Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo.. vào các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tận dụng các công nghệ số thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng như cung cấp điều kiện giáo dục thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả trên nền tảng số.
Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch thực hiện “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Trong đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu chung chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng.
Từ đó, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và đào tạo. (Ảnh: Phạm Linh) |
Cụ thể, tỉnh phấn đấu 80% đến năm 2025 và 100% đến năm 2030 nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số.
Về đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, phấn đấu 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số. 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới.
Bên cạnh đó, hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025.
Phấn đấu 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia.
Trong quản lý số và quản trị số, tỉnh phấn đấu thực hiện mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng dịch vụ công của tỉnh và tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào năm 2023.
Hình thành bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh vào năm 2025 và liên kết bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hệ thống chứng thực và tra cứu thông tin giáo dục nghề nghiệp vào năm 2030.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cũng đặt ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cụ thể gồm việc xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy và học.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường; huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp; nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế; bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh tổ chức hội thảo về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: CTV) |
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi số
Triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp tới toàn thể cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên của đơn vị.
Rà soát, đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong quản lý, quản trị, hoạt động đào tạo nghề nghiệp so với các chỉ tiêu cơ bản của Quyết định số 2222/QĐ-TTg để xây dựng phương án và lộ trình phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số.
Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học; chương trình, nội dung đào tạo phù hợp.
Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc thực hiện các dự án liên quan đến chuyển đổi số; tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số cho nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Về công tác triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện phối hợp với các chi nhánh ngân hàng, triển khai thanh toán học phí qua ngân hàng.
Đảm bảo theo đúng lộ trình đến năm 2025, 100% số tiền học phí của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hằng năm thanh toán không dùng tiền mặt và 100% các trường cao đẳng thanh toán học phí trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trước đó vào tháng 4/2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức tập huấn công tác cập nhập sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu tuyển sinh, tốt nghiệp và việc làm thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện phối hợp với các chi nhánh ngân hàng, triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt (Ảnh: Phạm Linh) |
Thực hiện chuyển đổi số, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động liên kết, hợp tác nhằm cải thiện hạ tầng số, quản trị số của cơ sở,
Thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện đa số cán bộ, nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được tiếp cận với việc chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động dạy và học.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã xây dựng chương trình đào tạo hướng tới việc tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số (các chương trình đào tạo nghề trọng điểm); xây dựng thư viện điện tử trong nhà trường thuận lợi cho học sinh, sinh viên tra cứu văn bằng, chứng chỉ.
Triển khai sử dụng phần mềm quản lý cho các phòng chức năng để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như phần mềm đào tạo; tài chính; sát hạch lái xe... và một số phần mềm ứng dụng để dạy chuyên ngành cho học sinh, sinh viên.
Hiện nay, các báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện trên môi trường số và kết nối.