Thứ trưởng yêu cầu 63 Sở Giáo dục lưu ý vấn đề gì trong công tác thi tốt nghiệp?

18/04/2023 08:59
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các Sở Giáo dục phải truyền thông để học sinh hiểu, công tác tổ chức kì thi chặt chẽ, lực lượng an ninh dự phòng được mọi trường hợp, tạo răn đe chung.

Ngày 17/4, tại hội nghị tập huấn công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã đặc biệt lưu ý lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo 9 nội dung quan trọng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn về công tác tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tại Đà Nẵng. Ảnh: AN

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn về công tác tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tại Đà Nẵng. Ảnh: AN

Thứ nhất, sau hội nghị này, các lãnh đạo Sở về tổ chức các hội nghị tập huấn theo kế hoạch, với tinh thần lưu ý nội dung mới, những vấn đề dễ nảy sinh, cá thể hóa đối tượng tập huấn (lãnh đạo Hội đồng/Thư kí/giám thị coi thi, chấm thi/cán bộ phục vụ…).

Lưu ý tập huấn cá thể với các cán bộ lần đầu tham gia. Người làm đầu tiên không có nghĩa là không tốt nhưng cần tập huấn kĩ lưỡng hơn, đầy đủ hơn.

“Chúng tôi yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ, tham gia tổ chức kì thi đều phải được tập huấn về quy chế thi, hướng dẫn thi và tập huấn sâu về chức trách nhiệm vụ của mình.

Với yêu cầu: Không một cán bộ nào tham gia vào các công đoạn của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại không nắm vững quy chế, hướng dẫn thi, liên quan trực tiếp đến chức trách, nhiệm vụ của mình.

Do thay đổi, do bổ sung mà không được tập huấn đại trà, các Sở phải yêu cầu nghiên cứu quy chế, nghiên cứu hướng dẫn… Đây là yêu cầu rất khắt khe. Chúng tôi cũng khuyến khích các Sở có bài kiểm tra sau tập huấn.

Chúng tôi biết rất nhiều Sở làm hiệu quả, nghiêm túc, chất lượng nội dung này. Bởi như đã nói, người làm kĩ lưỡng bao nhiêu thì tốt cho kì thi bấy nhiêu”, Thứ trưởng Thưởng nói.

Thứ hai, các Sở khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông; khi điều kiện cho phép, các Sở sớm thành lập các điểm thi, hội đồng thi…

Thứ ba, kịp thời triển khai, quán triệt các văn bản của Bộ như quy chế, hướng dẫn… thể chế hoá thành văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và triển khai ngay để có thời gian nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch các nhà trường, điểm thi, hội đồng thi, để cán bộ thấm dần, không tạo ra cái gì quá cấp bách, gấp gáp.

Thứ tư, các Sở chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho công tác này, như phòng làm việc của hội đồng, các điểm thi, phòng thi, nơi in sao đề thi; hệ thống máy móc… Năm nay cần chuẩn bị sớm, kĩ lưỡng.

Thứ năm, chuẩn bị nhân lực tham gia kì thi. “Chúng ta có xây dựng kế hoạch tốt đến đâu đi chăng nữa, có các phần mềm hiện đại đến đâu đi chăng nữa… nhưng những con người không được chuẩn bị chu đáo thì là cũng nhân tố rủi ro rất cao.

Chúng ta có những bài học về tham mưu, lựa chọn người tham gia từng công đoạn. Tóm lại, đây là một bài toán về công tác nhân sự, lựa chọn nhân sự từng công đoạn, từng con người. Hàng vạn người tham gia tổ chức kì thi, một sai sót nhỏ của cá nhân, phòng thi, điểm thi… có thể làm hỏng cả kì thi của toàn quốc. Mong các Sở lưu ý”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Thứ sáu, các Sở chủ động đề xuất, phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan. Trong Ban chỉ đạo cấp quốc gia, tỉnh/thành phố đều có sự tham gia của các bên như: công an, thanh tra, y tế; điện lực, giao thông, đoàn thanh niên… nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực, cần chủ động đề xuất nhu cầu, mong muốn.

Làm sao huy động được đông đảo nhất lực lượng tham gia, vừa tạo sự chia sẻ, ủng hộ, đồng thuận, vừa phù hợp. Tinh thần hết sức chủ động của đội ngũ ở Sở Giáo dục và Đào tạo rất quan trọng.

Thứ bảy, các Sở hết sức quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra mọi khâu mọi công đoạn, đảm bảo an ninh, an toàn cho kì thi. Kiểm tra diện rộng, thanh tra trọng tâm trọng điểm.

Với tầm quan trọng đó, trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn riêng cho công tác kiểm tra, thanh tra kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Cũng như vậy, công tác đảm bảo an ninh cho kì thi này tối quan trọng.

Thứ tám, các Sở chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và làm tốt công tác truyền thông, chia sẻ để người dân hiểu đúng về kì thi, thí sinh thấy được tính chất kì thi.

“Chúng ta kịp thời thông tin để các em hiểu được, đề thi trong thời gian bảo quản và trong khi thi là bí mật quốc gia, nếu vi phạm có thể dẫn tới hình sự.

Truyền thông để các em hiểu, công tác tổ chức kì thi chặt chẽ, lực lượng an ninh đã dự phòng được mọi trường hợp, đồng thời chủ động cảnh báo, răn đe, triệt tiêu các ý định gian lận”, Thứ trưởng phân tích thêm.

Thứ chín, các Sở chủ động chỉ đạo hoàn thành chương trình lớp 12 để các em có thời gian ôn tập. Các văn bản của Sở hướng dẫn tất cả thí sinh đăng kí dự thi đúng, đủ, hạn chế sai sót.

AN NGUYÊN