Dạy môn tích hợp, giáo viên tâm tư vì rất mệt mỏi và căng thẳng

30/09/2022 06:42
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Khi dạy học môn tích hợp, giáo viên mệt mỏi, căng thẳng vì phải dạy những phần bản thân không hiểu rõ, chỉ đọc rồi học hỏi nhau và lên dạy".

Mặc dù đã bước sang năm thứ hai dạy học môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng không ít trường vẫn băn khoăn trong việc tổ chức dạy học, bố trí giáo viên với các môn này.

Vậy phải làm sao để dạy học có hiệu quả đối với 2 môn tích hợp: Lịch sử và Địa lý (tích hợp hai môn Lịch sử và Địa lý), Khoa học tự nhiên (tích hợp ba môn Hóa học, Sinh học và Vật lý)?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo trường trung học cơ sở tại Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu giáo viên dạy được liên môn. Một giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn thì không thể dạy thật sâu, thật kĩ những phân môn khác, vì những phân môn này, họ không được đào tạo dài hạn khi học ở trường sư phạm.

Bước sang năm thứ hai thực hiện chương trình mới tại bậc trung học cơ sở, việc bố trí, sắp xếp giáo viên dạy học tích hợp vẫn còn khó khăn. (Ảnh minh hoạ: Phạm Phương Linh)

Bước sang năm thứ hai thực hiện chương trình mới tại bậc trung học cơ sở, việc bố trí, sắp xếp giáo viên dạy học tích hợp vẫn còn khó khăn. (Ảnh minh hoạ: Phạm Phương Linh)

Tại trường học này, môn Lịch sử và Địa lý hiện tại do 2 giáo viên dạy song song riêng 2 phân môn, có cân đối số tiết trong 1 học kỳ để đảm bảo trung bình 1,5 tiết/môn/tuần.

Riêng môn Khoa học tự nhiên lớp 6 đã bắt đầu cho một giáo viên đảm nhiệm.

Hơn một nửa thầy cô dạy môn Khoa học tự nhiên của trường đã được bồi dưỡng và nhận chứng chỉ dạy tích hợp.

“Thực tế, khi dạy môn tích hợp, giáo viên sẽ được tiếp cận với kiến thức các phân môn khác, có cơ hội giao lưu, học hỏi cùng đồng nghiệp và qua hình thức tự học.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận tâm tư của các thầy cô, họ rất mệt mỏi, căng thẳng vì phải dạy những phần bản thân không hiểu rõ, chỉ đọc rồi học hỏi nhau và lên dạy.

Từ đó rất khó để có học sinh giỏi thi quận, hay thi cấp thành phố vì học sinh chỉ được học nhiều phần sơ sài do giáo viên cũng chưa hiểu sâu”, vị lãnh đạo nhà trường chia sẻ.

Cũng theo lãnh đạo này, dạy tích hợp giai đoạn hiện nay chưa thể đạt hiệu quả mong muốn, giáo viên vừa thiếu vừa đang học hỏi chắp vá, trong khi học sinh lớp 6, 7 phải bắt nhịp với lượng kiến thức lớn nhưng nền tảng từ tiểu học vẫn là chương trình cũ nên khó khăn khi tiếp cận.

Vì vậy, các trường sư phạm cần khẩn trương đào tạo giáo viên dạy được liên môn; đội ngũ hiện tại cũng cần được bồi dưỡng có hệ thống, bài bản hơn.

Cần thêm thời gian để thầy cô tự tin dạy học tích hợp

Bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên, nhà giáo Tô Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Giảng Võ cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có hai môn được tích hợp bởi nhiều phân môn, đó là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Có hai cách thức để dạy học bộ môn tích hợp. Thứ nhất là dạy học nối tiếp, thứ hai là dạy học song song.

Để đảm bảo không phá vỡ cấu trúc và đặc trưng môn học, thì cách dạy nối tiếp trong đó lý tưởng là 1 giáo viên dạy cả 3 phân môn sẽ là tối ưu nhất. Tuy nhiên, thực tế, tại trường Trung học cơ sở Giảng Võ và một số trường học khác thì vẫn chưa thể thực hiện ngay việc này được. Bởi lẽ, đào tạo, bồi dưỡng cho một giáo viên có chứng chỉ dạy được cả 3 phân môn không kịp với tiến độ triển khai dạy học.

Đó là lý do đến hiện tại, nhà trường đang lựa chọn cách tổ chức giáo viên phân môn nào, đảm nhiệm nội dung phân môn đó. Nhưng cách thức dạy học này cũng không thể kéo dài vì sẽ không đáp ứng được tối ưu việc đảm bảo cấu trúc môn học.

Vì vậy, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ cũng đã chủ động và sớm có kế hoạch cho việc bồi dưỡng và bố trí giáo viên dạy học.

Ngay từ dịp hè, nhà trường đã động viên các thầy cô tự học bồi dưỡng, hoàn thành chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý.

Hiện 100% giáo viên đều đã tham gia học chứng chỉ dạy học tích hợp, đa số thầy, cô đã có chứng chỉ, chỉ còn một số thầy cô vẫn đang hoàn thành hoạt động đào tạo này.

Theo kế hoạch, bước sang năm học 2023-2024, nhà trường sẽ bố trí đảm bảo từ 70 – 100% việc 1 giáo viên đảm nhận dạy trọn một môn tích hợp. Điều này hoàn toàn khả thi vì trong năm học này, trường quyết tâm việc bổ sung chứng chỉ dạy tích hợp cũng như bồi dưỡng chuyên môn cho thầy cô.

“Chúng ta có thể thấy trước khó khăn nếu vội vàng áp dụng một giáo viên dạy một môn tích hợp. Chúng tôi cũng lắng nghe tâm tư chia sẻ của các thầy cô, họ chưa thực sự tự tin và sẵn sàng vì khoảng thời gian học chứng chỉ cũng rất ngắn, giáo viên mong muốn có thêm thời gian để tự học, tự hoàn thiện, chủ động hơn trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Dù một giáo viên chuyên môn Vật lý có chứng chỉ dạy học tích hợp thì khi dạy phân môn Hóa học, Sinh học cũng chưa thể tự tin vì kiến thức môn học chưa được sâu.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới dẫu có khó khăn chúng ta cũng phải từng bước tháo gỡ để thực hiện vì mục tiêu chất lượng giáo dục”, cô Yến chia sẻ.

Hiện nay, các trường sư phạm đã tuyển sinh và đào tạo giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, các trường phổ thông kỳ vọng, thời gian tới sẽ có đội ngũ giáo viên chuyên môn đáp ứng được chương trình giáo dục mới.

Bàn về giải pháp bố trí giáo viên dạy bộ môn tích hợp, cô Tô Thị Hải Yến cho rằng, các trường có thể ưu tiên ngân sách trích từ chi thường xuyên để hỗ trợ thầy cô kinh phí cho các thầy cô chủ động đi học bồi dưỡng.

Ngoài ra phải bố trí, sắp xếp, phân công chuyên môn, giảm tải công việc sinh hoạt tập thể để thầy cô có thời gian tự học, tự bồi dưỡng và hoàn thiện chứng chỉ.

Các trường cũng có thể tổ chức nhiều chuyên đề, các tiết dạy mẫu, đặc biệt là với các bài khó trong toàn bộ chương trình mới để đưa ra tổ nhóm chuyên môn bàn thảo, trao đổi, rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng được giáo án chuẩn mực, có phương pháp giảng dạy tối ưu, hoàn thiện hơn nữa năng lực chuyên môn cho mỗi giáo viên.

“Trong công tác đánh giá giáo viên, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ linh hoạt, hướng tới sự tiến bộ chứ không đòi hỏi quá toàn diện. Bởi quá trình đổi mới này, thầy cô cần thêm thời gian để vững tin, tiếp cận, tìm hiểu, dành trọn tâm huyết và hoàn thành nhiệm vụ.

Đây cũng là những môn học phù hợp theo cách tiếp cận mới, phù hợp với giáo dục hiện đại nên nhà trường sẽ nỗ lực, từng bước gỡ khó để thực hiện chương trình mới.

Chúng ta cần có lộ trình dài hơi, cần thời gian để thầy cô tự học, tự rèn luyện, bồi dưỡng nhưng vẫn hướng đến mục tiêu lâu dài của đổi mới giáo dục”, cô Yến khẳng định.

Phạm Minh