Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 15/5/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới.
Theo đó, đối với học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp. [*]
Nghị định 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo được ban hành từ ngày 27/8/2021.
Theo lộ trình thực hiện, quyết định tăng học phí sẽ được áp dụng từ năm học 2022-2023 và tăng theo lộ trình hằng năm. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh do những khó khăn từ ảnh hưởng của dịch bệnh, ngày 20/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 yêu cầu cơ sở giáo dục công lập giữ nguyên mức học phí như năm học trước đó.
Việc giữ ổn định học phí phần nào đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các cơ sở giáo dục trong cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất; giữa bối cảnh tự chủ, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hàng năm. Trong khi đó, học phí lại là nguồn thu chính của các trường hiện nay.
Trong bối cảnh đó, chỉ đạo mới của Phó Thủ tướng Chính phủ được nhiều lãnh đạo các trường đại học tán thành và ủng hộ. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho rằng: “Học phí phải phản ánh đúng đơn giá dịch vụ giáo dục. Tăng học phí là một trong những nhu cầu để các trường, đặc biệt đối với các trường tự chủ toàn diện để đảm bảo nguồn thu và chi; Đây cũng là điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng đào tạo”.
"Giáo dục đại học hiện nay là một thị trường cạnh tranh; Tùy từng trường đại học, bên cạnh việc bám sát theo Nghị định 81, mỗi cơ sở sẽ có những mức học phí cạnh tranh khác nhau", Thầy Châu chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường dự kiến thực hiện tăng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81, tuy nhiên mức tăng không vượt quá 10%.
“Chúng tôi cho rằng, học phí là một trong những nghĩa vụ tài chính của người học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cân nhắc thêm tới các điều kiện kinh tế xã hội, khả năng tài chính của số đông sinh viên theo học tại trường để có tính toán mức tăng học phí phù hợp với Nghị định 81.
Do vậy, tới đây, nhà trường cũng đang dự kiến sẽ tăng mức học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81, tuy nhiên mức tăng đảm bảo không vượt quá 10% so với năm học trước”, thầy Châu chia sẻ thêm.
Cũng đồng tình với chỉ đạo mới của Phó Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho biết:
“Nhằm chia sẻ với xã hội, các trường đại học đã không thực hiện tăng học phí suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chi phí dịch vụ đều leo thang, tỷ lệ lạm phát 2 năm qua dù thấp nhưng cộng lại cũng xấp xỉ mức 8%. Do vậy, quyết định cho phép các trường đại học tăng học phí phù hợp lộ trình Nghị định 81 của Phó thủ tướng Chính phủ là rất phù hợp”.
Tuy nhiên, thầy Hiệp cũng nhận định rằng, các trường đại học sẽ có mức điều chỉnh tăng không đến ngưỡng tối đa 15% (như Nghị định 81 cho phép). Đối với Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, dự kiến năm học 2023-2024, nhà trường cũng thực hiện việc tăng học phí theo Nghị định 81, tuy nhiên mức tăng không vượt quá 10% so với những năm trước.
Thầy Hiệp phân tích, việc được phép tăng học phí trong năm học tới đây sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các trường. Cụ thể, học phí tăng sẽ giúp nhà trường có điều kiện bù đắp các chi phí cho người học như về nguyên vật liệu, chi phí điện nước,...
“Đối với các trường quy mô nhỏ, mức tăng học phí khoảng 10% thì nguồn tăng thêm không phải quá lớn, tuy nhiên đây cũng là nguồn trợ giúp tương đối nhiều cho các trường trong nâng cao chất lượng đào tạo”, thầy Hiệp nhấn mạnh thêm.
Tăng học phí cần có lộ trình, đặc biệt cân nhắc tới điều kiện tài chính người học
Lãnh đạo các trường đại học khẳng định luôn dành nguồn ngân sách chi học bổng khuyến khích, hỗ trợ sinh viên, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác để đảm bảo cơ hội học tập cho tất cả sinh viên. Ảnh minh họa: TL |
Đồng tình với quyết định thực hiện tăng học phí từ năm học 2023-2024, tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng khẳng định sẽ cân nhắc tới khả năng tài chính của người học. Đây cũng là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế và dễ bị tổn thương được tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng.
Chưa có tính toán về học phí năm học 2023-2024, tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết:
“Khi có chỉ đạo cho phép tăng học phí năm học tới đây, nhà trường sẽ cân đối mức tăng vừa phải, đảm bảo hài hòa giữa kinh phí nâng cao chất lượng đào tạo cũng như điều kiện kinh tế của người học”.
Thầy Khanh nhấn mạnh tới việc tăng học phí phải thực hiện theo lộ trình từng bước từ 10-12%/năm, tránh tăng đột biến vì điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới người học. Đặc điểm sinh viên Trường Đại học Kiên Giang đa số là con em vùng đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện kinh tế còn khó khăn, do vậy để đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh, nhà trường luôn chú trọng tới các chính sách hỗ trợ học tập.
Hiện nhà trường luôn dành 8% ngân sách hàng năm để chi cho học bổng khuyến khích sinh viên theo quy định. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh vận động tài trợ xã hội từ các doanh nghiệp và mạnh thường quân để có thêm các quỹ khuyến học cho sinh viên. Được biết, nguồn quỹ khuyến học năm nay nhà trường đã vận động được là hơn 350 triệu đồng, dự kiến năm học tới đây nguồn khuyến học lên tới khoảng 500 triệu đồng.
Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cũng có các chính sách học bổng khuyến khích sinh viên tương tự nhằm hỗ trợ thêm cho người học.
Nhận định quyết định cho phép các trường tăng học phí theo Nghị định 81 là một chính sách có tác động lớn đến xã hội, do vậy, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực mong rằng Nhà nước sớm cụ thể hóa các chính sách để các trường tổ chức thực hiện. Đồng thời, về phía người học, các bậc phụ huynh sẽ có thêm cơ sở để quyết định lựa chọn trường đại học, đảm bảo phù hợp với chất lượng đào tạo, nguyện vọng nghề nghiệp cũng như khả năng tài chính của gia đình.
Đây cũng là ý kiến của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Theo thầy Hiệp, khi nào có văn bản chính thức của Chính phủ về việc cho phép các trường tăng học phí theo Nghị định 81 từ năm học 2023-2024 thì các trường sẽ yên tâm thực hiện hơn.
Việc này tránh trường hợp như năm ngoái, Nghị định 81 đã có hiệu lực thực hiện. Tuy nhiên, đến tận cuối năm (tháng 12/2022) khi các trường đã thu xong học phí học kỳ 1, lúc này Chính phủ mới ra Nghị quyết điều chỉnh học phí khiến các trường bị động.
Trước khi có chỉ đạo chính thức từ Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, nhiều trường đại học cũng đã đưa ra mức học phí dự kiến năm 2023-2024 tăng từ 10-20% như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh,...
Tài liệu tham khảo:
[*]: https://giaoduc.net.vn/som-ap-dung-chinh-sach-hoc-phi-gddh-nghe-nghiep-theo-huong-tinh-dung-tinh-du-post235123.gd