Bạo lực học đường: Nỗi ám ảnh bao giờ được xóa bỏ?

28/09/2022 06:38
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có lẽ các vụ bạo lực học đường đã được dư luận “phanh phui” chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, thực tế còn phức tạp hơn nhiều.

Đầu năm học 2022 – 2023 ngành giáo dục đã và đang “đau đầu” với “bài toán khó” thiếu giáo viên.

Việc thiếu giáo viên cục bộ đã lộ ra những điểm yếu mà bất cứ giáo viên, phụ huynh nào cũng không muốn xảy ra, đó là chất lượng, số lượng, giáo viên “môn mới” chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Một vấn đề khác, tuy cũ nhưng vẫn đang ám ảnh mỗi nhà giáo, đó là tình trạng bạo lực học đường.

Mở đầu, người viết điểm qua một số vụ bạo lực học đường đầu năm học 2022- 2023 đã được báo chí lên tiếng, đau lòng nhất, bạo lực học đường do giáo viên gây ra với học sinh.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) xác nhận, Trường Mầm non chất lượng cao Kỳ Bá Fairy Dream 2 (P.Kỳ Bá, TP.Thái Bình) đã tạm đình chỉ cô P.T.T.T (giáo viên của trường) do nghi ngờ có liên quan đến việc dùng vật nhọn đâm vào trẻ mầm non.[1]

Theo báo cáo của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), do không kiềm chế được bản thân, cô giáo chủ nhiệm 50 tuổi hôm 14/9 đã dùng tay đánh vào tay và vai trái của học sinh vì bé chậm tiếp thu bài giảng, viết bài chậm.[2]

Một thầy giáo Trường Trung học phổ thông Hùng Vương, huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) dùng mũ bảo hiểm, thước gỗ đánh vào đầu học trò tại sân thể dục của trường trong giờ giải lao.[3]

Bị bạn học đánh trong giờ ra chơi, nam sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội) chấn thương sọ não, phải nhập viện.[4]

Sáng 17/9, bà Cái Thị Cẩm Hương - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, đơn vị vừa nhận được báo cáo của Trường Trung học cơ sở Lộc Thủy về việc 2 nữ sinh trường này đánh nhau.[5]

Ảnh minh họa: Phunuvietnam.vn

Ảnh minh họa: Phunuvietnam.vn

Hai học sinh lớp 7A7 của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tây Sơn bị nhóm học sinh một số trường trên địa bàn thành phố Đà Lạt đánh nhiều lần, phải vào bệnh viện điều trị.[6]

Do mâu thuẫn, một nữ sinh lớp 10 đã bị bạn gái học cùng lớp 10C6, Trường Trung học phổ thông Anh Sơn 3 (đóng trên địa bàn xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) tát liên tiếp vào mặt nhiều cái ngay trong lớp học.[7]

Các vụ bạo lực học đường đã được dư luận “phanh phui” có lẽ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, thực tế còn phức tạp hơn nhiều.

Bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh ngày càng gia tăng, phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã có công văn chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bạo lực học đường ngay từ đầu năm học 2022-2023.

Phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm của ai?

Chuyện bạo lực học đường xưa nay vẫn xảy ra không chỉ riêng nước ta mà tất cả trường học trên thế giới. Vì vậy việc phòng, chống bạo lực học đường là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong giáo dục nhân cách học sinh.

Để phòng, chống bạo lực học đường, giáo viên phải có kiến thức, kĩ năng, nhà trường phải có kế hoạch.

Vì thế hàng năm, hàng tháng, hàng tuần, giáo viên phải được nhắc nhở, bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng phòng, chống bạo lực học đường.

Trong Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023, nội dung phòng, chống bạo lực học đường được hướng dẫn như sau:

“Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; công tác xã hội trong trường học.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, bao gồm: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính, phòng chống tệ nạn xã hội; giáo dục quyền con người; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình và nhà trường; giáo dục chăm sóc mắt và phòng chống mù, lòa cho học sinh; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo, quốc phòng và an ninh; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; giáo dục thông qua di sản; giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục an toàn giao thông; giáo dục tăng cường năng lực số, chuyển đổi số và các nội dung giáo dục lồng ghép phù hợp khác theo quy định”.[8]

Giáo dục đang hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực người học, việc phòng, chống bạo lực phải được coi trọng, theo người viết, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023, nội dung phòng, chống bạo lực học đường như vậy là chưa phù hợp.

Trong chương trình ETEP, có 9 mô đun bồi dưỡng giáo viên, trong đó chỉ có các mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 là bồi dưỡng cho tất cả giáo viên; các mô đun 6, 7, 8 bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán.

Mô đun 6 “Xây dựng văn hoá nhà trường ở trường Tiểu học/Trung học cơ sở Trung học phổ thông”;

- Mô đun 7 “Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường trong trường Tiểu học/Trung học cơ sở Trung học phổ thông”;

- Mô đun 8 “Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trường Tiểu học/Trung học cơ sở Trung học phổ thông”;

Phải chăng nhiệm vụ “Xây dựng văn hoá nhà trường; Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh” chỉ có cán bộ quản lýgiáo viên cốt cán thực hiện?

Hiện nay chưa thấy kế hoạch bồi dưỡng giáo viên sau khi cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán học bồi dưỡng mô đun 6, 7, 8; nếu có chương trình bồi dưỡng do cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán thực hiện, không có kiểm tra đánh giá, chất lượng sẽ ra sao?

Trong khi đó “Xây dựng văn hoá nhà trường; Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh” góp phần quyết định đến chất lượng giáo dục, chất lượng công dân.

Người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên triển khai bồi dưỡng mô đun 6, 7, 8 cho giáo viên cũng là giải pháp xây dựng văn hóa nhà trường, trường học thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, huy động nguồn lực gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/co-giao-thua-nhan-dung-gai-buoi-cham-vao-nguoi-tre-post1502766.html

[2]https://vnexpress.net/co-giao-danh-hoc-sinh-lop-mot-bam-vai-4512543.html

[3]https://vnexpress.net/thay-giao-dung-mu-bao-hiem-danh-vao-dau-hoc-sinh-4509174.html

[4]https://vtc.vn/mot-hoc-sinh-o-ha-noi-bi-ban-danh-chan-thuong-so-nao-ar702447.html

[5]https://vtc.vn/khong-mua-nuoc-giup-ban-nu-sinh-lop-8-o-hue-bi-danh-chay-mau-dau-ar701392.html

[6]https://vtc.vn/hai-hoc-sinh-lop-7-bi-danh-nhieu-lan-phai-nhap-vien-cap-cuu-ar700291.html

[7]https://vtc.vn/xac-minh-clip-2-nu-sinh-danh-nhau-ban-be-dung-ngoai-co-vu-quay-clip-ar702169.html

[8]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-4020-BGDDT-GDTrH-2022-huong-dan-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2022-2023-527818.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai