Hòa Bình: Nghị quyết 164 đã ngăn chặn việc lạm thu, lạm chi trong trường học

26/03/2023 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị quyết số 164 đã ngăn chặn được việc lạm thu, lạm chi tại các cơ sở giáo dục tại Hòa Bình.

Liên quan đến việc lấy ý kiến, đề xuất trong thực hiện Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình sau gần một năm học triển khai, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đánh giá, Nghị quyết 164 ra đời tạo sự thống nhất chung về khoản thu dịch vụ trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Từ đó, ngăn chặn được việc lạm thu, lạm chi, điều này đã nhận được sự ủng hộ nhất trí cao từ phía phụ huynh học sinh.

Đối với Trường Trung học phổ thông Cao Phong, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng cơ quan ban ngành của tỉnh cũng về trường để khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 164. Trong buổi khảo sát đó, cũng có mặt phụ huynh học sinh và ý kiến của các bậc phụ huynh cho biết rất đồng tình, thống nhất với nội dung Nghị quyết 164.

Chia sẻ về việc thu các khoản dịch vụ, vị lãnh đạo nhà trường cho hay, đối với khoản hỗ trợ duy tu bảo dưỡng hỗ trợ cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị được quy định, nhà trường thu tối đa theo Nghị quyết là 60.000 đồng/năm/học sinh. Bởi vì, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập của nhà trường đã xuống cấp.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Phong, Hòa Bình trong giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: fanpage nhà trường

Học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Phong, Hòa Bình trong giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: fanpage nhà trường

"Đối với việc mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất được chi từ ngân sách, hiện nay những trang thiết bị này cũng có sự xuống cấp, nên khoản thu bổ sung để sửa chữa những dụng cụ đồ dùng học tập đã hư hỏng", lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Cao Phong cho hay.

Đối với khoản hỗ trợ tiền tổ chức kiểm tra đánh chất lượng, các kỳ thi trong năm học, nhà trường thu tối đa là 18.000 đồng/tháng/học sinh.

Tuy nhiên, khoản thu trên không đủ cho các hoạt động kiểm tra, đánh giá. Bởi vì, một năm học có 5 kỳ kiểm tra thường xuyên (khảo sát đầu năm, 2 lần kiểm tra giữa kỳ và 2 lần thi cuối kỳ) có nhiều môn khác nhau, với những môn làm bài trắc nghiệm, chi phí đề kiểm tra nhiều hơn... Nếu thiếu đâu, nhà trường phải "căn cơ", không thu nhiều hơn Nghị quyết quy định.

Với khoản thu dịch vụ hỗ trợ trả tiền vệ sinh môi trường, lao công phục vụ công tác vệ sinh được Nghị quyết 164 quy định không quá 20.000 đồng/học sinh/tháng, nhà trường thực hiện thu chỉ 10.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, số tiền thu được chưa đủ cho các hoạt động như chi trả cho nhân viên lao công, tiền mua giấy vệ sinh, nước tẩy rửa.

"Đối với hoạt động lao động như quét lớp, các em vẫn phải bố trí nhau thực hiện", lãnh đạo nhà trường chia sẻ.

Vị này cho biết, các khoản thu dịch vụ được nhà trường thu đúng, chi đúng, nếu không đủ chi, đơn vị phải bù từ ngân sách chi thường xuyên.

"Năm nay nhà trường thực hiện Nghị quyết 164 cũng chỉ thu các khoản dịch vụ ở mức vừa phải với sức phụ huynh. Đến năm học tới, nhà trường cũng chưa có hướng tăng khoản thu hay không", lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Cao Phong nói.

Về nội dung báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình trong việc thực hiện Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo nhà trường cho hay, có thể đơn vị sẽ kiến nghị việc hỗ trợ ngân sách đối với những khoản thu không đủ chi, để vẫn đảm bảo quyền lợi của phụ huynh học sinh.

Thông tin thêm về vấn đề này, thầy Phạm Minh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) cũng đồng tình về nội dung các khoản thu dịch vụ được nêu tại Nghị quyết 164 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

"Nhà trường cũng đã tổ chức tuyên truyền đến tất cả phụ huynh nội dung về Nghị quyết 164 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các phụ huynh cũng rất đồng tình về khoản thu. Hiện tại, nhà trường thực hiện thu thấp hơn mức quy định tối đa so với Nghị quyết 164", thầy Tuấn cho hay.

Trước đó ngày 20/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành văn bản số 733 về việc rà soát việc triển khai, tổng hợp kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Sở Giáo dục nêu, đối với các Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện rà soát, tổng hợp kiến nghị từ các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc thu; nội dung khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ; mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường theo quy định tại Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

"Xem xét, tổng hợp và đề xuất các kiến nghị phù hợp quy định tại Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh gửi Sở Giáo dục và Đào tạo làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt điều chỉnh hoặc bổ sung theo kiến nghị của Ban Văn hoá – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh", văn bản ghi rõ.

Đối với các trường trung học phổ thông, thực hiện rà soát các quy định thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc thu; nội dung khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ; mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường theo quy định Nghị quyết số 164/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Kiến nghị và đề xuất điều chỉnh hoặc bổ sung đối với việc triển khai, thực hiện thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, các khó khăn vướng mắc (nếu có).

Thời gian báo cáo gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/3/2023. Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cũng đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các trường trung học phổ thông triển khai thực hiện, báo cáo đúng thời gian quy định.

Mạnh Đoàn