Những ngày qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải một số bài viết đề cập đến chủ đề hiệu trưởng, hiệu phó có nên thao giảng, dạy mẫu và có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Theo nhiều ý kiến, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường không cần thiết phải đứng ra thao giảng hay dạy mẫu cho giáo viên trong đơn vị mình dự giờ mà công việc này để các tổ chuyên môn đảm nhận là phù hợp hơn cả.
Nếu tìm hiểu kĩ về những công việc mà hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện nay đang đảm nhận, mọi người sẽ có cái nhìn chia sẻ về những nhiệm vụ mà họ đang phải đối mặt hàng ngày, nhất là khi ngành giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giáo viên thao giảng, hiệu quả thường cao hơn lãnh đạo nhà trường (Ảnh minh họa: moet.gov.vn) |
Thao giảng trong trường hiện nay đang được thực hiện như thế nào?
Đầu năm học, phó hiệu trưởng chuyên môn sẽ lên kế hoạch chuyên đề cho nhà trường và thông thường mỗi năm nhà trường sẽ thao giảng 2 tiết chuyên đề. Các tổ chuyên môn cũng có kế hoạch chuyên đề riêng và cũng sẽ đảm nhận thực hiện 2 chuyên đề.
Mỗi năm thực hiện 2 tiết thao giảng cấp trường nên thường chia ra mỗi học kỳ 1 tiết và thường được xây dựng cẩn thận. Có thể phó hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn phối hợp xây dựng kế hoạch, sau đó họp tổ chuyên môn xây dựng tiết thao giảng và phân công giáo viên thực hiện tiết dạy.
Người chủ trì sinh hoạt rút kinh nghiệm là phó hiệu trưởng chuyên môn và các thành viên tham dự tiết thao giảng cấp trường.
Đối với các tổ chuyên môn nếu không phải thao giảng cấp trường hay thao giảng hội đồng bộ môn (cấp huyện, cấp tỉnh) thì chỉ thực hiện theo tổ chuyên môn và phạm vi là những thành viên trong tổ của mình.
Như vậy, mỗi tổ chuyên môn mỗi năm sẽ thực hiện 2 tiết thao giảng chuyên đề và điều này được xem là bắt buộc trong mỗi năm học. Nếu được nhà trường hay bộ môn phân công thực hiện thao giảng chuyên đề thì mỗi năm tổ chuyên môn cũng kết hợp trong phạm vi 2 chuyên đề mà thôi.
Việc thao giảng chuyên đề cấp nào tổ chức thì cũng sẽ có 2 người vất vả nhất là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên thực hiện tiết thao giảng. Những thành viên khác về cơ bản chỉ góp ý xây dựng hoặc rút kinh nghiệm sau tiết dạy.
Đối với những tiết thao giảng cấp trường, trên danh nghĩa là cấp trường nhưng hiệu trưởng, hiệu phó cũng tùy vào thời điểm, công việc mà tham gia đến mức độ nào. Có khi phó hiệu trưởng chuyên môn cũng xây dựng ý tưởng triển khai nhưng cũng có khi sẽ giao hết cho tổ chuyên môn thực hiện.
Thực ra, những tiết thao giảng hiện nay nặng nhất là thao giảng hội đồng bộ môn hoặc dạy thực nghiệm (nội dung địa phương) bởi những tiết này thường là đội ngũ cốt cán của các trường trong huyện (thao giảng cấp huyện) hoặc trong tỉnh (thao giảng cấp tỉnh) tham dự.
Những tiết thao giảng hội đồng bộ môn luôn được nhà trường chú trọng và các tổ chuyên môn, nhất là tổ trưởng và giáo viên thao giảng phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian.
Tuy nhiên, việc thao giảng này được thực hiện luân phiên, có thể 2-3 năm hoặc lâu hơn mới đến lượt của đơn vị mình.
Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng có cần đứng ra thao giảng, dạy mẫu không?
Ngày 15/9/2020, Bộ ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT Ban hành kèm theo Thông tư này Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đã hướng dẫn rất rõ nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên trong các nhà trường.
Nhìn từ thực tế công việc, chúng ta thấy hiệu trưởng đang dạy 2 tiết, phó hiệu trưởng đang phải dạy 4 tiết/ tuần. Vì thế, nếu hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng nhà trường đứng ra thao giảng cũng được chứ không phải là không được.
Hơn nữa, trước khi đảm nhận vai trò quản lý thì hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng cũng đều đã trải qua giai đoạn làm giáo viên dạy lớp nên công việc thao giảng không phải là xa lạ và đa phần họ đều đã thực hiện hiện thao giảng trước đồng nghiệp của mình.
Thế nhưng, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng có cần thiết phải thao giảng hay không bởi dưới họ có các tổ chuyên môn và giáo viên dạy lớp? Hơn nữa, công việc chính của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là quản lý nhà trường chứ không phải là giảng dạy- điều này đã được thể hiện rất rõ trong các văn bản hiện hành.
Hiệu trưởng là người quản lý về tất cả các hoạt động trong nhà trường, từ chuyên môn, nhân sự, tài chính, học sinh, các hoạt động giáo dục, ngoại khóa… Ngoài ra, còn phải họp hành triền miên với ngành, với địa phương; giải quyết những công việc của trường theo kế hoạch và nhiều khi những công việc xảy ra ngoài ý muốn.
Đối với phó hiệu trưởng, công việc của họ cũng không hề ít. Nếu là trường loại II, loại III thì mỗi trường chỉ có 1 phó hiệu trưởng nên vị này vừa phụ trách chuyên môn, vừa phụ trách ngoài giờ, phổ cập, xây dựng kế hoạch, báo cáo triền miên.
Những trường loại I thì có 2 phó hiệu trưởng nhưng công việc cũng không hề ít. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, ngành giáo dục đang triển khai chương trình mới thì chỉ riêng sắp thời khóa biểu hàng tuần- cho dù là phần mềm sắp cũng đủ mệt. Vì tuần này có thể dạy phân môn, chuyên đề này, nhưng tuần sau lại đến phân môn, chuyên đề của người khác.
Chỉ riêng việc tính toán phân công giảng dạy cũng rất áp lực và mệt mỏi. Ngoài ra, dù là phó hiệu trưởng trường loại nào thì mỗi tuần họ đều phải dạy 4 tiết. Nếu không dạy thì bị cắt phụ cấp đứng lớp. Nếu vẫn hưởng phụ cấp này, giáo viên họ gửi đơn thư tức thì.
Thực ra, mấy năm nay hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường vất vả hơn trước đây rất nhiều bởi chương trình mới đang bước vào lộ trình thực hiện với rất nhiều phần việc phải lo lắng, sắp xếp cho phù hợp với điều kiện, con người hiện có.
Chính vì thế, chúng tôi cho rằng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường giỏi là những người không cần phải đứng ra thao giảng, dạy mẫu mà phải là những người biết xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch và kiểm tra việc thực hiện các hoạt động giáo dục tốt.
Hơn nữa, nếu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đứng ra thao giảng thì khi rút kinh nghiệm giáo viên trong trường có dám góp ý, có dám nêu những hạn chế hay không? Vô hình trung, tiết thao giảng đó khó đạt được mục đích.
Giáo viên đứng ra thao giảng có nhiều lợi thế hơn và hiệu quả hơn. Bởi lẽ, giáo viên là người đứng lớp liên tục, đa phần giáo viên đứng lớp đầu tư cho giảng dạy nhiều hơn lãnh đạo nhà trường là điều chắc chắn bởi vì hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng thì dạy chỉ là công việc phụ, quản lý nhà trường mới là công việc chính của họ.
Một khi giáo viên đứng ra thao giảng, chất lượng tiết dạy thường sẽ cao hơn và nếu có hạn chế, đồng nghiệp dễ dàng chỉ ra. Khi rút kinh nghiệm được chỉ ra, bàn bạc thấu đáo thì giáo viên trong trường sẽ đúc kết được nhiều kinh nghiệm để phục vụ cho công việc giảng dạy của mình.
Ngược lại, nếu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đứng ra thao giảng, dạy mẫu- cho dù không hay thì cũng chỉ nhận được lời khen bởi giáo viên rất ngại góp ý hạn chế của lãnh đạo mình.
Mỗi người, mỗi vị trí công việc đều có vai trò, nhiệm vụ riêng. Vì thế, chúng ta cũng không nên đòi hỏi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải đứng ra thao giảng, hay dạy mẫu làm gì bởi trong trường có nhiều phần việc quan trọng cần giải quyết hơn việc lãnh đạo nhà trường đứng ra thao giảng.
(*) Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.