Bình Phước kiến nghị không tinh giản biên chế cào bằng, cơ học hàng năm

21/04/2023 06:46
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bình Phước đề nghị xem xét bổ sung 1.489 biên chế làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2023.

Nhiều trường không đủ phòng học, thiếu thiết bị dạy học

Vừa qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Trong báo cáo này, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục phát triển ổn định.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Một trong những kết quả tích cực được ghi nhận trong báo cáo là: Các địa phương và cơ sở giáo dục luôn chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ.

Đồng thời, việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá; đổi mới về quản trị các cơ sở giáo dục cũng được quan tâm, triển khai nhanh chóng, bước đầu có những kết quả tích cực.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào ngày 19/4. Ảnh: UBND tỉnh Bình Phước cung cấp.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào ngày 19/4. Ảnh: UBND tỉnh Bình Phước cung cấp.

Kết quả cụ thể trong năm học 2021-2022: Chất lượng giáo dục lớp 1, lớp 2 cơ bản vẫn duy trì ổn định so với năm học trước; mức độ hình thành và phát triển từng năng lực, phẩm chất của học sinh đạt kết quả cao. Tỉ lệ học sinh được đánh giá “Hoàn thành” và “Hoàn thành tốt” đạt 95,4% ở môn Tiếng Việt và 96,5% ở môn Toán (học sinh dân tộc thiểu số các tỉ lệ này là 89,4% và 91,7%). Số học sinh được đánh giá “Cần cố gắng” ở từng phẩm chất, năng lực chỉ ở dưới mức 1,31%.

Đối với lớp 6: Số học sinh có kết quả học tập xếp loại Đạt trở lên chiếm 92%, kết quả rèn luyện xếp loại Đạt trở lên chiếm 99,6% (học sinh dân tộc thiểu số các tỉ lệ này là 86,2% và 98,8%); học sinh cơ bản đã đạt được mục tiêu, yêu cầu cần đạt.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã giúp học sinh và giáo viên năng động, sáng tạo hơn; cha mẹ học sinh đồng lòng ủng hộ, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc:

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ triển khai Chương trình còn thiếu khá nhiều, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mặt khác còn bị hư hỏng, xuống cấp.

Năm học 2021-2022, nhiều trường không đủ phòng học cho việc tổ chức dạy học 2 buổi; một số trường có phòng học nhỏ, số lượng bàn ghế đủ cho nhu cầu học tập các bộ môn văn hóa nhưng chưa đủ, chưa phù hợp với hình thức dạy học theo nhóm, dạy học các tiết thực hành.

Một số địa phương chưa trang bị đủ thiết bị dạy học cho các điểm trường (máy chiếu, ti vi, mạng Internet…) nên việc triển khai các hình thức, phương pháp dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, học liệu điện tử chưa đồng bộ.

Các phòng chức năng của một số trường còn thiếu hoặc chưa đảm bảo diện tích, thiếu dụng cụ, thiết bị; chưa có nhà đa năng nên việc tập luyện, vui chơi của học sinh còn gặp khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa.

Công tác mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10 đến thời điểm này vẫn chưa thể thực hiện nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học.

Đội ngũ giáo viên của các trường phổ thông chưa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập để phục vụ cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cụ thể năm học 2021-2022, trên địa bàn tỉnh có tỉ lệ giáo viên/lớp như sau: Tiểu học 1,33 giáo viên/lớp, trung học cơ sở 1,84 giáo viên/lớp, trung học phổ thông 2,15 giáo viên/lớp (theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, tỉ lệ bậc tiểu học là 1,5 giáo viên/lớp, trung học cơ sở 1,9 giáo viên/lớp, trung học phổ thông 2,25 giáo viên/lớp, phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở 2,2 giáo viên/lớp, phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông 2,4 giáo viên/lớp, trường chuyên 3,1 giáo viên/lớp).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 52 trường liên cấp (tiểu học và trung học cơ sở, trung học cơ sở và trung học phổ thông) nên đội ngũ Ban Giám hiệu phải quản lý 02 cấp học. Các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên ngoài việc phải thực hiện các nhiệm vụ như các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông theo quy định tại Điều lệ trường trung học còn phải thực hiện thêm các nhiệm vụ đặc thù theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên biệt và nhiệm vụ quản lý hoạt động tự học, hoạt động nội trú của học sinh.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, mỗi đơn vị chỉ được bố trí không quá 02 phó hiệu trưởng, sẽ rất khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ.

Môn Khoa học tự nhiên cấp trung học cơ sở chưa có giáo viên đủ trình độ chuyên môn để dạy cả ba phân môn nên nhiều đơn vị còn gặp khó khăn, lúng túng khi phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu, thực hiện chương trình.

Việc tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đại trà các mô đun còn chậm; do dịch Covid-19 phải bồi dưỡng trực tuyến nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả bồi dưỡng.

Việc lựa chọn sách giáo khoa: Còn một số khó khăn liên quan đến tham mưu thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và khó khăn liên quan đến công tác đề xuất lựa chọn sách giáo khoa môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp trung học phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được hướng dẫn giảng dạy theo hướng mở, giao quyền chủ động cho nhà trường trong việc thực hiện chương trình. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ động, linh hoạt cũng là một trong số những khó khăn do giáo viên quen với việc thực hiện theo khuôn mẫu. Lãnh đạo một số trường chưa có kinh nghiệm, còn lúng túng khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.

Về kết quả đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm học 2021-2022: Số học sinh lớp 1, 2 chưa hoàn thành chương trình môn học, phải ở lại lớp chiếm 4,8% (1.984 học sinh); số học sinh lớp 6 có kết quả học tập xếp loại Chưa đạt vẫn còn chiếm 0,8% (1.257 học sinh), có kết quả rèn luyện xếp loại Chưa đạt còn chiếm 0,4% (58 học sinh).

Tạo thuận lợi xã hội hóa, giảm “gánh nặng” cho khối công lập

Từ những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đề xuất các nhóm giải pháp khắc phục để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong những năm tới.

Thứ nhất, nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật: Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đối chiếu với việc thực hiện trong thực tiễn để có kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Thứ hai, nhóm giải pháp về quản lý nhà nước và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị rà soát, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhằm tiếp tục sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục trên địa bàn, tinh giản những chức danh chưa thật sự cần thiết; đẩy mạnh công tác tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng biên chế tiết kiệm được bổ sung cho biên chế giáo viên.

Tiếp tục triển khai cho các địa phương, đơn vị thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời; tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo và thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc; đồng thời hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng biên giới, dân tộc thiểu số.

Thứ ba, nhóm giải pháp về đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông (con người, tài chính, cơ sở vật chất...):

Trước hết, về con người: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát thực trạng nhu cầu biên chế phục vụ cho công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018; rà soát, điều chuyển biên chế thừa, thiếu cục bộ giữa các địa phương, đơn vị trên địa bàn; báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bổ sung biên chế để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hằng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; Kế hoạch nâng chuẩn cho đội ngũ nhà giáo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, đảm bảo đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường xúc tiến, tạo môi trường thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục trên địa bàn, góp phần giảm “gánh nặng” về biên chế giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập.

Thứ hai, về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án về đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; ưu tiên, quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các vùng khó khăn, vùng biên giới, dân tộc thiểu số.

Tiếp tục bố trí đầy đủ kinh phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ khác trong Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (kinh phí biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; lựa chọn sách giáo khoa; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên…).

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa tại các cơ sở giáo dục để có thêm nguồn lực thực hiện việc nâng cấp, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học.

Đề nghị xem xét bổ sung cho tỉnh Bình Phước 1.489 biên chế

Không chỉ đưa ra các giải pháp thiết thực để khắc phục những vướng mắc còn tồn tại, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ ngành có liên quan.

Đối với Chính phủ: Đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế theo hình thức cào bằng, cơ học hằng năm đối với tất cả các địa phương.

Xem xét bổ sung cho tỉnh Bình Phước 1.489 biên chế (theo Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 20/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Bình Phước năm 2023).

Điều chỉnh Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng các trường tiểu học và trung học cơ sở, trung học cơ sở và trung học phổ thông; trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên được bố trí không quá 03 phó hiệu trưởng.

Bên cạnh đó, có chế độ ưu tiên đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong việc sử dụng sách giáo khoa mới với giá thành rẻ hoặc cấp miễn phí.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn việc giải quyết những khó khăn liên quan đến tham mưu thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và khó khăn liên quan đến công tác đề xuất lựa chọn sách giáo khoa môn Âm nhạc, Mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông.

Ban hành Thông tư hướng dẫn cơ cấu chi phí và quy trình thực hiện đầu tư thiết bị giáo dục theo Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành của Luật Đầu tư công; đối với các thiết bị giáo dục không có cấu phần xây dựng, cụ thể: quy trình thực hiện, phương pháp tính chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và chi phí khác; ban hành đơn giá thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học theo Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học, Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp trung học cơ sở, Thông tư số 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp trung học phổ thông; ưu tiên hỗ trợ thiết bị dạy học cho tỉnh Bình Phước từ các chương trình, dự án do Bộ quản lý.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Mộc Trà