Đề thi tốt nghiệp năm 2025 cần tính toán kỹ vì HS mới chỉ học 3 năm của CT mới

27/03/2023 06:44
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Phó Giám đốc Sở GD Điện Biên, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần đáp ứng được 3 yêu cầu và nên tổ chức thi trên máy tính thành nhiều đợt. 

Phải đáp ứng yêu cầu toàn diện, mức độ cơ bản, bảo đảm công bằng

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Theo đó, sẽ tổ chức thi các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc trung học phổ thông gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên nhìn nhận: “Dự thảo quy định có 4 môn thi bắt buộc và 2 môn thi tự chọn là phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo phương án thi hiện hành, thí sinh cũng thi 6 môn (trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tổ hợp của 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trên thực tế, rất ít học sinh chọn cả ba môn của tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội để xét tuyển vào đại học, nhưng vẫn phải thi đủ 3 môn của bài thi tổ hợp trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, học sinh cũng thi 6 môn nhưng được lựa chọn 2 môn trong số môn đã chọn học. Như vậy, cơ bản thuận lợi cho học sinh, giúp học sinh phát huy được điểm mạnh của mình trong các môn học sở trường và giải tỏa được áp lực phải thi những môn học mà học sinh cảm thấy không tự tin”.

Ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên phát biểu trong buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp.

Ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên phát biểu trong buổi làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp.

Bên cạnh đó, vị Phó Giám đốc Sở cũng phân tích thêm: “Đối với môn Lịch sử, ban đầu, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thiết kế là một môn học lựa chọn ở bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định sửa chương trình theo hướng Lịch sử là môn học bắt buộc theo yêu cầu của Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, cũng như tiếp thu ý kiến góp ý của đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh, dư luận.

Khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, về phía học sinh, các em có cơ hội để được học nhiều hơn so với tính chất của môn học lựa chọn và đương nhiên khi được học nhiều hơn cũng đòi hỏi giáo viên có tính trách nhiệm cao hơn trong vấn đề giảng dạy môn học này.

Vì Lịch sử là môn học bắt buộc nên việc môn này là môn thi bắt buộc là bình thường, hơn nữa môn học này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục tình yêu lịch sử và cải thiện từng bước nâng cao chất lượng học sử ở các trường phổ thông hiện nay.

Phương án này phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục phổ thông mà đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của nhiều học sinh, sự đồng thuận của đông đảo mọi người trong xã hội”.

Tuy nhiên, góp ý cho xây dựng đề trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, ông Cù Huy Hoàn cũng cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển đổi từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, vì vậy cách đánh giá cần chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học. Tức là chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức,… sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đặc biệt chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo”.

Theo thầy Lý Văn Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cần có sự thay đổi mạnh mẽ, giảm những câu hỏi nghiêng về lý thuyết mà cần lồng ghép nhiều kiến thức từ thực tiễn, như vậy mới phát huy được khả năng tư duy, kích thích sáng tạo và đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

Chính vì vậy, để đảm bảo đúng tinh thần đánh giá năng lực phẩm chất của học sinh theo chương trình mới, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025 cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu toàn diện: Xét tốt nghiệp trung học phổ thông bao gồm kết quả quá trình học tập, kết quả thi cuối cấp học thay vì chỉ tập trung vào kết quả thi tốt nghiệp. Điều này nhằm bảo đảm việc học tập toàn diện theo mục tiêu giáo dục phổ thông và quá trình học tập xuyên suốt cấp trung học phổ thông của người học. Trong đó, đánh giá kết quả học các môn văn hóa được chọn trong kỳ thi chỉ là một phần.

Thứ hai, đáp ứng mức độ cơ bản: Đánh giá ở mức đáp ứng yêu cầu cần đạt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng với một điểm lưu ý quan trọng là thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 vẫn chưa qua đầy đủ toàn bộ chương trình 12 năm theo định hướng phát triển năng lực, vẫn còn nền tảng cơ bản được hình thành trong giai đoạn 9 năm học cấp tiểu học và trung học cơ sở theo chương trình 2006.

Thứ ba, bảo đảm công bằng: Có các giải pháp kỹ thuật chuẩn hóa và bảo đảm về độ tương đương của các đề thi. Ngân hàng câu hỏi phải đủ lớn, đáp ứng được việc tổ chức kỳ thi.

Học sinh trung học phổ thông tại Điện Biên. Ảnh: dienbien.edu.vn.

Học sinh trung học phổ thông tại Điện Biên. Ảnh: dienbien.edu.vn.

Có thể tổ chức thi trên máy tính thành nhiều ca

Theo dự thảo, phương thức tổ chức thi giai đoạn 2025-2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy đồng thời từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Đến giai đoạn sau 2030, tiến tới tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Đối với việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính với môn trắc nghiệm, ông Cù Huy Hoàn bày tỏ: “Việc này có nhiều ưu điểm: Có kết quả ngay, cơ bản tránh được sự can thiệp từ bên ngoài vào kết quả thi… nên nội dung này là cần thiết, nên tổ chức ngay khi đủ điều kiện.

Vì vậy, tôi cho rằng việc thi trắc nghiệm trên máy tính có thể được tiến hành từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. Những địa phương nào chưa đảm bảo về cơ sở hạ tầng thì vẫn thi trắc nghiệm trên giấy như hiện nay hoặc kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính”.

“Với điều kiện và tốc độ phát triển như hiện nay của địa phương, mặc dù còn khó khăn, nhưng tôi tin rằng, đến năm 2030 ngành giáo dục và đào tạo Điện Biên đủ điều kiện để tổ chức thi được trên máy tính cho toàn bộ học sinh lớp 12.

Hiện nay, các trường học, nhất là các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đều được đầu tư khá đảm bảo về hệ thống phòng máy tính, hệ thống đường truyền Internet băng thông rộng, nên khi cần có thể huy động số cơ sở vật chất này để tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính không khó khăn nhiều.

Hơn nữa, nhiều thầy cô và học sinh đã làm quen với hình thức thi qua mạng Internet, như tham gia các cuộc thi trên internet nên việc nắm bắt kỹ thuật để tổ chức thi tốt nghiệp trên máy tính không xa lạ” - ông đánh giá.

Vị Phó Giám đốc Sở cũng nhấn mạnh: “Ở đây, cần nói rõ thêm là không phải đồng thời hàng ngàn thí sinh lớp 12 cùng thi một lúc trên máy tính, vì như thế sẽ cần huy động nhiều phòng máy tính và các cơ sở vật chất khác liên quan. Chúng ta có thể tổ chức thi thành nhiều ca, trong một khoảng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để làm được điều đó, Bộ phải xây dựng được bộ ngân hàng câu hỏi rất lớn và đảm bảo tốt các khâu đảm bảo an toàn, an ninh, sự tương đương giữa các đợt thi”.

Từ những chia sẻ trên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất: “Trước hết, bổ sung ngân sách để đầu tư thiết bị và phần mềm, tập huấn giáo viên để sẵn sàng cho việc tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giữ ổn định kỳ thi ít nhất trong 5 năm liên tục, tránh việc thay đổi gây tâm lý lo lắng trong học sinh, phụ huynh là cần thiết”.

Nhìn nhận ở góc độ khác, thầy giáo Lý Văn Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại cho rằng: “Việc thi trên máy tính có rất nhiều ưu điểm và tiết kiệm được cả thời gian, tiền bạc lẫn công sức, song có lẽ thách thức lớn nhất đối với chúng ta chính là ở cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ, nhất là ở những vùng khó khăn. Những khu vực thuận lợi như ở các thành phố lớn thì thậm chí đã có thể đáp ứng thi trên má tính ngay từ năm nay, nhưng với giáo dục vùng khó thì đến năm 2030 vẫn còn khó đáp ứng.

Thầy Lý Văn Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Facebook nhà trường.

Thầy Lý Văn Công - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Xuyên (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Facebook nhà trường.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta có thể tổ chức thi bằng cách tập trung thí sinh về trung tâm, về vùng thuận lợi, nơi có thể đáp ứng được thiết bị và công nghệ để đảm bảo tham dự được kỳ thi.

Thứ hai, nếu chúng ta có thể đẩy mạnh được mô hình của các trung tâm kiểm định độc lập mở rộng về các địa phương, thì việc tổ chức thi trên máy tính sẽ sớm được triển khai một cách toàn diện. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức được nhiều đợt thi khác nhau, không cần phải tính toán đến câu chuyện trang bị thiết bị và công nghệ ở từng trường mới có thể tổ chức thi tốt nghiệp”.

Mộc Trà