Thứ trưởng Bộ GD lưu ý “4 đúng, 3 không” khi tham gia công tác thi tốt nghiệp

17/04/2023 15:36
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Không tự ý xử lí tình huống, sự cố bất thường. Khi có sự cố, tình huống bất thường cần báo cáo ngay theo từng cấp độ, đúng quy trình để thống nhất xử lí".

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tại hội nghị tập huấn công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng ngày 17/4.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 405 đại biểu đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng An ninh Chính trị nội bộ - PA03 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, các đại biểu tham dự đã được nghe giới thiệu tóm tắt những điểm mới Quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; lưu ý trong quá trình tổ chức thi.

Tình hình, kết quả công tác phối hợp, đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi năm 2022 và giải pháp nâng cao hiệu quả năm 2023; hướng dẫn phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong kỳ thi;

Thông báo một số nội dung về tuyển sinh đại học và trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023; tình hình đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi, giải đáp thắc mắc về kỳ thi.

Kì thi quan trọng

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Chúng ta đều thấy đây là một kì thi hết sức quan trọng, đầy khó khăn, phức tạp, nhạy cảm và áp lực. Điều đó thể hiện ở mấy yếu tố.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AN

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AN

Thứ nhất, kì thi diễn ra trên một không gian rất rộng, trên phạm vi toàn quốc, nhiều chủ thể tham gia, từ lãnh đạo, bộ ngành cho đến tỉnh, sở, các cán bộ, nhân viên, chuyên viên.

Nếu tính cả thí sinh, học sinh thì có tới hàng triệu người tham dự. Kì thi diễn ra trên toàn quốc chỉ trong 2 ngày nhưng công tác chuẩn bị, từ in sao đề thi, coi thi, chấm thi, lên điểm, phúc khảo… khoảng 2 tháng.

Với thời gian thường diễn ra vào mùa hè, thời tiết nóng bức, áp lực công việc lớn, sự quan tâm của xã hội cũng rất sát sao cũng tạo nên áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong.

Tính chất công việc đòi hỏi đảm bảo quy trình chặt chẽ, đúng thời gian, trách nhiệm nặng nề”.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, với sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương, chúng ta đã tổ chức rất tốt kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm. Tuy nhiên, mỗi năm có những đặc điểm khác nhau trong tổ chức công việc này.

Cũng có người đặt câu hỏi, tại sao năm nào chúng ta cũng phải tổ chức các kì tập huấn, hướng dẫn. Đó là bởi vì công tác chuẩn bị bất cứ một công việc gì cũng hết sức quan trọng, góp phần quyết định sự thành công của công việc đó.

Chuẩn bị càng kĩ lưỡng, càng chủ động, càng chu đáo, từ xây dựng kế hoạch cho đến lường trước các phương án, các tình huống có thể xảy ra, và chủ động dự phòng những giải pháp để xử lí.

Với lực lượng công an, quân đội thì luôn có câu “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.... Đối với ngành giáo dục cũng vậy. Tập huấn, trao đổi, tháo gỡ, thực hành kĩ lưỡng thì khi tổ chức thực hiện sẽ chủ động hơn trong những công việc này”.

“4 đúng, 3 không”

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng lưu ý lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, cán bộ sẽ tham gia công tác thi sắp tới những “từ khóa” quan trọng, có thể vận dụng phù hợp trong quá trình tổ chức kì thi.

Đó là, thực hiện 4 đúng gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm (kịp thời xử lí tình huống, sự cố bất thường).

Thực hiện 3 không gồm: Không lơ là, chủ quan. Với bất cứ ai dù nhiều kinh nghiệm, tự tin, thành tích hay lần đầu tiên làm thi, với công tác thi này, cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, kĩ lưỡng bao nhiêu cũng không thừa.;

Không tự ý xử lí tình huống, sự cố bất thường. Khi có sự cố, tình huống bất thường cần báo cáo ngay theo từng cấp độ, đúng quy trình để thống nhất xử lí;

Không căng cứng, áp lực thái quá. Điều này có thể dẫn tới mất đi sự linh hoạt, chủ động.

“Chúng ta không cầu toàn, hàng trăm nghìn cán bộ tham gia tất cả các công đoạn của kì thi, không thể khẳng định không có sai sót, nhưng những sai sót, vướng mắc đó có thể chấp nhận được, trong tầm kiểm soát, có thể xử lí kịp thời và không ảnh hưởng đến chất lượng của kì thi, không ảnh hưởng đến tính công bằng, sự an toàn của kì thi.

Không để dẫn đến tình trạng áp lực quá, làm sai cũng không dám báo cáo; Từ sai sót nhỏ, không kịp thời báo cáo, xử lí trở thành vi phạm lớn, gây ra hậu quả lớn”, Thứ trưởng Thưởng giải thích thêm.

AN NGUYÊN