Đi học diện cử tuyển, tốt nghiệp 5-6 năm vẫn chưa được bố trí việc làm

31/07/2023 09:20
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều sinh viên cử tuyển theo học tại Đại học Thái Nguyên dù đã tốt nghiệp nhiều năm vẫn chưa được bố trí việc làm với lý do không có chỉ tiêu.

Hiện nay, ở một số địa phương, nhiều người được cử đi đào tạo theo diện chính sách cử tuyển nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường lại chưa được địa phương bố trí việc làm.

Với con em đồng bào dân tộc thiểu số, việc được cử đi học theo diện cử tuyển là một cơ hội để các em được học tập lên cao và mong ước có một công việc, nghề nghiệp ổn định trong tương lai. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp, nhiều người thất vọng vì chưa được bố trí công việc, họ được thông báo phải chờ có chỉ tiêu mới được tuyển dụng.

Tốt nghiệp đại học theo diện cử tuyển từ năm 2018 nhưng 5 năm qua, anh Vương Văn Tiến (sinh năm 1995, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) vẫn chưa được địa phương bố trí việc làm.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Tiến cho biết, từ năm 2013, anh được cử đi học theo diện cử tuyển tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, ngành Sư phạm Toán học.

Anh Vương Văn Tiến khi là sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (ảnh: NVCC)

Anh Vương Văn Tiến khi là sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (ảnh: NVCC)

Năm 2018, anh Tiến tốt nghiệp ra trường nhưng đến nay chưa được địa phương bố trí công việc.

“Từ lúc đi học đến lúc ra trường, hằng năm tôi vẫn nhận được tiền trợ cấp theo diện cử tuyển nhưng sau khi tốt nghiệp, tôi không được gọi nhận công việc.

Với những người học diện cử tuyển, theo quy định là chúng tôi sẽ được địa phương bố trí việc làm. Vì vậy, tôi cũng gọi điện đến cơ quan quản lý của địa phương để hỏi và mong có cơ hội được tuyển dụng thế nhưng họ chỉ trả lời là do chưa có chỉ tiêu biên chế nên chưa tuyển dụng, bao giờ có chỉ tiêu sẽ liên lạc lại”, anh Vương Văn Tiến chia sẻ.

Qua hơn 1 năm mòn mỏi chờ đợi nhưng không thấy Sở Nội vụ liên lạc, anh Vương Văn Tiến đã tự đi tìm việc và được tuyển dụng làm giáo viên hợp đồng tại huyện Xín Mần.

Anh Vương Văn Tiến quyết định không làm giáo viên hợp đồng mà tự kinh doanh, lắp đặt thiết bị điện.

Anh Vương Văn Tiến quyết định không làm giáo viên hợp đồng mà tự kinh doanh, lắp đặt thiết bị điện.

“Tôi đã suy nghĩ nhiều đến việc có nên làm giáo viên hợp đồng hay không vì còn cảm giác “chông chênh” lắm, tôi tự hỏi khi hết hợp đồng thì không biết mình sẽ làm gì, liệu có được gia hạn hợp đồng không, cũng không biết bao giờ bản thân mới được vào biên chế, trong khi đồng lương với giáo viên hợp đồng rất thấp.

Vì vậy, tôi quyết định không làm giáo viên hợp đồng mà tự mở quán kinh doanh thiết bị điện và sửa chữa, lắp đặt thiết bị điện dân dụng", anh Tiến cho hay.

Từng được cử đi đào tạo theo diện cử tuyển nhưng sau khi tốt nghiệp ngành Trồng trọt của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên, anh Chán Chẩn Hùng (sinh năm 1993, quê ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) cũng chưa được bố trí công việc.

Anh Hùng cho biết, anh nhập học từ năm 2012 và tốt nghiệp vào năm 2017. Dù quá trình học tập được hỗ trợ kinh phí nhưng khi ra trường vẫn chưa được hỗ trợ về công việc.

“Các bạn bè học cùng tôi đợt đó cũng chưa ai được bố trí việc làm, chưa thấy có chính sách ưu tiên sắp xếp việc làm cho chúng tôi. Chúng tôi đã hỏi nhiều lần nhưng câu trả lời nhận được chỉ là: đợi có chỉ tiêu.

Lần đầu tiên tôi hỏi thì Sở Nội vụ trả lời là chờ họ sắp xếp. Nhưng sau một năm cũng không có gì thay đổi, họ gọi tôi đi rút hồ sơ về. Vì chưa có chỉ tiêu nên chúng tôi phải tự tìm việc làm.

Đã hơn 5 năm rồi, qua năm này sang năm khác chờ đợi rồi chúng tôi cũng không còn hỏi thăm hay hi vọng được bố trí công việc nữa”, anh Hùng bày tỏ sự thất vọng.

Anh Chán Chẩn Hùng cho biết thêm, cùng học diện cử tuyển với mình thời gian đó tại Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên), tỉnh Hà Giang có hơn 10 người, trong đó có 2 người học ngành trồng trọt. Nhưng những người anh quen biết đều không được sắp xếp công việc sau khi tốt nghiệp.

Hiện tại, anh Hùng đang làm tự do tại thành phố Hà Giang.

“Được cử đi học tôi cũng rất cảm ơn chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để mình có cơ hội học tập và được hỗ trợ kinh phí học tập.

Trước khi đi học, chúng tôi được biết sau khi ra trường sẽ được bố trí công việc nên rất phấn khởi. Nhưng sau không có việc làm nên tôi cũng rất buồn, vì bỏ thời gian 5 năm để học tập, ai cũng mong sau này có công việc ổn định theo đúng chuyên môn được đào tạo”, anh Hùng tâm sự.

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 141/2020/NĐ-CP, cử tuyển là việc tuyển sinh qua phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp đối với người học là:

- Người dân tộc thiểu số rất ít người.

- Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Theo Điều 4 Nghị định 141/2020/NĐ-CP, thực hiện chế độ cử tuyển đối với người học là người dân tộc thiểu số phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định.

- Khách quan, công bằng, công khai, minh bạch.

- Bảo đảm người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Phạm Minh