Các cơ sở giáo dục, đào tạo được tự chủ sẽ là một bước tiến vĩ đại

05/01/2022 06:21
Thạc sĩ Nguyễn Đình Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có quyền tự chủ thì cơ sở giáo dục mới có khả năng huy động được nguồn lực xã hội một cách tối ưu, phục vụ phát triển giáo dục và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Đình Anh - nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An bày tỏ những suy nghĩ của mình về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này.Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

I-Quan niệm về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục:

Trên quan điểm phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; chúng tôi cho rằng: “Quyền tự chủ của một cơ sở giáo dục và đào tạo công lập chính là những quyền hạn mà Nhà nước trao cho cơ sở giáo dục đào tạo được sử dụng để chủ động sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động, tạo ra hiệu quả của sự phát triển của mỗi cơ sở giáo dục đào tạo trong từng thời kỳ nhất định được sự quản lý của Nhà nước, sự giám sát của các chủ thể của các cơ sở và của xã hội".

Như vậy, các cơ sở giáo dục đào tạo được trao quyền tự chủ chính là đã là phân cấp quản lý của Nhà nước.

Có quyền tự chủ thì cơ sở giáo dục mới có khả năng huy động được nguồn lực xã hội một cách tối ưu, phục vụ phát triển giáo dục và đáp ứng nhu cầu về một nền giáo dục chất lượng cao của nhân dân.

Chủ trương và những kết quả tích cực của chính sách xã hội hóa giáo dục làm xuất hiện hệ thống các trường dân lập, trường tư thục chính là biểu hiện của tinh thần trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Chỉ xem xét việc thực hiện xã hội hóa giáo dục ở thành phố Hà Nội trong năm học gần đây nhất: năm học 2016-2017 giáo dục phổ thông Hà Nội đã có 482/2665 cơ sở giáo dục ngoài công lập với 211.826/1.814.651 học sinh và 21.237/104.605 giáo viên của thành phố… có được như vậy vì quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã được xác lập đầy đủ trên cơ sở Luật Giáo dục, Điều lệ trường phổ thông và quy chế hoạt động của các trường ngoài công lập.

Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn

Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn

II- Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới:

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành các cuộc cải cách giáo dục liên quan tới phân quyền, tự chủ nhà trường và quản lý dựa trên nhà trường từ những thập niên 70 của thế kỷ trước.

Theo đó, quyền tự chủ và giải trình trách nhiệm luôn đi đôi cùng nhau và là hai thành tố chính bảo đảm chất lượng giáo dục (SABER, 2012).

Nghiên cứu của OECD cho thấy tự chủ trong các quyết định liên quan tới chương trình, đánh giá phân bổ nguồn lực càng lớn thì xu hướng tạo thành tích của học sinh càng cao, đặc biệt với các trường hoạt động trong môi trường giải trình trách nhiệm (PISA, 2009).

Năm 2015, chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA đã yêu cầu hiệu trưởng cho biết về việc ai là người có trách nhiệm phần lớn trong việc phân bổ nguồn lực tới các trường (bổ nhiệm và sa thải giáo viên, quyết định lương khởi điểm và tăng lương của giáo viên, phân bổ ngân sách trong trường học), với chương trình nhà trường (lựa chọn sách giáo khoa, quyết định về khóa học sẽ được triển khai, quyết định nội dung của khóa học), và thiết lập các chính sách nhập học, môn học và đánh giá học sinh.

Kết quả cho thấy chỉ số tự chủ trường học của Việt Nam nằm ở nhóm dưới trong bảng xếp hạng của OECD, cùng với các nước Hy Lạp,Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Cộng hòa Dominica; trong khi mức độ tự chủ của các nhà trường ở Thái Lan một nước láng giềng của Việt Nam lại rất cao khi nằm trong nhóm 6 nước có chỉ số tự chủ trường học cao nhất (OECD, 2016).

Kết quả trên phản ánh thực tế rằng cuộc đổi mới quản lý giáo dục mà trọng tâm là tự chủ nhà trường ở Việt Nam diễn ra khá muộn so với các nước khác.

Do đó việc thực hiện quá trình giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục và đào tạo ở nước ta là việc làm cấp bách và cần phải dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn của những nước đã thành công trong việc trao quyền tự chủ cho trường học để có bước đi thích hợp cho mình.

III- Tổng quan về việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

Quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2002 và đã được xác định trong Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Tiếp đến là Luật Giáo dục Đại học (năm 2012); Luật Khoa học Công nghệ (năm 2013)…

Đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục phổ thông. Đặc biệt tháng 9 năm 2016 trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Chính phủ đã Ban hành Nghị quyết số 89/NQ-CP về chủ trương đẩy mạnh thực hiện giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.

Nhưng cho đến nay trong cả nước chỉ có các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập và 23 trường đại học công lập được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm cơ sở thí điểm tự chủ.

Các trường trung học phổ thông công lập thì có rất ít nơi thực hiện nhiệm vụ này. Trong lúc đó các nước trên thế giới tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo là vấn đề sống còn và đã tiến hành từ lâu.

Gần đây trong Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo…”, trong hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018 và chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được phê duyệt đã đặt ra yêu cầu cấp thiết của vấn đề tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Như vậy đến thời điểm này tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo hơn lúc nào hết đã trở thành nhu cầu tất yếu của giáo dục nước nhà.

Như vậy có thể nói để tiến tới cho 30.000 trường phổ thông công lập thực hiện được tự chủ quả là một điều vĩ đại.

Vấn đề đặt ra là ai chịu trách nhiệm về tự chủ, tự chủ những vấn đề gì, điều kiện nào bảo đảm cho sự tự chủ của các nhà trường khi mà chúng ta mới có rất ít cơ sở giáo dục công lập thí điểm tự chủ. Mà các trường thí điểm tự chủ lại chỉ thuộc một bậc học, đó là bậc giáo dục đại học.

Làm sáng tỏ các câu hỏi trên, các ý kiến phát biểu tại các hội thảo cấp quốc gia về “Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục” mà chúng tôi thu nhận được đều quy tụ về các nội dung sau: Tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo là tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân sự, tự chủ về chuyên môn, tự chủ về trách nhiệm giải trình trước pháp luật và trước xã hội.

Khi đề cập đến nội dung tự chủ về tài chính nhà giáo Nguyễn Phúc Ân (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh) còn chỉ rõ thêm: “Nhiều người còn hiểu sai lệch về nội dung cốt lõi của cơ chế tự chủ, còn e ngại và thiếu sẵn sàng vì cho rằng: Tự chủ sẽ không được Nhà nước cấp kinh phí.

Đó là quan niệm hết sức sai lầm, vì thực tế các đơn vị được giao tự chủ như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính Marketing, Trường Đại học Công nghiệp Hồ Chí Minh… vẫn được Nhà nước cấp kinh phí. Thậm chí còn được đứng ra vay vốn để hỗ trợ đầu tư phát triển.

Để tự chủ trong đơn vị trường học thực hiện được thành công, Phó giáo sư - Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng các cơ sở giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm giải trình trước pháp luật và xã hội:

“Trách nhiệm giải trình của trường học đối với mọi hoạt động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà nhà trường đưa ra trong việc lãnh đạo và quản lý và thực hiện công việc gắn với nhiệm vụ báo cáo và giải thích cho các hoạt động của nhà trường và tác động của nó…

Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho nhà trường, tăng vai trò ra quyết định của các cấp trường học gắn với hệ thống thông tin trách nhiệm giải trình, sự liên kết giữa mức độ tự chủ và công khai minh bạch thông tin rất quan trọng cho phân cấp có hiệu quả”.

Điều cốt lõi để thực hiện các nội dung được tự chủ của một nhà trường là vai trò của người đứng đầu và toàn thể các thành viên trong đơn vị đó.

Trong đó vấn đề người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về trách nhiệm của người quản lý và của bộ máy giúp việc cho hiệu trưởng.

Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường thực sự là những tổ chức bảo vệ và phát huy các quyền dân chủ cho các thành viên trong nhà trường để góp phần giám sát và làm chủ quyền tự chủ trong nhà trường.

Bởi vậy người quản lý nhà trường phải là những người thực sự có tâm, có tầm, có tài.

Trên tinh thần đó, chúng tôi cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hành lang pháp lý quy định những phẩm chất cần có của người cán bộ quản lý trường học để khi được đảm nhận chức vụ người đứng đầu cơ sở giáo dục và đào tạo họ sẽ cho các quyết định bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch.

Vì thế các hiệu trưởng và cán bộ quản lý phải được đào tạo lại và phải qua các lớp đào tạo về công tác tự chủ trường học trong bối cảnh “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Vấn đề tự chủ đại học đã được đặt ra từ lâu, các trường tham gia thí điểm tự chủ đều là những trường đại học lớn, có quá trình phát triển lâu dài và có uy tín, thế mà hơn 16 năm thí điểm chúng ta đã thu hoạch được những gì?

Có thể thẳng thắn thừa nhận rằng: những việc làm được còn quá ít, những thiếu sót tồn tại bất cập thì… hơi nhiều.

Có lẽ chúng ta nên thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân và các giải pháp nhằm góp phần làm sáng tỏ những vấn đề cốt lõi, đặc biệt là những nguyên nhân tạo ra sự bất cập, những sai lầm mang tính hệ thống.

Theo chúng tôi, các nguyên nhân sau đây đã làm cho kết quả thí điểm tự chủ đại học chưa đạt được kết quả như mong muốn:

- Tư duy bao cấp đã quá lâu, những thói quen lãnh đạo theo kiểu hành chính thiếu năng động sáng tạo không thể một sớm một chiều thay đổi được.

- Tuy đã hơn 16 năm triển khai thí điểm tự chủ đại học nhưng cũng vì đang là thí điểm trong các cơ sở giáo dục đại học nên các cơ quan quản lý giáo dục đào tạo cũng chưa thể hiện sự quyết tâm có tính quyết liệt trong việc triển khai ra diện rộng.

- Các trường đại học được giao tự chủ chưa được chuẩn bị chu đáo, có trường vẫn còn mong được bao cấp, chưa bỏ được thói quen thụ động.

Vẫn muốn tận dụng ưu thế của một trường đại học công lập hơn là phải đi vào cạnh tranh tự do và công bằng trong một thế giới phẳng dẫn đến việc thí điểm tự chủ chưa được kết thúc.

- Mục đích yêu cầu, nội dung của quyền tự chủ đại học vẫn chưa được quán triệt đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, thiếu nhất quán trong một số văn bản cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ chủ trương cho các cơ sở giáo dục và đào tạo tự chủ nhưng vẫn ban hành những chủ trương tước mất quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Dẫn chứng rõ nét nhất là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho phép các trường cao đẳng sư phạm địa phương làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên phục vụ thay sách giáo khoa phổ thông mới ở bậc tiểu học, trung học cơ sở.

Một câu hỏi đặt ra là những nội dung bồi dưỡng giúp cho giáo viên đảm nhận việc giảng dạy sách giáo khoa mới tương đương kiến thức của một số học phần hay là tương đương bằng trình độ của việc thực hiện một chương trình bồi dưỡng, đào tạo một khóa đại học mà lại không cho phép các trường cao đẳng sư phạm tham gia bồi dưỡng cho giáo viên tiểu học và trung học cơ sở những nội dung phục vụ cho việc giảng dạy sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Bộ có giải trình minh bạch trước pháp luật và trước xã hội về chủ trương trên của mình được không?

Đó là chưa nói tới việc: một nguyên tắc của việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo là phải thực hiện phân cấp quản lý giáo dục và đào tạo.

Đã phân cấp quản lý giáo dục và đào tạo thì việc cho phép các trường cao đẳng địa phương được thực hiện nhiệm vụ nào hay không được thực hiện nhiệm vụ nào là do Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đó quyết định.

Đáng tiếc là năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 quy định về chức năng quản lý Giáo dục và Đào tạo, có được những quy định bảo đảm được quyền tự chủ cho các sở và các phòng giáo dục và đào tạo nhưng cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng để mất đi Nghị định 115 của Chính phủ, Nghị định 115 năm 2010 của Chính phủ hết hiệu lực dẫn theo nhiều phòng giáo dục và đào tạo không còn vai trò chính trong việc xây dựng, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý cho các trường tiểu học, trung học cơ sở ở địa phương mình.

IV- Một số kiến nghị với các cấp quản lý giáo dục đào tạo:

Do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ mới thí điểm quyền tự chủ trong các trường đại học, từ thực tế và từ kết quả thí điểm việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trong thời gian qua và trên nguyên tắc giao quyền tự chủ để nâng chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có việc phân cấp quản lý giáo dục và đào tạo chúng tôi xin có một số kiến nghị như sau:

1- Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội đưa thêm việc quản lý tài chính, nhân sự trở lại cho ngành giáo dục và đào tạo, cấp tỉnh thì nên giao quyền quản lý tài chính và nhân sự thuộc lĩnh vực giáo dục cho sở và các phòng giáo dục và đào tạo.

2-Bảo đảm để các trường cao đẳng sư phạm địa phương được đảm nhận nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên phục vụ thay sách tiểu học, trung học cơ sở.

3- Đề nghị sở giáo dục và đào tạo, ủy ban nhân dân các tỉnh sớm quan tâm tới việc yêu cầu các trường phổ thông xây dựng đề án tự chủ để sở và các phòng giáo dục và đào tạo sớm cho phép các trường được tự chủ để các nhà trường thực hiện triển khai đề án nâng chất lượng dạy học ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế.

4- Mở các lớp bồi dưỡng các phẩm chất năng lực để thực hiện quyền tự chủ cho các trường học nhằm góp phần nâng chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và hội nhập quốc tế và để các nhà trường tự chủ thực hiện những quyền hạn của mình.

5- Đã đến lúc các cấp quản lý giáo dục và lãnh đạo các nhà trường phải nhận rõ tự chủ cho các trường học ở Việt Nam không thể là tự chủ tuyệt đối, không áp dụng mô hình tự chủ giống y đúc như các nước phương Tây bởi thể chế chính trị của chúng ta khác với họ. Vì nước ta thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thạc sĩ Nguyễn Đình Anh