Sửa Nghị định 99/2019 là cần thiết nhưng cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa hết khó

24/04/2023 06:38
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến để rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP.

Sửa đổi, bổ sung Nghị định thì mới chỉ ở bước chi tiết hóa, hướng dẫn cho rõ...

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP là việc làm rất cần thiết và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, sửa đổi Nghị định 99 vẫn chưa thể tháo gỡ được hết khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Thực tế, Nghị định 99/2019 là văn bản pháp lí “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học”. Khi sửa đổi, bổ sung cũng chỉ là chi tiết hóa, hướng dẫn cho rõ, còn những vấn đề khác Luật đã quy định mà gặp bất cập thì chỉ có sửa Luật mà thôi.

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Ảnh minh họa: Phạm Minh

Một ví dụ cụ thể, theo Luật quy định, cơ sở đang gặp khó mà chưa thể sửa lần này, đó là tại Điểm h, Khoản 2, Điều 16 của Luật Giáo dục đại học (Luật 34/2018) quy định: Hội đồng trường phải “báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn thể của trường đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường”; tương tự tại Điểm e, Khoản 1, Điều 18 cũng ghi rõ Hội đồng đại học “báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn thể của đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng đại học”.

Với quy mô của các trường đại học/đại học lớn như hiện nay, việc thực hiện báo cáo trước hội nghị toàn thể là không khả thi và chưa phù hợp với thực tế. Thế nhưng Luật đã ghi thì các trường đại học/đại học phải thực hiện. Việc thực hiện thực sự khó khăn, và nhiều khi chỉ là hình thức.

Nhưng chưa hết khó…

Trước hết, dự thảo đã đề nghị sửa đổi Điều 4 và Điều 5 của Nghị định 99/2019. Trong đó, chủ yếu là làm rõ hơn, chi tiết hơn “điều kiện thành lập” trường đại học và đại học. Việc điều chỉnh này là cần thiết, và dự thảo đã thể hiện khá rõ, để các cơ sở giáo dục đại học thuận lợi hơn trong triển khai.

Tuy nhiên, vấn đề căn bản vẫn là xác định lại mô hình phát triển đại học Việt Nam, mô hình quản lí nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục đào tạo đại học, chứ không chỉ là thay tên gọi gắn với quy mô. Mặt khác, xét về bản chất các mô hình quản trị của đại học quốc gia và đại học vùng cũng phải khác với các mô hình quản trị đại học đa ngành như hiện nay. Do vậy, dù rõ nhưng vẫn khó!

Thứ hai, phần lớn nội dung của dự thảo lần này là điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Điều 7 và Điều 9 của Nghị định 99. Cụ thể: “Điều 7. Quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập” và “Điều 9. Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng đại học”.

Có thể nói nội dung điều chỉnh 2 điều này là rất quan trọng. Bởi sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 99/2019, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế khi chuyển đổi mô hình quản trị ở cơ sở giáo dục đại học và cũng đã xuất hiện mới các văn bản pháp lí có liên quan, trong khi hướng dẫn thực hiện thì chồng chéo.

Chẳng hạn, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2020, thì ngay sau đó một số văn bản dưới luật có liên quan cũng được ban hành, có một nội dung gây khó cho cơ sở khi áp dụng. Cụ thể là: Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập;

Đối với Điều 7 và Điều 9 được sửa đổi theo dự thảo lần này là tương đối rõ. Theo đó, đã xác định cụ thể thành phần tập thể lãnh đạo cũng như xác định cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận đối với Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục công lập, để phù hợp với hướng dẫn tại Nghị định 115/2020 và Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 18/8/2022.

Thứ ba, có một vấn đề mà các cơ sở giáo dục công lập gặp nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện, đó là quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự.

Ngay sau Nghị định 99/2019 ra đời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 “quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập”.

Dự thảo lần này cũng xác định điều chỉnh “Điều 13. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học”. Tuy nhiên, dự thảo cũng chỉ bổ sung thêm cụm từ “và pháp luật khác có liên quan” để cho rõ hơn về mặt văn bản. Trong thực tế, mặc dù Nghị định 99/2019 quy định “cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản theo quy định của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập” nhưng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng đâu thể nào thực hiện điều gì vượt qua khỏi giới hạn “pháp luật khác có liên quan”.

Nên có thể nói dự thảo sửa đổi Nghị định 99/2019 chỉ ghi thêm nội dung cho đầy đủ, chứ thực tế vẫn chưa thể tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập về tự chủ đại học.

Tóm lại, Nghị định 99/2019 rất cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tế để dễ thực hiện, đồng thời các nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chính phủ sửa đổi là cơ bản rõ ràng. Tuy nhiên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nhất là tạo điều kiện để giáo dục đại học Việt Nam thực sự phát triển và hội nhập, rất cần đầu tư xem xét, sửa đổi một cách căn bản một số nội dung trong Luật Giáo dục đại học.

Hướng Sáng