Chương trình 2018 có 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý.
Việc ghép môn Hóa học, Sinh học, Vật lý thành môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và môn Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý theo đánh giá là ít yếu tố tích hợp, còn rời rạc các đơn vị kiến thức đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Thực tế nhãn tiền mà ai cũng thấy ngay, đó là chưa đủ giáo viên đạt chuẩn để dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý khi thực hiện chương trình mới.
Điều 72 Luật Giáo dục 2019 (Luật số 43/2019/QH14) ghi rõ: Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. [1]
Như vậy, để đạt chuẩn dạy học môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý giáo viên phải có bằng cử nhân sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Giáo viên được cử đi học bồi dưỡng chứng chỉ môn tích hợp có được hưởng công tác phí
Để giải quyết bài toán nhân sự phục vụ giảng dạy môn tích hợp, ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT Ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý.
Quyết định Số: 2454/2455/QĐ-BGDĐT ra đời, giáo viên không bàn cãi chuyện quyết định trên có phù hợp với Luật Giáo dục không nhưng lại lo lắng phải bỏ tiền túi đi học bồi dưỡng chứng chỉ để dạy môn tích hợp.
Theo Quyết định Số: 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định Số: 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Kinh phí bồi dưỡng
- Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;
- Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng:
- Do người học tự đóng góp.
Người học sau khi hoàn thành khóa học tập và đạt kết quả theo quy định sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng: “Hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn KHTN” hoặc “Hoàn thành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý”.[2]
Như vậy, giáo viên được nhà trường cử đi học bồi dưỡng chứng chỉ môn tích hợp không phải đóng học phí, nhưng có được hưởng chế độ công tác phí không?
Điều 3 Số: 40/2017/TT-BTC ghi rõ: Quy định chung về công tác phí
1. Công tác phí là khoản chi phí để trả cho người đi công tác trong nước, bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ nơi đến công tác, cước hành lý và tài liệu mang theo để làm việc (nếu có).
2. Thời gian được hưởng công tác phí là thời gian công tác thực tế theo văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc giấy mời tham gia đoàn công tác (bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường).
3. Điều kiện để được thanh toán công tác phí bao gồm:
a) Thực hiện đúng nhiệm vụ được giao;
b) Được thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử đi công tác hoặc được mời tham gia đoàn công tác;
c) Có đủ các chứng từ để thanh toán theo quy định tại Thông tư này.
4. Những trường hợp sau đây không được thanh toán công tác phí:
a) Thời gian điều trị, điều dưỡng tại cơ sở y tế, nhà điều dưỡng, dưỡng sức;
b) Những ngày học ở trường, lớp đào tạo tập trung dài hạn, ngắn hạn đã được hưởng chế độ đối với người đi học;
c) Những ngày làm việc riêng trong thời gian đi công tác;
d) Những ngày được giao nhiệm vụ thường trú hoặc biệt phái tại một địa phương hoặc cơ quan khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
5. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải xem xét, cân nhắc khi cử người đi công tác (về số lượng người và thời gian đi công tác) bảo đảm hiệu quả công tác, sử dụng kinh phí tiết kiệm.
6. Cơ quan, đơn vị cử người đi công tác có trách nhiệm thanh toán các khoản công tác phí cho người đi công tác, trừ trường hợp được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều này.[3]
Giáo viên được nhà trường cử đi học bồi dưỡng chứng chỉ môn tích hợp thuộc đối tượng được hưởng chế độ đi công tác, nếu chưa được hưởng chế độ đối với người đi học phải được hưởng công tác phí.
Ảnh chụp màn hình văn bản Số 1502/kh-SGDĐT của Sở GD Bà Rịa – Vũng Tàu |
Các địa phương nên thực hiện như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Ngày 09 tháng 5 năm 2023, Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản Số 1502/kh-SGDĐT về việc triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chi trả kinh phí tổ chức lớp học, học phí và các chế độ khác nếu có cho học viên tham gia bồi dưỡng.
Các trường trung học cơ sở cử giáo viên tham gia bồi dưỡng thanh toán công tác phí cho giáo viên tham gia theo quy định hiện hành.[4]
Không phải đóng học phí, được cấp công tác phí khi đi học bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương, là động lực giúp thầy cô học tập tốt.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx
[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-2455-QD-BGDDT-2021-Chuong-trinh-boi-duong-giao-vien-trung-hoc-co-so-mon-Lich-su-482319.aspx
[2]https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2454-qd-bgddt-206145-d1.html
[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-40-2017-TT-BTC-cong-tac-phi-chi-hoi-nghi-doi-voi-co-quan-nha-nuoc-su-nghiep-cong-lap-327960.aspx
[4]http://bariavungtau.edu.vn/Default.aspx?sname=SoGDDT&sid=4&pageid=3048&p_steering=35401