Trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc gia "Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức vào ngày 12/5, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, từ trước tới nay, Hiệp hội tổ chức rất nhiều chương trình diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, để các trường cùng nhau thảo luận, chia sẻ, cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc của giáo dục đại học, các trường hoàn toàn có thể chủ động tham gia vào các hoạt động Hiệp hội tổ chức.
Về vấn đề đầu tư cho giáo dục đại học, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đặt vấn đề: Chúng ta khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng giáo dục đã thực sự được xem là quốc sách hàng đầu chưa?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (bên phải) và Phó Giáo sư Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang chủ trì phiên thảo luận thứ tư tại Hội thảo. |
Số liệu Bộ Tài chính cung cấp những năm gần đây cho thấy sự đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp. Tổng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nói chung là 5-6 % GDP, nhưng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP.
Tiến sĩ Khuyến nêu: "Chúng ta đã có Nghị định 60 về tự chủ tài chính nhưng các trường đại học vẫn chưa hết khó khăn về tự chủ tài chính, nói là tự chủ tài chính nhưng thực tế là đang phải tự túc tài chính, các trường tự kiếm tiền lo cho hoạt động giáo dục, đào tạo".
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, muốn tăng GDP bình quân đầu người thì phải tăng tỷ lệ nhập học đại học, nhưng tỷ lệ nhập học đại học hiện đang thấp, vậy làm sao Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp?
Tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đại học, cho nguồn nhân lực chất lượng cao cũng thấp, điều này sẽ khó thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự quan tâm của Nhà nước đối với giáo dục đại học phải được thể hiện ở việc tăng ngân sách cho giáo dục đại học từ tổng ngân sách chi cho giáo dục nói chung.
“Có nhiều quan điểm cho rằng, nguồn đầu tư Nhà nước cho giáo dục đại học còn hạn chế thì phải tăng nguồn thu từ xã hội hóa, nhưng các trường đang chủ yếu lấy nguồn thu từ học phí, nếu không tăng học phí thì giảm chất lượng giáo dục, nhưng tăng học phí lại ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của con em nhân dân, đặc biệt là những gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Chúng ta phải đảm bảo sự công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Vì vậy, phải tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học và phải tìm kiếm thêm các nguồn lực khác để phát triển giáo dục đại học”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam khẳng định.
Cần hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý
Kết luận Hội thảo khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, Hiệp hội phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”.
Hội thảo đã tập trung vào 7 chủ đề quan trọng.
Chủ đề thứ nhất là cơ chế, chính sách cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi vào việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ.
Việc bảo đảm tự chủ đại học đúng nghĩa có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay và cần được sự quan tâm ủng hộ của hệ thống quản lý nhà nước, của xã hội và của chính hệ thống đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổng kết Hội thảo khoa học. |
Ở chủ đề này, các tác giả đã đưa ra những giải pháp thực tiễn nhằm tăng cường huy động, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo sự đồng bộ, thống nhất để bảo đảm tự chủ đại học; Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho các cơ sở giáo dục đại học theo hướng đầu tư công và đầu tư chiều sâu; Quản lí Nhà nước về tự chủ đại học phải tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, trao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm một cách đồng bộ;…
Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ tạo ra cơ chế đột phá, thu hút, huy động các nguồn lực đa dạng đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân cho phát triển đại học.
Chủ đề 2 là nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập, các tác giả đã đề cập đến một số nội dung.
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đổi mới phương thức quản lý nhà nước và xây dựng môi trường thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để thực hiện tự chủ đại học toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân trách nhiệm tới các cơ sở giáo dục đại học, cân bằng giữa quyền và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ; ban hành các văn bản quy định, các tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị được giao tự chủ; làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý trực tiếp và chính quyền địa phương đối với phát triển hệ thống giáo dục đại học và quản lý các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ ba, tăng cường đầu tư, phát triển các nguồn lực thông qua việc hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư, chi ngân sách nhà nước đối với giáo dục đại học theo chủ trương, nghị quyết của Đảng và quy định tại Luật Giáo dục đại học.
Thứ tư, đổi mới phương pháp phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học theo kết quả đầu ra; định mức phân bổ chi phí đào tạo có sự phân biệt giữa các cơ sở gắn với chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Thứ năm, tại các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh hoạt động tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; thực hiện bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ viên chức, giảng viên và người lao động trong toàn trường về các chủ trương, chính sách tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước;…
Thứ sáu, các trường cần thực hiện tốt công tác bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao thương hiệu của trường, để ngày càng thu hút được người học; có chính sách chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người dạy, người học.
Chủ đề 3 là nguồn lực con người cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ.
Đại hội XIII chủ trương: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”. Để thực hiện tốt nội dung này, đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể và lâu dài, với hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực, khả thi, trong đó có thể tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý trong các trường đại học, cao đẳng.
Thứ hai, thực hiện chính sách ưu đãi đối với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý ở các trường đại học, cao đẳng.
Thứ ba, trọng dụng nhân tài, tuyển dụng khách quan; nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, quản lý của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý.
Chủ đề 4 là nguồn lực ý tưởng cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ
Tại Hội thảo, các tác giả đã đi sâu phân tích và gợi ý về nguồn ý tưởng tiếp cận mới trong phát triển giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ trước bối cảnh tự chủ tại các trường đại học - cao đẳng Việt Nam và phương pháp Nano-learning trong cơ sở giáo dục.
Chủ đề 5 là nguồn lực công nghệ cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ.
Hội thảo đã đã khái quát vai trò, chỉ ra thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, từ đó đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông trong giảng dạy hiện nay với những nhận xét xác đáng như:
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy giúp dễ dàng thu thập, lưu trữ và tổng hợp kiến thức đa dạng phong phú, cập nhập thường xuyên;
Công nghệ mang lại sự tiện lợi trong không gian và thời gian hết sức linh hoạt. Bên cạnh đó, công nghệ giúp hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giảng và giảng dạy;
Chủ đề 6 là tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học.
Hội thảo đã đi sâu nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học ở nước ta hiện nay.
Cụ thể: Đổi mới tư duy hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học; Đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học; Phát huy tính chủ động, tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong đa dạng hoá và đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các tổ chức, các trường đại học uy tín trên thế giới trong giáo dục và đào tạo.
Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần có nghiên cứu đánh giá đầy đủ, toàn diện về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại học trong nước để đạt được hiệu quả của công tác này.
Chủ đề 7 liên quan đến một số vấn đề khác, tự chủ là cần thiết cho các trường đại học để đổi mới và đáp ứng nhu cầu của kinh tế số, nó cũng đặt ra những thách thức về trách nhiệm, đảm bảo chất lượng và quản lý nguồn lực.
Các trường đại học cần phải tạo ra các chương trình học tập mới, nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện hạ tầng vật chất và tăng cường quảng bá thương hiệu để thu hút và giữ chân sinh viên.