Lãnh đạo cơ sở GDNN chỉ ra ngành bị sót trong danh mục ngành, nghề học độc hại

29/06/2023 06:35
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Không chỉ y sĩ đa khoa, điều dưỡng, dược mà nhiều ngành học khác thuộc khối sức khỏe cũng là những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây đã ban hành Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH về danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Theo đó, các ngành học thuộc Danh mục này sẽ được áp dụng Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; và Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Đáng nói, trong lĩnh vực sức khỏe của Danh mục này chỉ có một số ngành: Y sỹ đa khoa, dược, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học thuộc Danh mục này.

Trong khi đó, một số ngành học khác cũng thuộc khối sức khỏe như Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật vật lý trị liệu,... được lãnh đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo khối ngành sức khỏe đánh giá là khá nặng nhọc và nguy hiểm nhưng lại không thuộc trong Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng này.

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội bày tỏ quan điểm:

“Có vẻ như Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã bỏ sót một số ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe như Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng,...

Bởi, qua quá trình đào tạo, nhà trường nhận thấy rằng, so với những ngành học khác được xét thuộc Thông tư này, 2 ngành học nói trên cũng là ngành học nặng nhọc và nguy hiểm không kém”.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội trong tiết học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội trong tiết học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Hơn nữa, theo thầy Tân, những ngành thuộc kỹ thuật y học, đặc biệt là kỹ thuật phục hồi chức năng là ngành mới, đang có nhu cầu xã hội ngày càng gia tăng, và dự kiến sắp tới đây, Bộ Y tế có thể sẽ mở chuyên khoa sâu về phục hồi chức năng.

Không nằm trong danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, sinh viên sẽ không được hưởng các chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này sẽ làm hạn chế hơn rất nhiều nhu cầu của người học, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của ngành nghề này trong tương lai.

Bởi, khi tìm hiểu và lựa chọn ngành học, người học sẽ cân nhắc đến những yếu tố như nhu cầu của xã hội, cơ hội làm việc và ưu đãi trong quá trình học.

“Tôi nghĩ rằng, ưu đãi trong quá trình học sẽ dẫn đến ưu đãi trong quá trình làm việc. Vậy nên, khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng những ưu đãi trong quá trình học của những ngành học thuộc lĩnh vực sức khỏe, Bộ Y tế rồi sẽ xây dựng ưu đãi trong quá trình làm việc ngành nghề đó.

Do vậy, tôi hi vọng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nên xem xét, kiến nghị đưa 2 ngành học kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng nói trên vào trong Danh mục để giúp người học được hưởng các quyền lợi học tập tương xứng", thầy Tân nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn, đối với các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ lao động - Thương binh và xã hội quy định, người học sẽ được giảm 70% học phí (Theo quy định tại Điều 15 của Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Tuy nhiên, hiện trường đang thực hiện tự chủ 100% chi thường xuyên, trước Thông tư 05, học sinh đang chi trả toàn bộ học phí. Nhưng từ ngày 30 tháng 7 năm 2023, Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH sẽ có hiệu lực thi hành, địa phương sẽ chi trả 70% học phí, vậy khi là đơn vị chi trả chủ yếu phần học phí như vậy, địa phương có can thiệp vào việc đưa ra học phí của nhà trường hay không?

Cũng bàn về vấn đề trên, thầy Nguyễn Văn Toán, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang) bày tỏ khá bất ngờ khi chỉ có ngành Y sỹ đa khoa, dược, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học thuộc Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hệ trung cấp, cao đẳng.

Trong khi đó, đa số ngành học thuộc khối sức khỏe dù đối với sinh viên đang đi học hay người đã đi làm đều là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

Theo thầy Toán, khi học tập, giảng dạy, chương trình học của các chuyên ngành thuộc khối sức khỏe thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gần như tương đương như nhau. Các em sinh viên sau quãng thời gian học kiến thức trên lớp, khi đi thực tập tại các bệnh viện đều gặp phải những yếu tố, nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc hay phải trực đêm, tiếp xúc với các bệnh nhân,…

Sinh viên Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang) trong giờ học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học, Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang) trong giờ học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Đối với các em học chuyên ngành kỹ thuật phục hồi chức năng như Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang) đang đào tạo, khi thực tập và sau ra trường đi làm việc, các em cũng phải đối mặt với những ca bệnh khá nặng như bệnh nhân bại não, tai biến,… Do đó, đây cũng là ngành, nghề học nặng nhọc, nguy hiểm nhưng lại không được đưa vào Danh mục của Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH.

Thầy Toán cho rằng, khi cùng cấp độ, cùng nhóm ngành nghề đào tạo, mà một bên được hỗ trợ 70% học phí, một bên lại không được hỗ trợ sẽ gây ra thách thức, khó khăn cho cả người học và nhà trường.

Bởi, nhìn nhận từ thực tế, điều kiện kinh tế của người dân tỉnh Bắc Giang còn hạn chế, do vậy, khi lựa chọn ngành học, có em dù yêu thích chuyên ngành kỹ thuật phục hồi chức năng hơn nhưng do không được miễn, giảm học phí có thể rẽ hướng lựa chọn sang học dược hay điều dưỡng, y sĩ đa khoa mà nhà trường cũng đang đào tạo để được hưởng ưu đãi học tập tốt hơn.

Mặt khác, nguồn nhân lực của kỹ thuật phục hồi chức năng đang còn thiếu nhiều. Điều này thể hiện rất rõ qua việc dù khóa 1 của ngành kỹ thuật phục hồi chức năng của Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự chưa ra trường đã có nhiều bệnh viện, phòng khám đặt hàng, cam kết sau khi các em tốt nghiệp ra trường sẽ sẵn sàng nhận vào làm việc.

Vậy nên, thầy Toán đề xuất rằng, đa số các ngành thuộc khối sức khỏe tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên xem xét đưa vào Danh mục các ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hệ trung cấp, cao đẳng.

Ngoài ra, giáo viên giảng dạy các ngành học không thuộc Danh mục của Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH sẽ không được hưởng phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (theo Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định). Điều này có thể gây ra sự thiếu công bằng cho giáo viên giữa các ngành sức khỏe.

Nếu giữ nguyên các ngành học như trong Thông tư này, thầy Toán cho biết, trường dự kiến sẽ tham mưu, đề xuất để những giáo viên thuộc các ngành không nằm trong danh mục nhưng có tham gia giảng dạy các ngành học thuộc danh mục đều được hưởng phụ cấp như nhau.

Tường San