Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, thu hút khoảng 436.000 lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó có khoảng 60% là dân nhập cư từ các địa phương khác.
Toàn tỉnh hiện có 158/374 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 42,25%), trong đó có 156 trường mầm non công lập. Quy mô trường, lớp mầm non trong tỉnh đảm bảo phát triển hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em nhân dân.
Cụ thể, tính đến năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 374 trường mầm non, trong đó có 219 trường công lập, còn lại là tư thục, 881 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tổng số học sinh ra lớp đạt 151.436 trẻ.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã ban hành 3 chính sách đặc thù hỗ trợ công nhân, cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên mầm non ở các khu công nghiệp. Cụ thể:
Chính sách 1: Nghị quyết 101/2017/NQ-HĐND hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng, trang thiết bị cho các nhóm trẻ tư thục ở khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có 137 nhóm trẻ được hỗ trợ với tổng kinh phí 6 tỷ đồng.
Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND: Các nhóm trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học trị giá 30 triệu đồng/nhóm trẻ.
Chính sách 2: Hỗ trợ đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Hỗ trợ tiền cho trẻ đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, có cha hoặc mẹ hay người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Mức hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng từ nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục cấp huyện.
Chính sách 3: Hỗ trợ giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
Hỗ trợ tiền cho các giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định, có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, thì mỗi giáo viên được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng, từ nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục cấp huyện.
Học sinh cơ sở giáo dục mầm non ở tỉnh Đồng Nai (ảnh minh họa: Báo Đồng Nai) |
Nghị quyết 05/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2024 – 2025, trong đó có nội dung chi hỗ trợ cho giáo viên công lập chăm sóc trẻ trong giờ nghỉ trưa.
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non, sau đó bàn giao cho Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố để phát triển thêm trường công lập, với nhiệm vụ vừa chăm sóc, vừa nuôi dạy con em công nhân và nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, còn có nhiều doanh nghiệp, công ty xây dựng trường mầm non với quy mô lớn, hoạt động phục vụ cho những học sinh là con em công nhân lao động của chính các công ty này. Trẻ học tại đây, phụ huynh chỉ phải đóng một phần tiền ăn, còn lại công ty hỗ trợ 100% tiền học phí, các khoản phụ thu khác.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 18.854 cán bộ quản lý, chủ cơ sở, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp là 10.751 người, gồm giáo viên công lập là 4.394 người, giáo viên tư thục là 2.517 người và giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập là 3.840 người.
Tại những địa phương của Đồng Nai tập trung nhiều khu công nghiệp như thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch…số lượng cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển mạnh, do nhu cầu trẻ mầm non ra lớp tăng nhanh hàng năm.
Trẻ tại các khu vực này đa phần là con của công nhân lao động, mức thu học phí tại các cơ sở thường không cao, dao động từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng, để phù hợp với thu nhập của cha mẹ học sinh.
Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa hạn chế, kinh phí đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất hàng năm không nhiều, vì thế vẫn còn nhiều cơ sở xuống cấp, chưa kịp thời khắc phục, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, chưa đảm bảo đủ theo quy định.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai nêu những khó khăn, bất cập khi những địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất thường dân số cơ học tăng nhanh, trong khi các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng được kịp thời theo các chuẩn quy định.
Tỷ lệ giáo viên/nhóm, lớp chưa đảm bảo theo quy định. Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, thực hiện chính sách hỗ trợ tài liệu, chi phí tập huấn cho giáo viên, việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa thường xuyên, đôi khi chưa đảm bảo tính kịp thời.
Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường, thị trấn chưa thực hiện thường xuyên, đầy đủ các chức năng quản lý nhà nước đối với các nhóm lớp độc lập trên địa bàn.
Một số cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục ở địa bàn khu công nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ, diện tích chật hẹp, thiết kế chưa phù hợp, phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung, nhà vệ sinh, bếp ăn chưa đảm bảo theo yêu cầu quy định, nên ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Hiện toàn tỉnh đang thiếu 712 giáo viên mầm non tại các khu công nghiệp. Thời gian ngưng hoạt động kéo dài do dịch Covid-19, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có nguồn thu ổn định, vì thế kinh phí đầu tư, bảo dưỡng cơ sở vật chất, đầu tư, bổ sung đồ dùng dạy học, đồ dùng đồ chơi còn hạn chế. Thiếu kinh phí trang bị, bổ sung cơ sở vật chất dẫn đến một số đơn vị chưa đảm bảo tốt môi trường giáo dục trẻ.
Từ đó, lãnh đạo tỉnh Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nam đề xuất kiến nghị những giải pháp khắc phục gồm: Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp.
Chỉ đạo cấp quản lý giáo dục mầm non tích cực, chủ động, ưu tiên thực hiện công tác hỗ trợ, giám sát hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện ra những sai phạm, hạn chế, yêu cầu khắc phục kịp thời.
Chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn, duy trì và tiếp tục chú trọng công tác giám sát, hỗ trợ hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, xử lý (nếu có vi phạm), kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc giải thể đối với các nhóm lớp vi phạm hoặc hoạt động trái phép.
Triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non của tỉnh trong giai đoạn từ năm 2021 – 2025 nhanh chóng, hiệu quả.
Chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát danh sách giáo viên đăng ký tham gia học nâng chuẩn, đánh giá kết quả số lượng giáo viên dự kiến tham gia thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non trong giai đoạn nói trên của tỉnh Đồng Nai.