Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: GDĐH đang khó khăn về tài chính, nguồn lực, cơ chế

12/05/2023 06:22
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hai năm qua các trường không được tăng học phí, việc chi ngân sách cho giáo dục đại học tính theo GDP hay tổng chi cho giáo dục đều rất thấp.

Tại buổi tọa đàm: “Điều hành của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học, thực tiễn và kinh nghiệm” do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Y dược Cần Thơ phối hợp tổ chức vào ngày 11/5, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ đã có những chia sẻ về: “Điều hành hoạt động hội đồng trường – thực tiễn và kinh nghiệm, trường hợp của Trường Đại học Cần Thơ".

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ.

Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Phương, Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện được một số việc như: Hội đồng trường của Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đúng qui định (cơ cấu thành phần và Bí thư kiêm Chủ tịch);

Hội đồng trường kịp thời ban hành các qui định trong quản trị nhà trường, tạo pháp lý cho hiệu trưởng thực thi nhiệm vụ;

Hội đồng trường thực hiện đúng vai nhưng gắn với chia sẻ/đồng hành cùng Hiệu trưởng trong quản trị và đối nội/đối ngoại;

Sử dụng tốt cơ quan tham mưu trong trường cho hoạt động của Hội đồng trường, trực tiếp hay qua Ban chuyên môn của Hội đồng trường;

Công tác giám sát thường xuyên được triển khai hiệu quả thông qua việc tham gia họp giao ban trường.

Bên cạnh đó, có kế hoạch tài chính cho Hội đồng trường hàng năm.

Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp một số khó khăn như: Qui hoạch và bổ nhiệm Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng trường để thuận lợi trong công việc; Công tác giám sát chuyên đề về việc thực thi các Nghị quyết của Hội đồng trường chưa được triển khai thường xuyên;

Theo Thầy Phương, thường trực Hội đồng trường nên được tập huấn nghiệp vụ về hoạt động của Hội đồng trường.

Hoạt động của Hội đồng trường cần được triển khai đúng vai trò quản trị nhà trường nhưng Hội đồng trường cùng tham gia và chia sẻ với Hiệu trưởng trong công tác điều hành tạo nên sự đồng thuận cao ở cấp lãnh đạo nhà trường là yếu tố cốt lõi tạo nên sức mạnh của đơn vị.

Nhiều trường thành viên của đại học vùng chưa thực hiện được “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”

Thảo luận tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thái Bình cho biết, đối với hoạt động của Hội đồng trường thực hiện theo Luật 34/2018 và Nghị định 99 trong giai đoạn vừa qua gặp nhiều khó khăn do các văn bản quy phạm pháp luật chưa có sự thống nhất. Ở các bộ ngành khác nhau cũng có những chỉ đạo ở mức độ sát sao khác nhau.

Trường Đại học Y dược Thái Bình trực thuộc Bộ Y tế, được chỉ đạo chặt chẽ vấn đề “Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là Bí thư Đảng ủy” và đã kinh qua nhiệm vụ trong Ban Giám hiệu.

Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thái Bình chia sẻ tại tọa đàm.

Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thái Bình chia sẻ tại tọa đàm.

Theo thầy Tiến, với một số trường nếu Chủ tịch Hội đồng trường không là Bí thư Đảng ủy thì thực sự hoạt động vô cùng khó khăn. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ban ngành, thực hiện Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường.

Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến cũng đề xuất trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn về công tác thẩm định. Cùng với đó, cần quy định cụ thể hơn, độc lập hơn đối với công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng trường.

Nói về những khó khăn của hoạt động Hội đồng trường, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã chia sẻ những vướng mắc liên quan đến mô hình các trường thành viên của đại học vùng.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chia sẻ tại tọa đàm.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chia sẻ tại tọa đàm.

“Cụ thể như việc thực hiện “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” đã được Đại học Huế quán triệt rõ, nhưng trong 8 trường thành viên của Đại học Huế thì chỉ có một trường thực hiện được.

Tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi chỉ đạo, nên chỉ đạo thêm các trường thành viên. Và mô hình đại học vùng, chúng ta cần phải có sự thảo luận để làm rõ chức năng của Hội đồng đại học, chức năng của Hội đồng trường thành viên”, thầy Hòa chia sẻ.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hoài – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp đề xuất cần có quy trình bổ nhiệm thêm phó chủ tịch Hội đồng trường.

Tiến sĩ Lê Văn Nho – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng cho rằng, nếu ở một cơ sở giáo dục đại học mà Chủ tịch Hội đồng trường không là Bí thư Đảng ủy, thì sẽ không tạo ra thực quyền cho Hội đồng trường.

Chính vì vậy, thời gian tới cần thực hiện được thống nhất “Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”.

Cần làm tốt công tác nhân sự của Hội đồng trường

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, thực hiện tự chủ đại học, giáo dục đại học đã có những chuyển biến lớn, từ tầm nhìn, nhận thức đến thực hiện triển khai.

Các trường đang đi đúng hướng, cả hệ thống giáo dục đại học đã có những chuyển biến tích cực. Quan trọng là chúng ta nhận thức rõ những việc đã làm đúng, những vấn đề còn băn khoăn cần tháo gỡ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ về hoạt động của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ về hoạt động của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học.

Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường đã có những phương thức hoạt động hay, điều này cho thấy sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước với nhau, thúc đẩy sự phát triển tích cực trong khuôn khổ các trường thành viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, điều này mang đậm nét tính tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Với chủ đề tọa đàm về điều hành của Hội đồng trường, có nhiều vấn đề liên quan xoay quanh hoạt động của Hội đồng trường.

Thứ trưởng nhấn mạnh, cần có quan điểm, nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường với cấp trên, với nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học.

Thực hiện tự chủ phải có Hội đồng trường, nhưng vì sao cần Hội đồng trường? Bản chất vấn đề cần được nhìn nhận rõ. Các trường đại học có thể có quyền tự chủ ở những cấp độ khác nhau, nhưng về phân cấp quản lý nhà nước, nơi nào làm tốt, cần cấp quyền cho nơi đó.

Có những việc trước do Bộ chủ quản quyết định, nhưng nhiều việc phải ở dưới cơ sở mới hiểu rõ, nắm bắt sát sao, quyết định kịp thời.

Đặc biệt, một Hội đồng trường với nhiều thành phần tham gia để những góc nhìn sâu hơn, nhiều chiều từ nhà trường, cơ quan quản lý, từ xã hội, từ người học,…

Quyền đi cùng trách nhiệm. Cơ chế quản trị mới trong cơ sở giáo dục đại học là có Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu. Đảng lãnh đạo toàn diện, Hội đồng trường quản trị, Ban giám hiệu quản lý điều hành, điều này đã được quy định rõ.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, về vấn đề phân quyền, qua quá trình 3-4 năm, các trường đã có sự nhận thức rõ ràng hơn và đi đúng hướng. Nhưng để hệ thống đi vào ổn định phải ít nhất hết 1 nhiệm kỳ, trong ngày một ngày hai chưa thể giải quyết hết vướng mắc.

Thứ trưởng nêu quan điểm, để hoạt động của Hội đồng trường hiệu quả, cần phải làm tốt công tác nhân sự. Nhân sự của Hội đồng trường là quan trọng nhất. Trong việc xây dựng nhân sự cho Hội đồng trường, vai trò của Đảng ủy là vô cùng quan trọng.

Cùng với đó, đội ngũ nhân sự cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi thường xuyên để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Và từng trường phải tổ chức nâng cao năng lực quản trị của trường mình.

Về vấn đề tài chính, Thứ trưởng khẳng định, giáo dục đại học đang khó khăn về tài chính, về nguồn lực, cơ chế với các trường đại học công lập.

Hai năm qua, các trường không được tăng học phí, việc chi ngân sách cho giáo dục đại học tính theo GDP hay theo tổng chi cho giáo dục đều rất thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhưng rõ ràng, hệ thống giáo dục đại học những năm qua cũng đã làm được rất nhiều việc, số lượng và quy mô tăng, chất lượng đi vào thực chất, phải khẳng định tự chủ đại học đã mang lại chuyển biến lớn, dù nguồn lực đầu tư còn thấp.

Thời gian tới, Bộ sẽ có đề xuất cụ thể về việc xây dựng học phí theo Nghị định 81, bởi vì hai năm không tăng học phí, bây giờ nếu áp dụng ngay mức học phí theo lộ trình năm học 2023 – 2024 thì sẽ có sự biến động lớn, xã hội không dễ chấp nhận. Bộ sẽ có đề xuất với các Bộ, ngành, thực hiện quy trình rút gọn để sớm công bố quy định học phí cho các trường.

Các đại biểu tham dự tọa đàm cùng chụp ảnh kỷ niệm.

Các đại biểu tham dự tọa đàm cùng chụp ảnh kỷ niệm.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường bày tỏ sự đồng tình với những chia sẻ của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, khẳng định các trường cần đoàn kết, học hỏi lẫn nhau để hoạt động của hội đồng trường, cơ chế tự chủ dần phát huy hiệu quả.

Thầy Tuấn cho biết, thời gian tới, Câu lạc bộ có thể tổ chức tập huấn về quản trị đại học để các trường có cơ hội học hỏi, chia sẻ và vận dụng vào thực tiễn, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường.

Phạm Minh