Năm học 2022 – 2023 cũng là năm đánh dấu 10 năm xây dựng và phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ (Điện Biên).
Thế hệ những thầy cô giáo trong 10 năm qua - những người lái đò thầm lặng gieo chữ ở vùng cao Nậm Pồ tự hào về những đóng góp của mình đã tạo dựng trong bước khởi đầu đầy gian nan, vất vả.
Chuẩn bị kết thúc năm học 2022 – 2023, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ để lắng nghe chia sẻ về thành tựu cũng như vướng mắc mà ngành giáo dục huyện này đang gặp phải.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết, sau 10 năm xây dựng và phát triển với muôn vàn khó khăn, thách thức mà ngành giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ đã trải qua, đến nay diện mạo hệ thống giáo dục huyện nhà đã và đang đổi thay rõ nét.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Từ một huyện chỉ có 4 trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay huyện đã có 29/40 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 25 trường so với năm 2013.
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, Điện Biên. Ảnh: NVCC |
Năm học 2022-2023 toàn ngành có 41 trường (01 trường chưa đi vào hoạt động), 141 điểm trường với 778 lớp, 20.566 học sinh với 757 phòng học; kiên cố 509 phòng; bán kiên cố 243 phòng, cơ bản đáp ứng cho việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 89,7%, giáo viên dạy giỏi các cấp học ngày càng tăng, giáo viên đạt chiến sĩ thi đua ngày càng nhiều.
Hiệu quả giáo dục đào tạo ngày càng được nâng cao; đến nay tỉ lệ trẻ mầm non đến trường đạt 72,8%, tỉ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, tỉ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,7%.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì vững chắc qua từng năm.
Các trường tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dọn dẹp vệ sinh khu nội trú, tích cực trồng rau xanh để cuốn hút các em ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục và tổ chức đời sống cho học sinh nội trú, bán trú. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường, sử dụng thư điện tử công vụ, chữ ký số, mạng hồ sơ công việc nội bộ liên thông giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo với các đơn vị trường học được tăng cường.
Trong 10 năm xây dựng và phát triển, ông Ngô Xuân Chiến cũng nêu ra nhiều khó khăn, vất vả mà các thế hệ các nhà giáo ngày ngày gỡ khó cùng ngành giáo dục huyện nhà, ví như những ngày đầu thành lập huyện nhiều gian khó, phần lớn các xã mới tách của huyện đều chưa có trường, lớp học riêng biệt, nhiều trường, lớp học đã bị xuống cấp, nhất là đối với cấp học tiểu học và mầm non.
Hình ảnh cô và trò chui vào túi ni-lông để qua suối được đăng tải trên hàng loạt các phương tiện thông tin đại chúng đã khắc họa rõ nét nhất những khó khăn mà ngành giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ phải đối mặt.
Điểm trường Huổi Púng, xã Pa Tần - Điểm nhà gỗ cuối cùng của huyện được khởi công xây dựng tháng 11/2022. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ |
Toàn huyện chỉ có 8/37 trường đủ điều kiện cho học sinh ăn, ở bán trú; trang thiết bị nghèo nàn; việc duy trì sỹ số, đảm bảo chuyên cần gặp rất nhiều khó khăn.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn non trẻ, ít kinh nghiệm; số trường đạt chuẩn quốc gia với con số khiêm tốn là 4/37 trường; năm học đầu tiên 2013-2014, giáo dục Nậm Pồ đứng thứ 10/10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Đó thực sự là thử thách rất lớn đối với ngành giáo dục và cũng là niềm trăn trở lớn nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương về thực trạng giáo dục huyện nhà những ngày đầu thành lập.
Đến nay hệ thống các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã được xây dựng kiên cố hóa, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đã được đầu tư trang cấp tương đối đầy đủ, phòng công vụ, phòng bán trú; công trình nước sạch, công trình vệ sinh; máy tính và hệ thống phòng tin học được nối mạng…là minh chứng rõ nhất cho sự nỗ lực, đổi mới căn bản, toàn diện và từng bước hòa nhập với nền giáo dục của tỉnh.
Cùng với công tác xây dựng, củng cố nâng cấp hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị, chất lượng giáo dục của huyện nhà dần được nâng lên.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều quyết sách mang tính đột phá…xây dựng lộ trình đề nghị công nhận đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đến nay toàn huyện có 27/40 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 65,9%; có 22 trường được cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đạt tỷ lệ 53,7%.
Mùa khô ở xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ khiến thầy cô giáo, học sinh vô cùng vất vả. Ảnh: LC |
Tuy vậy, vẫn còn có những khó khăn thử thách mà các thầy cô giáo và học trò ở Nậm Pồ phải đối mặt. Trong đó khó khăn lớn nhất chính là nước sinh hoạt cho học sinh.
Nhiều trường do có số lượng học sinh bán trú, nội trú đông (từ 800-1.000 học sinh) dẫn đến tình trạng thiếu nước khá nghiêm trọng.
"Nhất là vào mùa khô, nhiều trường học sinh phải ra các khe suối, chờ cả tiếng để hứng từng chậu nước tắm giặt. Điều này vừa không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng học tập của học sinh”, ông Chiến nói.
Thời gian tới Ủy ban nhân dân huyện cùng với các thầy cô giáo, nhân viên toàn ngành Giáo dục sẽ chung tay khắc phục.
Vượt qua những thách thức ban đầu, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng giúp sức của người dân, của các bậc phụ huynh, ngành Giáo dục Nậm Pồ với tinh thần “quyết tâm vượt khó, sáng tạo, đổi mới, đoàn kết đồng lòng, tháo gỡ dần những khó khăn, giải thoát dần những bế tắc, tạo dựng nền tảng cơ sở vật chất ổn định an cư để thuận lợi cho nâng cao chất lượng dạy và học”, huyện đã có nhiều giải pháp mang tính chất đột phá nhằm phát triển, nâng cao chất lượng công tác giáo dục góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
100% các trường đã động viên được toàn thể cán bộ, giáo viên vừa đảm bảo yêu cầu chuyên môn, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới phương pháp dạy học, bám trường, bám lớp, bám dân bản vận động học sinh đi học, vừa chung sức lao động xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo tiêu chí “ba cứng”, cải tiến cách phục vụ ăn nghỉ cho học sinh bán trú, tạo dựng cảnh quan môi trường và chất lượng giáo dục hấp dẫn học sinh để hạn chế học sinh bỏ học, duy trì tỷ lệ chuyên cần.
Các trường tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dọn dẹp vệ sinh khu nội trú, tích cực trồng rau xanh để cuốn hút các em ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục và tổ chức đời sống cho học sinh nội trú, bán trú.
Đã có nhiều hơn những ngôi trường khang trang ở vùng biên giới. Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ |
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường, sử dụng thư điện tử công vụ, chữ ký số, mạng hồ sơ công việc nội bộ liên thông giữa Phòng Giáo dục và Đào tạo với các đơn vị trường học được tăng cường.
Kết quả này phần lớn là nhờ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục huyện nhà đã và đang nỗ lực cống hiến.
Những đóng góp của hơn một nghìn thầy cô giáo trong toàn huyện đã góp phần đưa ngành giáo dục và đào tạo Nậm Pồ ngày một khởi sắc. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phía trước còn nhiều thách thức mới, đòi hỏi sự cố gắng không ngừng nghỉ của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo huyện nhà.
"Sau 10 năm xây dựng và phát triển, thế hệ những thầy cô giáo trong 10 năm qua - những người lái đò thầm lặng gieo chữ ở vùng cao Nậm Pồ tự hào về những đóng góp của mình đã tạo dựng trong bước khởi đầu đầy gian nan, vất vả", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết.