Chia sẻ tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ĐắK Nông cho biết, trước ngày tái lập tỉnh (01/01/2004), giáo dục Đắk Nông là một phần phía nam của giáo dục tỉnh Đắk Lắk, có rất nhiều khó khăn và bất cập.
Hơn 60% xã chưa có trường mầm non, 19/71 xã chưa có trường trung học cơ sở, chỉ có 01 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, nhiều môn học thiếu hoặc không có giáo viên bộ môn,...
Ngay sau ngày tái lập tỉnh, với nhiều chính sách được Đảng và Nhà nước dành riêng cho tỉnh, Đảng bộ, Chính quyền và ngành giáo dục Đắk Nông đã tranh thủ cơ hội vô cùng quý giá đó để từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện ba nhóm giải pháp chính: Phát triển cơ sở giáo dục các cấp đến mọi vùng dân cư gắn liền thực hiện các kế hoạch phổ cập giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông; Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học gắn với các dự án kiến cố trường lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên gắn với các kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ đáp ứng yêu cầu chương trình, kế hoạch giảng dạy các cấp.
Mô hình trường học hai buổi được mở rộng
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, những năm qua, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều thách thức, song sự nghiệp giáo dục của Đắk Nông đã có được những kết quả khả quan.
Cụ thể, quy mô giáo dục tăng trưởng mạnh, mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo được mở rộng, bố trí hợp lý. Đến nay, hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển rộng khắp trong tỉnh, phủ kín đến các xã, phường, thị trấn; trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có 1,7 cơ sở giáo dục mầm non, 1,6 trường tiểu học, 1,1 trường trung học cơ sở và 1 trung tâm học tập cộng đồng; mỗi đơn vị cấp huyện có 4,1 trường trung học phổ thông và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, tỉnh có 1 trường cao đẳng.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ĐắK Nông. Ảnh: Nguyên Phương |
Cơ sở vật chất trường học được đầu tư, các điều kiện bảo đảm dạy và học ngày càng tốt hơn. Nhiều năm qua, nhờ việc thực hiện lồng ghép nguồn vốn của Trung ương và nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ, bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học theo kế hoạch xây dựng trường chuẩn ở địa phương, Đắk Nông đã khắc phục tình trạng học 3 ca, mô hình trường học 2 buổi/ngày được mở rộng, ngày càng khang trang hơn.
Cơ sở vật chất nhà trường từng bước được chuẩn hóa, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 180 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 56,9%. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được tăng cường, cùng với nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội hóa được ưu tiên cho giáo dục vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đã phát triển mạnh cả về số lượng, cơ cấu và trình độ. Để triển khai thực hiện Chương trình chương trình giáo dục mới, tỉnh đã có các giải pháp sắp xếp lại, bố trí hợp lý đội ngũ giáo viên giữa các môn học, giữa các bậc học, giữa các trường theo vị trí việc làm, điều động giáo viên từ các trường thừa giáo viên cục bộ đến các trường thiếu giáo viên, hoặc biệt phái có thời hạn nhằm hạn chế tối đa việc dôi dư, chuyển đổi vị trí việc làm đối với nhân viên của cấp tiểu học và trung học cơ sở có bằng trung cấp sư phạm sang giáo viên mầm non.
Tỉnh cũng tiếp tục lập kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhằm từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học.
Tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp gắn với hoạt động đổi mới giáo dục, nâng cao năng lực giảng dạy và năng lực quản trị. Chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Về chất lượng giáo dục cũng đã có nhiều chuyển biến, tiếp tục phát triển và ổn định; trong đó rõ nét nhất chính là sự chuyển biến phương pháp giáo dục từ giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang tập trung phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Chất lượng giáo dục các cấp học đạt nhiều thành tựu, tỷ lệ học lưu ban, học sinh bỏ học ngày càng giảm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học, bậc học ngày càng tăng; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học cơ sở, tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm qua đều duy trì ở mức trung bình chung tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước.
Tỉnh Đắk Nông cũng chú trọng thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, mọi người dân được học tập thường xuyên và học tập suốt đời; trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận giáo dục ngày càng nhiều, càng thân thiện hơn. Mục tiêu phổ cập giáo dục được duy trì, tăng cường bền vững.
“Những thành tựu trên đây phần nào chứng tỏ các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho Tây Nguyên nói chung và riêng tỉnh Đắk Nông đã thực sự đi vào cuộc sống, với nhiều kết quả tích cực”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Cần bổ sung thêm biên chế giáo viên thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục
Chia sẻ về những khó khăn trong bối cảnh đổi mới giáo dục và việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay là số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập đang thiếu nhiều so với định mức quy định, chưa đáp ứng việc triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025. Hiện nay, tổng số giáo viên thiếu trong toàn ngành là 606 người, tổng số nhân viên thiếu trong toàn ngành là 421 người.
Trong đội ngũ hiện nay, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019, hoặc năng lực đổi mới phương pháp dạy học chưa tốt; cơ hội tiếp cận thông tin của giáo viên vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn. Giáo viên mầm non làm việc cả ngày, áp lực công việc nhưng mức lương lại thấp nên khó có thể toàn tâm, toàn ý để tập trung đầu tư về chuyên môn nghiệp vụ.
Ảnh minh hoạ: Nguyên Phương |
Một khó khăn nữa là hệ số, tỷ suất đầu tư cơ sở vật chất; cơ cấu tài chính tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, chưa phù hợp; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, nhất là ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thành phần đầu tư cơ sở vật chất chủ yếu là phòng học, nhưng các hạng mục như phòng chức năng, khuôn viên, tường rào, giếng nước, nhà vệ sinh vẫn chưa đáp ứng quy định; Phương tiện, thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, chưa đồng bộ. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và kinh phí các chương trình mục tiêu. Việc xã hội hóa huy động các nhà đầu tư mở trường ở các xã vùng khó khăn khó thực hiện.
Bên cạnh đó, chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng dân cư, các dân tộc còn khá lớn, tình trạng quá tải học sinh vùng đô thị, mức độ thiệt thòi thụ hưởng giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số,… ảnh hưởng nhiều đến công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, năm học 2022-2023 tỉnh Đắk Nông được giao bổ sung 115 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định và nhu cầu thực tế, tỉnh đang thiếu nhiều giáo viên, nhân viên. Lãnh đạo tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền cân đối giao bổ sung thêm biên chế giáo viên cho tỉnh Đắk Nông trong năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo.
Tỉnh Đắk Nông đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tăng cường đầu tư chương trình kiên cố hóa trường lớp học để tỉnh sớm đủ điều kiện về cơ sở vật chất hoàn thành Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 và chuẩn bị cho Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi.
Đồng thời, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động về giáo dục và đào tạo trong nội vùng, nhằm phát huy tối đa các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong giai đoạn mới.
Đắk Nông đã xây dựng mục tiêu đến năm 2045, giáo dục phát triển theo hướng thân thiện, hiện đại và hội nhập quốc tế; đạt chuẩn về cơ sở trường, lớp, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và phục vụ; nâng cao chất lượng dạy và học, trong đó chú trọng nâng cao giáo dục đạo đức, kỹ năng, năng lực sáng tạo và thực hành, ngoại ngữ và tin học, cũng như giáo dục truyền thống và ý thức chấp hành pháp luật; nhằm đào tạo các thế hệ học sinh thành đạt và xây dựng ngành giáo dục, đào tạo tỉnh Đắk Nông phát triển ngang tầm với các tỉnh tiên tiến ở vùng Tây Nguyên và cả nước, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Vì vậy, ngoài những định hướng, chính sách của Trung ương, giáo dục Đắk Nông tập trung mạnh vào năm nhiệm vụ chủ yếu như:
- Rà soát, điều chỉnh, ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng, phát triển mạng lưới trường, lớp.
- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên, nhất là người dân tộc thiểu số.
- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù của Tỉnh về đãi ngộ và thu hút, bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giỏi, đặc biệt ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.