp bậc tiểu học được tiếp cận với phương pháp học STEM là một điều rất may mắn. Các em sẽ được xây dựng và phát triển các kỹ năng của mình không chỉ tốt cho hiện tại mà đó còn là nền tảng cực kỳ quan trọng cho sự phát triển tương lai của các em”.

Học sinh ứng dụng STEM - Robotics trong mô hình "phòng chống cháy rừng" .(Ảnh: Phạm Linh)
Học sinh ứng dụng STEM - Robotics trong mô hình "phòng chống cháy rừng" .(Ảnh: Phạm Linh)
Sản phẩm STEM của học sinh Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, Hải Phòng. (Ảnh: Phạm Linh)

Sản phẩm STEM của học sinh Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, Hải Phòng. (Ảnh: Phạm Linh)

Kết quả 1 năm triển khai dạy học STEM

Không đứng ngoài xu thế phát triển của xã hội, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) đã quan tâm đến việc giảng dạy STEM – Robotics, dạy lồng ghép tích hợp liên môn, dạy theo chủ đề, tổ chức câu lạc bộ sở thích STEM; tổ chức hội thi sản phẩm sáng tạo STEM, tham gia các cuộc thi sáng tạo robot

Trước đó vào tháng 10/2022, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cũng là một trong những trường nhận được phòng học STEM Robot Lego Education do các công ty về đồ chơi công nghệ giáo dục trao tặng.

Phòng học Robot Lego education đã tạo điều kiện cho học sinh nhà trường được học tập cùng những chú robot. Từ đó, học sinh sẽ được phát triển toàn diện về tư duy, sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng làm việc nhóm.

Nhằm đánh giá hoạt động dạy học STEM trong nhà trường sau gần 1 năm triển khai, ngày 17/2, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự đã tổ chức ngày hội STEM: “Khởi nguồn sáng tạo”.

Ngày hội STEM của Trường Tiểu học Ngô Gia Tự. (Ảnh: Phạm Linh)

Ngày hội STEM của Trường Tiểu học Ngô Gia Tự. (Ảnh: Phạm Linh)

Bên cạnh công tác đánh giá, đây là một sân chơi giúp các em phát triển tư duy sáng tạo, trau dồi kỹ năng quan sát, tập trung.

Đồng thời, phát huy trí tưởng tượng, năng lực công nghệ, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, nhất là phát triển năng lực, phẩm chất của công dân thế kỷ 21.

Ngày hội được tổ chức gồm 2 phần: hội thảo “Dạy học STEM trong nhà trường” và giao lưu “STEM – Khởi nguồn sáng tạo”.

Trong phần 1, cô giáo Nguyễn Minh Phượng cùng học sinh lớp 5A6 thực hiện tiết dạy STEM “Hội đua thuyền”.

Cô giáo Nguyễn Minh Phượng cùng học sinh lớp 5A6 thực hiện tiết dạy STEM “Hội đua thuyền”. (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Nguyễn Minh Phượng cùng học sinh lớp 5A6 thực hiện tiết dạy STEM “Hội đua thuyền”. (Ảnh: Phạm Linh)

Theo cô giáo Minh Phượng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng phát triển học sinh thành con người toàn diện.

"Tại Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, việc lồng ghép giáo dục STEM vào môn học luôn được chú trọng, bản thân tôi đã tìm hiểu về phương pháp giáo dục này từ cách đây 3 năm.

Sau khi ứng dụng giảng dạy được 2 năm, tôi thấy rằng môn học này giúp phát triển kỹ năng tìm tòi khám phá khoa học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện, kỹ năng tự tìm tòi sáng tạo cho học sinh

Bên cạnh đó, học sinh cũng được hình thành các phẩm chất như yêu khoa học, tinh thần đồng đội, đoàn kết, chia sẻ.

Xuất phát từ ý nghĩa đó tôi luôn nghiên cứu kĩ tiết học, tìm hiểu các thông tin có liên quan cũng như trau dồi sự hiểu biết về lứa tuổi học sinh để xây dựng kế hoạch dạy học hợp lý, mang lại hiệu quả tốt nhất cho tiết học.

Mỗi tiết học, học sinh và giáo viên cùng nhau chuẩn bị đồ dùng cần thiết. Học sinh cũng đóng vai trò chủ động trong tiết học như chủ động tìm hiểu, chế tạo sản phẩm và thuyết trình giới thiệu với các bạn” cô giáo Minh Phượng chia sẻ.

Học sinh thuyết trình sản phẩm của nhóm. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh thuyết trình sản phẩm của nhóm. (Ảnh: Phạm Linh)

Trong tiết dạy của cô giáo Minh Phượng, học sinh tự chuẩn bị đất nặn, tăm, giấy màu,…để hoàn thành chiếc thuyền nan. Học sinh cũng trực tiếp thí nghiệm thả thuyền nan vào trong nước để từ đó tìm hiểu những kiến thức vật lý.

Còn trong phần 2, bốn đội thi ở khối 2, khối 4 lọt vào vòng chung kết sẽ tham gia thi STEM - Robotics “Đá bóng”.

Học sinh tham gia thi STEM - Robotics "Đá bóng". (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh tham gia thi STEM - Robotics "Đá bóng". (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh nhiệt tình cổ vũ cho đội thi của lớp. (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh nhiệt tình cổ vũ cho đội thi của lớp. (Ảnh: Phạm Linh)

Cuộc thi đã mang lại không khí sôi động cho ngày hội, học sinh nhà trường đều tập trung theo dõi các hiệp đấu và cổ vũ nhiệt tình cho đội của lớp mình.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://special.vietnamplus.vn/2018/01/24/tri_tue_nhan_tao/

Phạm Linh